Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Bí ẩn 'hàm răng' cổ khổng lồ tại Bình Phước

“Hàm răng” cổ khổng lồ nghi của một loài động vật đã tuyệt chủng hàng vạn năm trước đang thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Hoài Diễm (60 tuổi) ngụ thông Phú Cường, xã Phú Riềng, H. Bù Gia Mập, Bình Phước.


Bà Diễm và hàm răng cổ. Ảnh: Lê Anh
Hơn 30 năm qua, có nhiều đồn đoán, suy luận về hàm răng lạ nhưng đến nay chưa có một giả thiết nào được xem là hợp lý về xuất xứ, nguồn gốc của “hàm răng” cổ khổng lồ này.
Hàm răng lạ tìm thấy trong hang sâu
Để chứng kiến tận mắt hàm răng cổ khổng lổ, chúng tôi tìm đến nhà của bà Diễm. Khi nghe chúng tôi hỏi về hàm răng, bà Diễm cho hay: “Đúng là gia đình tôi đang giữ hàm răng lạ đó. Đây là món quà do cha chồng tôi để lại cho gia đình”. 
Theo lời kể của bà Diễm, năm 1980, vật lạ này được cha chồng bà là cụ Võ Văn Mừng mua lại từ một người đàn ông dân tộc. Khi cụ Mừng băn khoăn hỏi xuất xứ, người đàn ông lắc đầu không biết. Theo lời người đàn ông này, trong lúc vào rừng săn bắn đã tìm thấy trong một hang sâu. Không biết có phải vì trùng hợp hay không, mà từ ngày sở hữu được hàm răng khủng, gia đình cụ Mừng làm ăn ngày một phát đạt.
 Việc buôn bán hầu như suôn sẻ, mọi tính toán làm ăn đều thuận buồm xuôi gió. Do gia đình làm ăn phát đạt, rồi vì vấn đề tâm linh nên mọi người trong nhà cụ Mừng coi hàm răng lạ như “thần hộ mệnh”. Vì vậy, hàm răng khủng được cụ Mừng đặt trang nghiêm trên bàn thờ, hằng ngày nhang khói đầy đủ và xem như báu vật linh thiêng.
Bề mặt 'hàm răng' cổ khổng lồ. Ảnh: Lê Anh
Khi nghe nói cha chồng có món đồ lạ, lại vốn có tính mê đồ cổ nên tôi nằng nặc xin trả lại 2 ha đất mà vợ chồng tôi vừa được thừa kế chỉ để đổi lấy hàm răng cổ này. Thấy tôi yêu quý đồ cổ nên ông cụ đồng ý. Trong di chúc của mình cụ cũng có nhắc tới điều này”, bà Diễm nhớ lại.
Bí ẩn chưa có lời giải
Trước mong muốn của chúng tôi là được cận cảnh vật lạ, bà Diễm cẩn thận nhấc “hàm răng” đặt xuống mặt sàn cho chúng tôi thoải mái chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Thật sự khi nhìn thấy chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, không biết chính xác là vật gì nên đành tạm gọi là “hàm răng” cổ. 
Hàm răng cổ này có chiều dài hơn 27 cm, rộng 17 cm, bề dày khoảng 8 cm. Toàn bộ bề mặt đã hóa thạch, màu xám xỉn nhưng vẫn có thể thấy trên mặt in rõ những đường rãnh thẳng, lộ rõ những chiếc răng màu trắng đều tăm tắp. Chúng có kết cấu thành từng phiến, mặt nhai của răng giống như bàn nghiền.
Để tìm câu trả lời, năm 1990, bà Diễm nhờ thợ chụp hình lại rồi mang xuống Viện Khảo cổ học tại TP.HCM nhờ giải đáp. “Sau khi xem qua hình ảnh, các nhà khảo cổ học nói với tôi đây không phải răng voi ma mút nhưng cũng không đưa ra câu trả lời chính xác là vật gì. Đem những thắc mắc gặp một số nhà khoa học khác nhưng đều chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng”, bà Diễm cho hay.
Năm 1995, trong một lần về thăm quê, người thân của bà Diễm ngỏ ý muốn đưa hàm răng này sang Mỹ nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Nhưng do sợ thất lạc nên bà Diễm không đồng ý. Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, hàm răng cổ này đối với gia đình bà Diễm vẫn còn là ẩn số chưa có lời giải.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

CÂY LƯỢC VÀNG QUÝ HƠN VÀNG

Bài viết về cây lược vàng khá hay và bổ ích, xin chép lại làm tư liệu và giới thiệu với mọi người...

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, dịch ép từ cây lược vàng rất giàu các chất kích thích sinh học có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư.
Dân gian dùng cây lược vàng chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, lợi tiểu, ngăn ngừa và điều trị các khối u trong cơ thể. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada, dịch ép từ cây lược vàng rất giàu các chất kích thích sinh học có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư. Những chất này còn có khả năng chữa lành các bệnh mắt, viêm loét dạ dày tá tràng, hen suyễn, và nhiều bệnh khác nữa. Nó làm tăng quá trình biến dưỡng, làm tăng khả năng bảo vệ cơ thể và đồng thời thúc đẩy quá trình tái sinh (đổi mới) các tế bào trong cơ thể.

“Cây giỏ” lợi không nhỏ

Cây lược vàng có tên tiếng Anh là “basket plant” (cây giỏ – vì thường được trồng trong những giỏ nhỏ để trong nhà) tên Latinh là Callisia fragrans, thuộc họ thài lài Commelinaceae. Chính nhờ thành phần các chất sinh học hiện diện trong cây có tác dụng hiệu quả trên cơ thể người, mà cây lược vàng đang được nhiều nước quan tâm nghiên cứu.

Bài gốc: Cây lược vàng quý hơn vàng


Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Canada, dịch ép từ cây lược vàng rất giàu các chất kích thích sinh học có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư. Những chất này còn có khả năng chữa lành các bệnh mắt, viêm loét dạ dày tá tràng, hen suyễn, và nhiều bệnh khác nữa. Nó làm tăng quá trình biến dưỡng, làm tăng khả năng bảo vệ cơ thể và đồng thời thúc đẩy quá trình tái sinh (đổi mới) các tế bào trong cơ thể.
Toàn cây chứa các chất có hoạt tính sinh học gồm flavonoid, steroid và nhiều khoáng tố vi lượng có lợi cho sức khoẻ. Chất flavonoid đóng vai trò như vitamin P có khả năng làm bền mạch máu và tăng tác dụng của vitamin C. Những hoạt chất này còn có tác dụng giảm đau, an thần, kháng viêm, hoạt huyết, được dùng để chữa lành vết thương, vết bỏng, vết bầm tím. Dân gian dùng làm phương thuốc chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, lợi tiểu, ngăn ngừa và điều trị các khối u trong cơ thể. Hai chất flavonoid được xác định là quercetin và kaempferol. Quercetin là một chất chống oxy hoá tế bào mạnh, có khả năng kháng ung thư và tăng sức bền thành mạch, còn hữu ích trong trường hợp dị ứng, chảy máu thành mạch, viêm thận, thấp khớp, bệnh tim mạch, bệnh mắt và các bệnh nhiễm trùng. Kaempferol giúp củng cố mao mạch, nâng đỡ thể trạng, tăng sự đào thải nước tiểu và khả năng kháng viêm, được dùng chữa viêm nhiễm, dị ứng và bệnh đường tiết niệu. Hai chất này hợp đồng cộng lực, nhờ đó mà hiệu quả điều trị được gia tăng.
Chất steroid trong cây chính là phytosterol. Chất này có hoạt tính estrogen, tác dụng sát khuẩn, chống xơ cứng và kháng ung thư. Cây lược vàng còn có khả năng tẩy uế không khí ô nhiễm trong phòng, phóng thích những chất có ích cho việc điều trị các bệnh thuộc đường hô hấp.

