Bài 1: Quảng Nam hay cãi, do đâu?
Đã có nhiều giả định về nguyên nhân nguồn gốc của tập quán nầy. Phần lớn các giả định tỏ ra không mấy thiện cảm, có thiên hướng tiêu cực về tính hay cãi nầy. Thậm chí có người cho rằng dân vùng Quảng Nam tính tình hung hãn hung hăng, nóng nảy nên hay cự cãi.
Người viết bài nầy mạo muội đưa ra giả định cho rằng tính hay cãi của người Quảng Nam có liên quan đến hoàn cảnh, vị trí địa lý của đất Quảng Nam . Đó là mối liên quan giữa đất và người. Điều nầy dễ nhận ra ở đất và cây. Tùy theo thổ nhưỡng thổ ngơi mà cây ra trái lại có vị khác nhau. Quýt ở Giang Nam vốn ngọt nhưng nếu bứng đem trồng ở Giang Bắc thì "có giỏi tay trồng cũng hóa chua" (thơ Hoàng Lộc).
Phong tục, tập quán của người dân Quảng Nam gắn liền với phong cảnh, phong thổ, thổ nhưỡng, thổ ngơi của đất Quảng Nam . Quảng Nam có những con sông lớn như Cẩm Lệ, Thu Bồn... bồi đắp phù sa màu mỡ cho những nương dâu, ruộng lúa phì nhiêu tươi tốt. Sông sâu, nước trong, núi non hùng vĩ đã hun đúc nên con người Quảng Nam có tư chất thâm trầm, nói năng bộc trực, tính tình thẳng thắn, thật thà chất phác.
Tâm thế tranh cãi để sinh tồn
Điều kiện thiên nhiên quá ư nghiệt ngã, đầy bất trắc đã tạo nên người Quảng Nam có thói quen chịu đựng, nhẫn nại, chuyên cần, chăm chỉ và luôn có tâm thế đấu tranh để sinh tồn. Người Quảng Nam không dễ dàng tiếp thu ý kiến của người khác là vì sống trong bất trắc, quen hoài nghi cảnh giác nên phải tranh luận cho ra lẽ rồi mới đồng thuận.
Vì rẻo đất chiến lược, với đèo Hải Vân là tuyến phòng ngự rất khó vượt qua, hai bên Việt – Chiêm cãi qua, cãi lại, giằng co nhau quyết liệt nhiều năm trời. Ảnh: Vũ Công Điền |
Phải chăng có tranh cãi mới sáng tỏ vấn đề. Có lật ngược vấn đề để tranh luận thì mới có cái nhìn toàn diện, khách quan. Nếu tranh luận không cần thiết thì sẽ không có phản biện và ngày nay người ta không cần đến luật sư. Nhiều người nghĩ rằng tính hay cãi là do tính bướng bỉnh, sân si, nóng nảy. Nhưng thiết nghĩ tranh cãi khác với cự cãi, cãi bướng cãi bừa... Chính nhờ không dễ dàng chấp nhận những lề thói cổ hủ, những luật lệ bất công trói buộc nên người Quảng Nam thường tiên phong trong các phong trào như phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế ở Đại Lộc, phong trào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục (do cụ Phan Chu Trinh xướng xuất); phong trào thơ mới (cụ Phan Khôi ),...
Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do vua Duy Tân làm Chủ Súy, trong ủy ban khởi nghĩa có nhiều người Quảng Nam giữ cương vị chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Ngung, Nguyễn Súy, Lê Cơ, Lê Đình Dương... Việc bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp đưa đi đày, Thái Phiên và ba đồng chí bị hành quyết. Để ghi nhớ người anh hùng dân tộc thành phố Đà Nẵng đã một thời mang tên Thái Phiên.
Có người cho rằng "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" là cách nói thậm xưng nói quá... nhưng thật ra chẳng quá chút nào vì người Quảng Nam rất nhạy bén, rất ưu thời mẫn thế. Thật vậy, thường những người làm cách mạng thuộc loại cá thể đột biến, không theo lẽ thường tình.
Cãi… thuộc bản sắc
"Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong".
Trong cuốn "Có 500 năm như thế" của nhà khảo cứu Hồ Trung Tú có chương mục lý giải khá thú vị về tính hay cãi của người Quảng Nam . Theo tác giả thì trong suốt 500