Coi chừng tác dụng phụ

Gần như loại thảo dược nào cũng có khả năng gây tác dụng phụ và cây lược vàng không là ngoại lệ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của việc sử dụng thảo dược này là tổn thương các dây thanh quản, gây dị ứng phát ban và sưng phù, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu và dễ dị ứng. Do đó, chỉ được chấp nhận sau khi có ý kiến của bác sĩ.
Tóm lại, cho dù đã được nghiên cứu nhưng đôi khi các kết quả vẫn chưa đủ để tạo chứng cứ khoa học cho một loại thuốc mới, nên vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết cách sử dụng, liều lượng, dạng thích hợp, không nên tự ý sử dụng và luôn nhớ một loại thuốc không thể chữa được nhiều bệnh cùng lúc.

MỘT SỐ CÁCH DÙNG CÂY LƯỢC VÀNG

Đặt cạnh bệnh nhân: cây lược vàng có khả năng tẩy uế không khí ô nhiễm trong phòng, phóng thích những chất có ích cho việc điều trị các bệnh thuộc đường hô hấp. Nên đặt những chậu cây lược vàng bên cạnh chỗ nằm của bệnh nhân viêm phổi hoặc ung thư phổi.
Dạng dầu:
Cách 1: lấy toàn cây lược vàng đem ép lấy dịch, bã còn lại đem phơi khô. Khi đã khô thì bẻ vụn ra ngâm trong dầu ô liu, đậy kín trong khoảng ba tuần. Sau đó trộn chung và lọc qua gạc mỏng, cho hỗn hợp dầu vào trong lọ thuỷ tinh màu, cất nơi mát.
Cách 2: cắt cây lược vàng thành những mảnh nhỏ rồi cho hết vào một nồi chịu nhiệt, rót dầu thực vật vào nồi rồi đem bỏ vào lò hầm ở 40oC trong tám giờ. Sau đó lọc qua gạc mỏng, cho hỗn hợp dầu vào trong lọ thuỷ tinh màu, cất ở nơi mát. Loại dầu này được dùng trị bệnh ngoài da hoặc để xoa chữa các chứng viêm khớp, cứng khớp hoặc bôi để xoa bóp giảm đau toàn thân.
Dạng thuốc mỡ:
Cắt nhỏ toàn cây và nghiền nát trong cối. Sau đó trộn với vaselin hoặc bột kem nhão để tạo thành một hỗn hợp theo tỷ lệ 2 : 3. Cho khối thuốc mỡ vào lọ thuỷ tinh màu, để nơi tránh ánh sáng. Cách bào chế khác là ép lấy dịch chiết của cây và trộn với vaselin hoặc kem theo tỷ lệ 1 : 3, sau đó cũng cho vào lọ đậy kín, bảo quản nơi mát. Thuốc mỡ này được dùng để bôi lên các vùng da bị tê cóng, bầm tím, viêm loét da, và còn được áp dụng để chữa các trường hợp viêm khớp, cứng khớp và đau nhức.
Chú ý: nên chọn những cây có ít nhất 9 – 10 đốt trở lên (không ngắn dưới 20cm), và có màu tím sậm vì lúc đó hàm lượng chất kích thích sinh học trong cây đạt mức tối đa.
Chất steroid trong cây chính là phytosterol. Chất này có hoạt tính estrogen, tác dụng sát khuẩn, chống xơ cứng và kháng ung thư. Cây lược vàng còn có khả năng tẩy uế không khí ô nhiễm trong phòng, phóng thích những chất có ích cho việc điều trị các bệnh thuộc đường hô hấp.

Các bài thuốc từ cây lược vàng

1/ Dùng lược vàng + mật gấu trị ung thư bao tử
50gr lá cây lược vàng tươi giã nát chắt lấy nước cốt (hoặc ăn cả bã cũng tốt) +1 giọt mật gấu. Ăn sống ngày 1 lần lúc đói no đều được (đói tốt hơn), liên tục 1 tháng là khỏi bệnh.
2/ 50gr lá lược vàng tươi giã nát chắt lấy nước cốt (hoặc ăn cả bã cũng tốt) + 5 giọt dấm ăn làm từ chuối ăn sống trị mất ngủ, đái tháo đường, đầy hơi không tiêu, xơ gan cổ trướng, u gan lành tính, viêm ống dẫn mật, sỏi mật (dạng bùn), ngộ độc thức ăn, ho do viêm phế quản lâu ngày, do viêm họng, bệnh vảy nến, làm sáng mắt, bệnh bạch cầu, chứng cảm mạo phong hàn.
Dùng liên tục 5 ngày nghỉ 5 ngày uống tiếp. Thời gian sử dụng 1 tháng.
3/ Nhai nát 1 lá tươi vào buổi trưa sau khi ăn liên tục 5 ngày chữa:
- Đau đầu do thần kinh yếu.
- 5 ngày liên tục buổi sáng sau khi ăn sáng chữa sài đẹn ở con nít.
- Đắp 1 lần 10 – 20 phút lên vết bị bầm tím tan máu bầm.
4/ Ngâm rượu: 100gr lá tươi + đốt + mắt + 0,5 lít rượu trắng chữa phù thũng, bệnh mộng du, mất ngủ, táo bón, u nang buồng trứng, rối lọan tiền đình, cảm mạo phong hàn, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh, kém trí nhớ (bệnh down), thần kinh phân lập (điên khùng do mất trí thông minh không phải bệnh do tà nhập), đục thủy tinh thể ở người già, ngủ thấy ác mộng do yếu thần kinh, vôi hóa đốt sống, đau khớp, nhức mỏi, suy nhược thần kinh, sỏi mật, viêm túi mật, viêm phúc mạc cấp, sạn thận, xơ gan cổ trướng, no hơi ăn không tiêu.
Lưu ý: mục 4 ngày uống 2 lần sau khi ăn, lần 1 muỗng canh, chỉ dùng liên tục 1 tháng vì tính hàn của thuốc. Nếu chưa hết bệnh phải dừng sử dụng thuốc 1 tháng sau đó mới uống tiếp.
5/ 50 gr cây màng màng (bòng bong) + 150gr lá tươi ngâm với 1 lít rượu trắng để chỗ mát 1 tháng dùng chữa ung thư (ác tính) bạch cầu, sài đẹn, mộng du, ngủ mơ thấy ác mộng, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn, xơ gan cổ trướng, dái nước, giang mai.
Cách dùng như sau:
Uống 10cc (khoảng 1 muỗng canh/ lần) / 2 lần / ngày cho mỗi loại bệnh liên tục 10 ngày .
Lưu ý: kiêng ăn bắp (ngô), đu đủ ruột đỏ, cam, mít, nhãn nên ăn trái cây có nhiều dương như: dâu tây, ổi, mãng cầu xiêm, táo tàu khô (táo đỏ), khổ qua, mãng cầu ta, rau muống, canh mùng tơi nấu nấm rơm, yaourt, sữa chua (kefir).
6/ 2 lá lược vàng + 7 – 9 lá mùng tơi (nam 7 lá nữ 9 lá) giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống (hoặc ăn cả bã cũng tốt) vào buổi tối sau khi ăn liên tục 5 – 10 ngày trị các bệnh nóng gan do hỏa vượng, viêm gan siêu vi A,B,C, gan nhiễm mỡ, lở miệng do nóng, chống viêm loét ngoài da, ngủ thấy ác mộng do thần kinh yếu, chứng ra mồ hôi chân tay ở người lớn và đổ mồ hôi trộm ở trẻ em, đau đầu do yếu thần kinh, parkinson (chứng rung tay chân ở người già và người lớn dâm dục quá độ), đầy hơi ăn không tiêu. Riêng viêm gan siêu vi B,C phải dùng liên tục 1 tháng.
7/ 2 lá lược vàng + 10gr rau om (rau ngổ) tươi giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống (hoặc ăn cả bã cũng tốt) vào buổi sáng sau khi ăn liên tục 5 – 10 ngày trị các bệnh đầy hơi ăn không tiêu, nám da do gan nóng, kích thích tiêu hóa ăn ngon miệng ở người mới ốm dậy, tiêu mỡ ở người mắc bệnh béo phì, sài đẹn ở trẻ em, chứng mất ngủ ở người già, phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, gan nhiễm mỡ, hiếm muộn, máu nhiễm mỡ, cận thị, yếu sinh lý, xuất tinh sớm. Riêng các bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ phải dùng liên tục 1 tháng, nếu chưa hết bệnh ngưng uống 1 tháng rồi mới sử dụng tiếp tục cho đến lần thứ 3 là hết bệnh.
Lưu ý: kiêng ăn hải sản tôm cua mực, thịt bò.
8/ 2 lá lược vàng + 10gr bạc hà (rọc mùng) tươi giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống (có thể ăn cả bã lược vàng cũng tốt) vào buổi sáng sau khi ăn liên tục 10 – 15 ngày trị các bệnh đầy hơi ăn không tiêu, mất ngủ, ngủ thấy ác mộng do yếu thần kinh, khan tắc tiếng do cảm phong hàn, chứng điên khùng do thần kinh phân lập (không phải do tà nhập) - chỉ bớt bệnh điên khùng chứ không thể khỏi hẳn, rối loạn tiền đình, mộng du, đau đầu do yếu thần kinh, bổ thần kinh dẫn đến ngủ ngon đối với người già, ngủ nói lảm nhảm do yếu thần kinh. 
9/ Một số nhận xét về tài liệu chỉ dẫn cách sử dụng cây lược vàng:
- Ngâm lá cây lược vàng với rượu thì tốt, nhưng ngậm rượu lá cây lược vàng thì “mùng màn méo” (méo mặt vì men răng bị mòn do lớp men tác dụng tốt với axít có trong rượu thuốc).
- Đun nấu (việc hãm lá lược vàng như hãm trà (chè) xanh) làm “méo” (giảm) tính chất của thuốc.
- Ngâm rượu ngắn ngày (15 ngày) như tài liệu nói trên chưa đủ thời gian để thuốc phát huy hết tác dụng có trong lá cây, chồi, mắt, mặt khác rượu chưa phân hủy hết men có thể gây hại do men rượu.
- Sử dụng bài thuốc như tài liệu hướng dẫn dài ngày (liên tục như tác giả trình bày) gây cảm mạo phong hàn do tính hàn (mát) của cây thuốc.
- Nhai lá tươi như theo tài liệu hướng dẫn có thể gây ngứa miệng, ngứa chân tay. Muốn tránh bị ngứa nên vò nát trước khi ăn.
- Cây lược vàng chỉ có thể có tác dụng chữa một số bệnh như Thầy chỉ dạy trong 8 bài thuốc nói trên chứ không phải chữa bá bệnh.
Bệnh nổi mẩn, ngứa: Vào hè cả nhà tôi, đặc biệt là các cháu nhỏ đều bị nổi mẩn ngứa, bà của các cháu dùng lá lược vàng cho các cháu nhai nuốt nước, bã xát vào những chỗ nổi mẩn ngứa 3 lần là khỏi hẳn (trước khi dùng bã để xát phải lau rửa chỗ ngứa cho sạch). Có lần đứa cháu ngoại (học sinh lớp 7) đang giờ học bị nổi mẩn ngứa khắp người. Về nhà bà ngoại cho cháu nhai lá lược vàng bã chà sát vào những chỗ nổi mẩn đỏ, cơn ngứa của cháu dịu hẳn rồi khỏi nhanh! Buổi chiều cháu lại đi học bình thường, không nổi ngứa nữa...
Bệnh ho khan kéo dài: Các cháu nhà tôi vì không giữ ấm cổ trong những ngày rét lạnh, trước đây khi các cháu bị ho thường phải mua “bổ phế” hoặc “A-tô-xin” cho các cháu dùng, thường 2, 3 lọ mới khỏi. Lần này bà các cháu lại dùng lá lược vàng bắt các cháu nhai kĩ nuốt cả nước lẫn bã cũng 3, 4 lần là khỏi hẳn.
Bệnh sưng chân răng và nhức răng: Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, tôi bị sưng mộng răng, nhức nhối, má xưng như lên quai bị... Tôi đã dùng 3 lá lược vàng nhai kĩ nuốt nước, còn bã đẩy nhẹ vào chỗ chân răng đau ngậm. Một ngày tôi làm 3 lần như vậy (sáng, trưa, tối) trước lúc ăn cơm. Trước khi nhai xúc miệng nước muối pha loãng. Tôi làm như vậy 3 ngày liền, má hết xưng, chân răng không đau nhức nữa!
Bệnh côn trùng cắn: Tôi lên vườn đi vào chỗ lá mục, bị con gì đốt vào cổ chân bị ngứa và có hiện tượng xưng tấy. Tôi được bà vợ ra chậu cảnh hái cho lá lược vàng bắt tôi nhai nuốt nước, lấy bã trà sát vào chỗ xưng tấy nhiều lần. Sớm sau ngủ dậy không đau nhức nữa, vầng đỏ cũng không còn...
Bọ rời leo: Thằng cháu tôi đêm ngủ bị con “bọ rời leo” làm da nổi phồng rộp gây ngứa khó chịu. Chúng tôi cũng dùng lá lược vàng bắt cháu nhai kĩ nuốt nước, còn bã chà xát lên chỗ nổi phồng rộp thấy khỏi ngứa ngay tức khắc, da khô thành vẩy rồi tự bong.


Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

THÔNG ĐIỆP CHO NGƯỜIYÊU HUỆ ĐỎ



Trong vài năm vừa qua, dù không có đất vườn, mọi thứ cây cối đều trồng trong chậu, nhưng nhờ cất công nhân giống nên LT có được một vốn liếng kha khá về huệ đỏ (cả trăm củ). Đến mùa tết xử lý cho huệ ra hoa, ngoài màu vàng của cổ mai hoa huyền bí thiêng liêng, từ trong ra ngoài, ai đến chơi nhà LT cũng phải “trầm trồ” về sắc đỏ rực rỡ của cơ man nào là huệ. 


Tuy nhiên, LT vẫn hiểu lấy một điều, cái phúc đức trời cho mà cứ “cu cu” ẳm hưởng một mình thì rất dễ biến thành… họa. Thế nên LT đã vô tư tặng giống cho rất nhiều thân hữu và cũng đã rất lấy làm sung sướng trong cái sự sung sướng của mọi người…
Thấm thoát thời gian trôi. Nay đã bước vào những ngày đầu tháng 10 âm lịch, cũng là lúc người yêu quý huệ đỏ phải để tâm đến thứ mà mình yêu, mình quý. LT tôi bổng dưng nhớ đến các thân hữu mà mình đã… lỡ tặng giống quý này. Nên mới gửi thông điệp này để những ai yêu và có Huệ đỏ, thì phải xử lý, ngay từ hôm nay…
Cách làm như sau:
Lựa chọn trong đám xuân xanh ấy những củ giống tốt, to, tròn, mẩy để mà nhổ chúng lên. Rồi cắt bỏ rễ, lá, rữa sạch, hong khô. Sau đó đem đặt vào chỗ khô và thoáng khí. Lưu ý tránh nơi ẩm ướt, tạt mưa, chuột cắn, mèo tha và cả người ta... ăn cắp…
Đến khoảng hạ tuần tháng 11 âm lịch, Người yêu Huệ đỏ cần quan sát thật kỹ củ giống của mình để mà có hướng xử lý cho hợp lý, hợp tình. Chẳng kể là củ to, củ nhỏ, cùi chỏ hay dái tai, bạn phải phải vạch áo từng em một để nhìn cho rõ. Nếu cố gắng đến mấy vẫn chẳng thể nhìn thấy được cái vòi thì 40 ngày. Còn em nào mới sờ vô đã nghe thấy được cái sự lồng ngồng, bức bách, không biết dị thì cứ tính cho 30 ngày để đặt giống…
Thế là Mùng Một Tết, cầu được ước thấy, người yêu Huệ đỏ sẽ có Huệ đỏ để đón mừng Xuân mới.
Thông điệp này LT tôi xin gửi tận tay và mong quý thân hữu vì chút tình thân mà lưu tâm để làm cho trọn vẹn. Nếu có điều gì không phải vui lòng bỏ quá cho…

Lê Thạnh

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Mã đáo Thành công - Viên đá của Xuân Giáp Ngọ.


CÙNG ANH HỒ VĂN THÀNH

Viên đá do anh Hồ Văn Thành sưu tầm và đặt tên là Gọi Sáng, án ngữ trên kệ đá nhà anh tại Duy Xuyên đã nhiều năm nay. Tết Giáp Ngọ vừa rồi, nhờ mối thâm tình tri kỷ cùng chút nhân duyên, LT được anh đồng ý chuyển giao. Và khi về đến Tam Kỳ, "Gọi Sáng" (gà cho năm dậu) đã thoát thân trở thành “Mã Đáo” (ngựa cho năm ngọ) để cùng với Tri âm, đón chào Xuân mới... 

Với sự có mặt trang trọng của "Mã đáo Thành công" ngay chính diện phòng khách đón Xuân, năm rồi LT được hưởng một cái tết đầy ý nghĩa và hết sức hãnh diện...

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây...
Lâu lắm rồi không gặp lại anh Thành, trên trang Fb của anh cũng vắng. Bổng dưng nhớ đến anh. Có lẽ giờ này anh đang lặn lội những chốn thâm sơn để hòa mình vào thiên nhiên với những thú vui muôn thuở... Xin gửi vài thông điệp hỏi thăm sức khỏe và kính chúc anh Vạn sự May mắn, Thành công trên mọi bước đường.

Lâu rồi anh chẳng vào “phây”
Hỏi thăm sức khỏe dạo này ra sao?
Tiếng gà Gọi Sáng hôm nao
Bây giờ Mã Đáo dạt dào tình thâm…!

Tam Kỳ, sáng 07/10/2014
LT


_________________________________

Ghi chú: Ảnh nhỏ trong hình là một bức tranh ngựa của Từ Bi Hồng.


Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

NGUYỆT QUẾ, KHẾ GÂN…

NGUYỆT QUẾ, KHẾ GÂN…
Cây nguyệt quế ngay sau mùa hoa rộn ràng đón Trung thu năm trước đã được cắn răng “quy hoạch” lại. Có rất nhiều khu giải tỏa trắng và cũng nhiều nơi được cấp phép khởi công làm lại từ đầu… Sau 1 năm khẩn trương thi công, dù diện mạo công trình còn rất khiêm tốn, chưa thể bằng ai song do sâu nặng nghĩa tình, cây trả ơn người bằng một đợt hoa nhẹ nhàng để đón Trung thu. Hoa ít nhưng được một cái là ngào ngạt hương thơm, rơm rả cả khu vườn…

Nguyệt quế là thế, 
đến lượt cây khế.
Chỗ để ngặt nghèo,
khó có ảnh hay. 

Hắt ra ngoài chụp ảnh thì ngược sáng, tối om. Úp vô tường thì khó tìm được một chỗ để “khom” cho đàng hoàng để mà bấm máy… Thì thôi xin đưa bức ảnh tàm tạm trong chừng mực có thể để cây khỏi hờn và đỡ tủi thân, khi trên cành cẩn thận kiểm đếm thì thấy có đến gần 70 trái xanh, to nhỏ, tỏ rõ một vị chua lè lè…
LT 12/9/2014






Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Bonsai trồng ngược: Hồng ngọc mai lại ra hoa.

Suốt mùa nắng, hồng ngọc mai ra hoa liên tục. Nếu chăm sóc tốt, mỗi đợt hoa rộ cách nhau khoảng 50 ngày.
Lần này cũng thế, lại ra hoa. Dĩ nhiên đợt hoa sau bao giờ cũng nhiều và đẹp hơn đợt hoa trước...

Tam Kỳ, 10/9/2014
Lê Thạnh










Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

LINH SAM ĐỔ…

Gần hết mùa hoa rồi. Cây linh sam được ràng rịt trên cao, cheo leo, ngặt nghèo chưa được một lần xuất hiện. Nghĩ cùng phận hoa như nhau, cũng nên lưu tâm một chút, đừng để vì sự vô ý hay ngại khó mà gây nên sự bất công với cây, hoa buồn. Thôi thì dẫu có chút muộn màng khi cái thời xuân sắc nhất của mùa hoa năm nay với cây đi qua đến vài tuần cũng nên đưa vài hình ảnh mơi mới của hoa lên cùng vui với đời vui… 











Xem thêm:
Ba năm trưởng thành của cây linh sam

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Chuyện lạ: Cây biết thổi kẹo cao su

Video về một loài cây có thể thổi kẹo cao su giống con người đã khiến cư dân mạng thích thú.


 

Cây bắt ruồi (Venus flytrap) là loại cây ăn thịt côn trùng, thường sống ở vùng lầy lội ở Bắc và Nam Carolina (Mỹ). Lá của chúng giống như vỏ sò, gồm 2 mảnh khớp vào nhau. Mép lá có gai nhọn và rất nhạy cảm. Khi con mồi của cây như ruồi, nhện, ong… chạm vào, lá sẽ đóng lại trong nháy mắt giống như một cái bẫy.
Mới đây, trên internet đã xuất hiện đoạn video ghi lại một thử nghiệm, trong đó một người đàn ông thử đưa vào cây bắt ruồi mẩu kẹo cao su. Kết quả cây bắt ruồi có thể thổi kẹo cao su như con người.

Hương Giang (Dân Trí)

Cây biết thổi kẹo cao su 

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

10 công dụng tuyệt vời của bã cà phê


     
Hầu hết mọi người đều coi bã cà phê vô giá trị. Trên thực tế, nó có rất nhiều công dụng đáng ngạc nhiên như làm vườn, đẩy lùi côn trùng, dưỡng da, làm mượt tóc, khử mùi...

1. Phân bón
Bã cà phê được người làm vườn rất ưa chuộng vì nó thích hợp để làm phân bón. Khi trộn với các chất dinh dưỡng trong đất, bã cà phê làm cho đất màu mỡ, giàu axit hơn. Cây cối sẽ phát triển mạnh trong đất axit vì nó có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Nếu bạn có một nguồn cung cấp bã cà phê, hãy giữ lại và làm cho vườn cây của bạn nở hoa quanh năm.

2. Chải lông cho vật nuôi
Trộn bã cà phê với một chút nước và bạn đã có một dung dịch tuyệt vời làm đẹp cho thú cưng. Bôi dung dịch này lên lông của con vật, nó sẽ có làm mềm lông, làm màu lông đẹp hơn. Hơn thế, nhiều người còn cho rằng bã cà phê có thể diệt được các loài bọ chét cũng như ký sinh trùng khác.


3. Khử mùi tủ lạnh
Lưu trữ thức ăn có thể khiến tủ lạnh của bạn có mùi khó chịu. Lúc đó môt giải pháp đơn giản là lấy một bát đầy bã cà phê đặt vào tủ lạnh, một lúc sau nó sẽ hấp thụ hết các mùi không mong muốn.
Tương tự, bạn có thể sử dụng bã cà phê để khử mùi nhà vệ sinh, hộp đựng thức ăn lâu ngày. Sau khi cắt hành, tỏi hoặc làm cá, nếu không loại bỏ được mùi khó chịu trên tay, bạn hãy xát một ít bã cà phê, sẽ hết mùi ngay lập tức. Nếu muốn khử mùi khó chịu của cơ thể, hãy bọc bã cà phê vào một túi vải, xoa khắp mình khi tắm....

4. Hướng cho vật nuôi đi vệ sinh cố định
Bạn yêu quý con vật của mình nhưng không biết làm cách nào để chúng đi ngoài vào nơi cố định. Rất đơn giản, hãy lấy hỗn hợp bã cà phê cộng với vỏ cam bỏ đặt ngoài vườn. Hương thơm của hỗn hợp quá kỳ lạ với các tiêu chuẩn đi ngoài của thú cưng, ngay lập tức sẽ thu hút chúng đến.

5. Tẩy tế bào chết
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng đây thực sự là môt ý tưởng hiệu quả. Chất caffeine trong bã cà phê làm tăng lượng máu, hiệu quả trong việc điều trị đối với những vùng da sần sùi do bị tích mỡ hoặc bị rạn do độ đàn hồi của da kém, cũng như thu nhỏ lỗ chân lông... Vì thế, ngoài tác dụng giúp đầu óc tỉnh táo, chất này còn đem lại sức sống cho làn da của bạn.
Do vậy, hãy hãy trộn đều bã cà phê và dầu ôliu hay đơn giản là chà bã cà phê lên mặt, thư giãn trong 30 phút rồi rửa sạch. Đối với da dầu thì có thể trộn thêm sữa chua trước đi đắp lên da. Mùa hè đã đến, bạn có thể chế bã cà phê với sữa rửa mặt. Rửa mặt trước, rồi thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài để có làn da mịn, không bắt nắng.

6. Khử mùi giày dép
Sau một ngày đi làm về, đôi giày và chân của bạn bốc mùi khó chịu, ngày mai bạn không tự tin đi đôi giày đó nữa. Hãy lấy ít bã cà phê đặt vào đôi giày vừa đi, để nó loại bỏ mùi hôi trong giày của bạn. Nếu muốn thoát khỏi mùi hôi chân, có thể rửa chân bằng nước có thêm bã cà phê mỗi ngày. Hoặc muốn khử mùi hôi nách cũng có thể lấy bã cà phê chà lên.

 7. Giải pháp cho tóc sáng bóng
Không có lựa chọn nào hay hơn là sử dụng bã cà phê cho tóc mềm và mượt. Nó giống như một loại dầu xả thiên nhiên tuyệt vời. Để làm điều này bạn hãy làm ướt tóc, bôi bã cà phê lên, để một lúc cho nó thấm vào tóc rồi gội sạch đầu.

8. Thuốc diệt côn trùng
Các loài côn trùng như kiến, mối có thể gây phiền nhiễu cho quần áo của bạn. Lúc đó, hãy cọ xát một ít vã cà phê vào tủ quần áo, chúng lập tức sẽ biến mất không dấu vết, bởi loài kiến không thích mùi hương và các thuộc tính của cà phê.

9. Làm sạch chai lọ
Với những chai lọ hẹp miệng không thể thò tay vào rửa, hãy cho một ít bã cà phê vào trong rồi xúc với nước lạnh cho sạch.

10. Nhuộm màu
Nếu bạn đổ nước sôi vào bã cà phê, bạn có biết mình đã tạo ra một loại thuốc nhuộm màu nâu cho vải, cho một tác phẩm nghệ thuật hay các ứng dụng khác.
Thanh Thu (theo lifehackery.com)

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Quảng Nam hay cãi (3)

Bài 3: Cãi như... đặc sản


Người Quảng khác người cả trong... chuyện chơi.
Rắn Mừng Xuân Quý Tỵ, TP làm từ đá và cây gỗ nguyên bản (không chế tác)
TP Lê Thạnh
Ít có tính cách nào riết róng, thâm thúy, bực mà thương, cười mà giận... đến mức thành "đặc sản" của một tính cách như chuyện cãi cọ của người Quảng Nam. Nhưng nó cũng là tiền đề đầu tiên của cải cách, tiền phong: "Cãi để luôn luôn đổi mới và phát triển"...

Nói về tính cách hay cãi của người Quảng Nam có lẽ không ai có những nhận định sâu sắc như nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ông được xem là nhà Quảng Nam Học với rất nhiều nghiên cứu khảo sát, tinh tường thú vị đến… sợ! Cuộc đời với bao biến thiên thăng trầm của ông ít nhiều cũng là âm ba của một nhân cách ngay thẳng âm thầm, hoặc cương trực đấu tranh trực tiếp hay gián tiếp về  lẽ phải của sự cãi.
Tôi được biết nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân qua cha tôi. Ông là một nhân cách lớn. Hay cụ thể, một nhân cách Quảng. Mọi nghiên cứu về Quảng Nam mà không "bước qua" những gì Nguyễn Văn Xuân đã viết, đã để lại là... vô giá trị!.

Khi nhà văn còn sống, một lần khi từ Sài Gòn trở về, tôi cùng với các nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn, nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng... đến thăm ông. Sau đó câu chuyện vui quá, ông rủ cả bọn tôi cùng ông sang thắp hương ở nhà thờ cụ Phan trên đường Phan Châu Trinh - Quận Hải Châu - Đà Nẵng. Ở đây, tôi được gặp cả bà Lê Thị Kinh (từ nhà nghiên cứu Phan Thị Minh), cháu cụ Phan, hiện đang ở ngôi nhà Từ đường này. Bà đã có nhiều công trình nghiên cứu về Chí sĩ Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng, một người Quảng Nam cự phách với nhiều tư liệu mới bà sưu tập được từ các nguồn, các thư viện nước ngoài khi còn công tác ngoại giao tại Pháp và tư liệu gia đình. 
 
Bộ sách có nhiều sử liệu quý về cụ Phan Châu Trinh,
một tính cách độc đáo của người Quảng Nam
 Vì thế đây là những tác phẩm rất có giá trị để bạn đọc nào muốn tham khảo về tính cách và Đất và Người Quảng Nam.  
Sau khi thắp hương ở nhà thờ cụ Phan Châu Trinh về, chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất vui với nhà văn ở một quán cà phê cóc trên đường Thái Phiên. Tôi có hỏi ông rằng, có câu phương ngôn "Quảng Nam hay cãi" và đã có rất nhiều câu chuyện thú vị minh họa cho tính cách cãi đó. Nhưng theo ông, ông nhớ câu chuyện nào nhất? Một câu chuyện có thể đại diện "giống y xì"  tính cách cãi của người Quảng Nam" - Cãi là cái tật của người Quảng Nam- Ông cười tủm tỉm, rồi nói:- Đã là tật thì có nhiều chuyện và chuyện nào cũng hay. Làm răng có một chuyện hay nhứt được?". Nhưng rồi  ông đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện như sau:
"Chuyện ni thì tôi cũng chỉ nghe kể lại thôi. Và cũng đã từng viết trong sách. Ngày trước, cách đây dưới vài thế kỷ, một ông khách tha phương đi qua một ngôi nhà vùng Đồng Nai Bến Nghé Nam Bộ. Khách khát nước, nhân thấy người chủ đi đi lại lại trong nhà liền vào xin nước uống. Gia chủ đon đả, lịch sự mời ngồi rồi đi lấy trà mời khách, nhưng không giấu được vẻ lo âu cực độ.
Nhà vắng, chỉ có từ buồng gần đấy phát ra những tiếng rên rỉ liên hồi và thỉnh thoảng cũng liên hồi có tiếng giục giã của một cái miệng đàn bà mà khách biết ngay là của bà mụ “Rặn, rặn, rặn nữa!...”.
 
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (phải) và nhà văn Đà Linh (đã mất)
đang nghiên cứu một thư tịch cũ 
 
 Khách nhìn chủ nhà trên ba mươi tuổi, ân cần hỏi:
-Bà nhà?
-Phải, nhà tôi!
-Thưa anh, bao lâu rồi?
Chủ nhà lắc đầu một cách ngao ngán:
-Ba ngày!
Khách sửng sốt:
-Ba ngày? Ở cử ba ngày mà chưa sinh?
-Tôi rất lo lắng. Suốt ba ngày, bà mụ cứ giục giã, nhà tôi cố gắng đến muốn kiệt sức rồi!...
-Anh là người Quảng Nam?
-Phải, quê tôi ở phủ Điện Bàn.
Khách cười, nói to như nói với ai:
-Tôi biết rồi! Tôi có đi qua Điện Bàn. Phủ ấy giáp giới Trung Quốc…
-Anh nói quái lạ! Sao lại có Điện Bàn ở giáp Trung Quốc? Phủ Điện Bàn ở tỉnh Quảng Nam, giáp giới với Kinh đô Huế mà…
-Tôi lạ gì nữa! Nước Huế ở sát Thăng Long!...
-Anh lại nói kỳ quá! Thăng Long ở Bắc, Huế ở Trung. Mà sao lại gọi kinh đô là nước Huế?.
Hai người đàn ông nói chuyện quên sản phụ đang rên, bà mụ đang giục, cứ to giọng cãi nhau một cách hăng hái làm mấy con thằn lằn trên vách phải nhớn nhác bỏ chạy tứ tán. Đột nhiên, từ buồng phát ra một âm thanh lạ như có khối nước bị ứ vừa được tháo ra, ồ ồ lên một tiếng rồi tắt ngay.
Người khách phát một tiếng cười, đổi thái độ cãi sang thái độ thân thiện, nắm chặt hai tay chủ nhà rồi rít: “Mừng anh, mừng anh”. Cùng lúc tiếng bà mụ the thé phát ra từ buồng: “Sanh rồi! Con trai!...”.
Khách ôn tồn nói với chủ:
“-Anh biết không? Thằng con anh lì lắm! Nhưng nó là thằng nhỏ xứ Quảng Nam nên tôi phải dùng mẹo dụ nó! Nó đâu có chịu nằm yên khi nghe chúng mình cãi nhau tay đôi. Phải không anh?”.
 ***
Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Xuân quả là quá đặc sắc, quá độc đáo. Cãi như là món đặc sản!. Như Bò cầu mống, mì Quảng! Như cãi! Những đặc sản không thể không nhớ tới, không nói tới khi  luận về tính cách “rin” Quảng Nam. Mà nói là “Quảng Namrin” nghe! Chớ còn “Quảng pha”, Quảng cồn” thì cái đặc sản đó cũng nhạt đi, kém đi rất nhiều! Như một người bạn tôi nhận xét: “Nếu uống với dân Quảng Nam thiếu cãi thì quá là buồn…”.
Và tôi đã nhận ra: Ít có tính cách nào riết róng, thâm thúy, bực mà thương, cười mà giận... đến mức thành "đặc sản" của một tính cách như chuyện cãi cọ của người Quảng Nam. Như nó cũng là tiền đề đầu tiên của đổi mới, cải cách, tiền phong: "Cãi để không bao giờ bị tồn đọng, ngục tù. Cãi để luôn đi tới và phát triển"... 
Vì tôi cũng là một đứa con sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Để một lần, chứng kiến tôi hùng hồn quá, một người bạn tôi dè dặt hỏi: "Cãi không mệt sao?".
Sao không nhỉ? Mệt phờ!...
Vậy mệt phờ tại sao cứ cãi?,,,
(Còn tiếp)

Quảng Nam hay cãi (2)

Bài 2: Mở miệng ra là cãi

 Trần Cao Vân lập thuyết Trung thiên dịch, cãi nhau về thiên – địa – nhân. Phan Khôi viết Việt ngữ nghiên cứu tranh cãi về ngôn ngữ tiếng Việt. Phan Chu Trinh cãi lại các nhà cứu nước cũ bằng tư tưởng duy tân… Đó là một trong số ít những người Quảng Nam hay cãi lừng lẫy vĩ đại đã đi vào lịch sử.


Quảng Namhay cãi là một chủ đề rộng lớn, chưa ai có một công trình nghiên cứu toàn diện giải mã phương ngữ Quảng Nam, tính cách Quảng Namdưới góc nhìn nhân học.
Chúng tôi chỉ đề cập đến cái cách “mở miệng ra là cãi” của người Quảng Nam trong giao tiếp hàng ngày.
Câu hỏi thể nghi vấn luôn luôn thường trực khi người Quảng mở miệng ra bằng những phương ngữ đặc trưng như bài thơ của Phan Khôi từng viết:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Thiên nhiên hùng vĩ có làm nên tính cách con người Đất Quảng?
Ảnh: LT cùng nhà thư pháp Hồ Công Khanh trong chuyến tìm đá ở đầu nguồn Mò - O , Đại Sơn, Đại Lộc - tháng 02/2009.
Cái chi? Cây chi? Con Chi? Làm chi? Răng rứa? Mô? Mà răng?... là những câu trả lời trước một vấn đề được đặt ra trong đối thoại cho tới khi vấn đề sáng tỏ thì người Quảng mới chịu kết thúc bằng “Rứa hỉ!”.
Không bao giờ bằng lòng với một câu khẳng định, dù đó là sự thật, nên trong cuộc sống hàng ngày có lẽ người Quảng hay cãi “moi” được nhiều thông tin nhất.
Có thể chia người Quảng hay cãi thành hai loại là “Người Quảng hoài nghi” và “Người Quảng hàm hồ”.

Cách moi thông tin đơn giản như trường hợp A. gặp B. thông báo:
- Bữa qua con bò của thằng T. chết!
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, nếu B. là người Quảng hoài nghi sẽ cãi theo các tình huống sau:
- Răng mi biết?
- Làm chi có chuyện nớ!
Trong trường hợp B. là người Quảng hàm hồ sẽ diễn ra ngay tình huống tấn công người đối thoại theo hướng áp đặt:
- Mi ăn cái chi mà nói tào lao. Mi có thấy không mà nói?
Thông tin sẽ được dẫn dắt vòng vo cho tới lúc cả A. và B. cùng xác định được con bò của thằng T. chết thật hay chỉ là dạng tin đồn.
Người Quảng hàm hồ chính là một dạng ngụy biện, nhưng suy cho cùng dù là hoài nghi hay hàm hồ, chuyện hay cãi của người Quảng có một sức cuốn hút đầy quyến rũ.
Ngụy biện dưới cái nhìn của Aristotle là phi logic và nhiều nhà triết học khác sau Aristotle đã có rất nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu về ngụy biện.
Một người Quảng hàm hồ luôn hiểu biết về ngụy biện, chủ động phòng thủ cũng như tấn công đối phương và giành chiến thắng trong sự tức tối lộn ngược của người thua cuộc.
Ngụy biện trong tranh cãi của người Quảng là xấu hay tốt? Trên thực tế, người Quảng không dùng phương pháp ngụy biện mang tính ác ý hay có dụng ý xấu mà thực chất chỉ để mua vui. Cãi xong thì “hòa cả làng”, đối phương thua cuộc cũng chỉ châm biếm người chiến thắng là những người “cãi dóng”.
Mỗi làng, mỗi vùng ở xứ Quảng ngày xưa đều có những người hay cãi nổi tiếng như ông Hương Dước, ông Xã Tiên hay danh sĩ Tú Quỳ được cộng đồng yêu mến.
Tính hay cãi của người Quảng phản ánh hết sức đặc sắc trong loại hình văn nghệ đối đáp hò khoan hết sức thông minh và thú vị ở xứ này. Cãi nhau bằng vần điệu, ứng tác kịp thời là niềm say mê một thời của người Quảng.
Hình thức đối đáp dưới dạng câu đố giữa nam và nữ như những ví dụ dưới đây thực chất là những cuộc cãi nhau bằng vần điệu, độc địa nhưng thú vị với mục đích chính là chọc ghẹo mua vui.
Nữ: Nhón chưn kêu quớ chú đi đàng
      Của em nẻ dọc chú có hàn được không?
Nam: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho chí Sài Gòn
         Ai ai khéo đẻ cái con
        Của em có nẻ dọc cũng còn phụ huynh
Hoặc:
Nam: Đố cô cái chi trong yếm cô tề
         Hay là mả mẹ chôn kề mả cha?
Nữ: Thường chàng mới nhớ tới ông gia
      Tạc cái mả mẹ lẫn mả cha bên chàng
….
“Trường phái” hay cãi theo kiểu người Quảng hàm hồ ngụy biện là trường phái mua vui. Ngày nay, bạn có thể đi tới bất cứ làng quê nào ở Quảng Namhay tham dự một bữa đám giỗ trong gia đình người Quảng sẽ chứng kiến ngay người Quảng hay cãi như thế nào...
Minh Sơn


Quảng Nam hay cãi

Bài 1: Quảng Nam hay cãi, do đâu?

 

Đã có nhiều giả định về nguyên nhân nguồn gốc của tập quán nầy. Phần lớn các giả định tỏ ra không mấy thiện cảm, có thiên hướng tiêu cực về tính hay cãi nầy. Thậm chí có người cho rằng dân vùng Quảng Nam tính tình hung hãn hung hăng, nóng nảy nên hay cự cãi.

TP Bonsai ngược ( Inversely bonsai / Upside down bonsai ), do Lê Thạnh thực hiện, một hướng đi mới cho nghệ thuật bonsai đang chờ sự đón nhận của giới bonsai-cây cảnh. Liệu "chất cãi" của người Quảng Nam có là tác nhân chính cho một lối làm cây ... ngược đời, hổng giống ai như thế này ?
Người viết bài nầy mạo muội đưa ra giả định cho rằng tính hay cãi của người Quảng Nam có liên quan đến hoàn cảnh, vị trí địa lý của đất Quảng Nam. Đó là mối liên quan giữa đất và người. Điều nầy dễ nhận ra ở đất và cây. Tùy theo thổ nhưỡng thổ ngơi mà cây ra trái lại có vị khác nhau. Quýt ở Giang Nam vốn ngọt nhưng nếu bứng đem trồng ở Giang Bắc thì "có giỏi tay trồng cũng hóa chua" (thơ Hoàng Lộc).

Phong tục, tập quán của người dân Quảng Namgắn liền với phong cảnh, phong thổ, thổ nhưỡng, thổ ngơi của đất Quảng Nam. Quảng Nam có những con sông lớn như Cẩm Lệ, Thu Bồn... bồi đắp phù sa màu mỡ cho những nương dâu, ruộng lúa phì nhiêu tươi tốt. Sông sâu, nước trong, núi non hùng vĩ đã hun đúc nên con người Quảng Namcó tư chất thâm trầm, nói năng bộc trực, tính tình thẳng thắn, thật thà chất phác.


Tâm thế  tranh cãi để sinh tồn

Điều kiện thiên nhiên quá ư nghiệt ngã, đầy bất trắc đã tạo nên người Quảng Nam có thói quen chịu đựng, nhẫn nại, chuyên cần, chăm chỉ và luôn có tâm thế đấu tranh để sinh tồn. Người Quảng Namkhông dễ dàng tiếp thu ý kiến của người khác là vì sống trong bất trắc, quen hoài nghi cảnh giác nên phải tranh luận cho ra lẽ rồi mới đồng thuận.
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền

Phải chăng có tranh cãi mới sáng tỏ vấn đề. Có lật ngược vấn đề để tranh luận thì mới có cái nhìn toàn diện, khách quan. Nếu tranh luận không cần thiết thì sẽ không có phản biện và ngày nay người ta không cần đến luật sư. Nhiều người nghĩ rằng tính hay cãi là do tính bướng bỉnh, sân si, nóng nảy. Nhưng thiết nghĩ tranh cãi khác với cự cãi, cãi bướng cãi bừa... Chính nhờ không dễ dàng chấp nhận những lề thói cổ hủ, những luật lệ bất công trói buộc nên người Quảng Nam thường tiên phong trong các phong trào như phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế ở Đại Lộc, phong trào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục (do cụ Phan Chu Trinh xướng xuất); phong trào thơ mới (cụ Phan Khôi ),...

Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do vua Duy Tân làm Chủ Súy, trong ủy ban khởi nghĩa có nhiều người Quảng Nam giữ cương vị chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Nguyễn Súy, Lê Cơ, Lê Đình Dương... Việc bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đày, Thái Phiên và ba đồng chí bị hành quyết. Để ghi nhớ người anh hùng dân tộc thành phố Đà Nẵng đã một thời mang tên Thái Phiên.

Có người cho rằng "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" là cách nói thậm xưng nói quá... nhưng thật ra chẳng quá chút nào vì người Quảng Nam rất nhạy bén, rất ưu thời mẫn thế. Thật vậy, thường những người làm cách mạng thuộc loại cá thể đột biến, không theo lẽ thường tình.

Cãi… thuộc bản sắc 

"Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong".
Trong cuốn "Có 500 năm như thế" của nhà khảo cứu Hồ Trung Tú có chương mục lý giải khá thú vị về tính hay cãi của người Quảng Nam. Theo tác giả thì trong suốt 500 năm người Chăm và người Việt sống cạnh nhau, xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một con bàu, thậm chí một con đường. Có lúc có nơi họ tôn trọng hòa hiếu nhau, nhưng bao giờ cũng giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Từ đó xảy ra sự xung đột do sự dị biệt giữa hai nền văn hóa như chế độ phụ hệ, mẫu hệ; như tín ngưỡng của người Việt là Trời Phật, của người Chăm là SiVa, Visnu. Đó là nguyên nhân của tính hay cãi.
Hồ Trung Tú rất có lý khi cho rằng: "Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong". Đây là một khẳng định, một lời cảnh báo có giá trị như một quy luật lịch sử mà các nhà làm văn hóa cần quan tâm. Hồ Trung Tú càng có lý khi cho rằng cãi nhau để khẳng định mình, cố trung thành với niềm tin của mình, bất luận đúng sai không chỉ là tính bảo thủ mà còn là sự sống còn của bản sắc văn hóa. Ông gần như xác quyết: "Phải chăng chính nhờ thế mà họ đã bảo lưu được bản sắc văn hóa của mình suốt 500 năm". Đã là bản sắc văn hóa dân tộc thì không có vấn đề hơn kém, đúng sai, tốt xấu. Giá trị của ai là của người ấy. 
 
Tác phẩm của Hồ Trung Tú
 
Cũng từ thế kỷ thứ 16 trở đi Dinh Trấn Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc giao lưu với các nước phương Tây. Giáo sĩ Dusomi rồi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Trấn Quảng Nam để truyền giáo. Điều đáng lưu ý là Alexandre de Rhodes cùng với các thức giả Việt Nam soạn từ điển Việt - Bồ - La; từ đó manh nha hình thành chữ Quốc ngữ. Từ Trung Hoa, hòa thượng Thích Đại Sán rồi học giả Chu Thoại Thủy đã đến Việt Nam và lưu trú dài ngày ở Hội An (Quảng Nam) để thăm thú trước tác. Điều đáng lưu ý là trong "Hải ngoại ký sự" của hòa thượng Thích Đại Sán có mô tả và xác nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Những sự kiện kể trên chứng tỏ người dân Quảng Nam đón những luồng gió mới với thái độ dè dặt cần phải tranh cãi phản biện trước khi tiếp nhận. Ngoài ra Quảng Nam còn là nơi giao điểm, giao lưu của hai nền văn minh lớn: văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai nền văn minh nầy du nhập vào Việt nam từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên bằng hai con đường: đường thủy từ Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan  và đường bộ từ Trung Hoa sang. Người Việt và cả người Chăm đứng trước một sự lựa chon: phải chọn một bỏ một hay dung nạp cả hai trong ý thức phản biện thường trực, tranh luận gay gắt  để cuối cùng dung thông, thâu hóa cả hai.

Còn giọng nói của người Quảng Namcó hơi thô mộc cứng và nặng (có lẽ vì pha giọng của người Chăm) khiến  người nghe có cảm giác đang bị cự cãi. Ngoài ra, ngôn ngữ của người Quảng Nam có tính cách "ăn sóng, nói gió" có lẽ vì đất Quảng Namở đầu sóng ngọn gió  chăng? Người Quảng Nam ăn cục nói hòn, nghĩ sao nói vậy, thẳng như ruột ngựa... ấy là do tánh quyết liệt, mạnh mẽ, bộc trực...

Tóm lại, tính hay cãi của người Quảng Namphải chăng phát nguyên từ hoàn cảnh vị trí địa lý của cộng đồng dân cư có ảnh hưởng đến tâm lý con người xứ Quảng. Tâm lý phòng ngừa bất trắc trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt; tâm lý hồ nghi dè chừng những luồng gió mới từ bốn phương thổi tới; tâm lý quyết liệt mạnh mẽ, căng thẳng khi phải đương đầu với thiên tai thủy ách và các thế lực ngoại xâm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là đất Quảng Namđã sản sinh ra nhiều danh sĩ danh nhân, anh hùng, chí sĩ có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.  

Phạm Đạt Nhân
(Nguồn: Một Thế Giới)

Xem thêm:
Quảng Nam hay cãi (2): Mở miệng ra là cãi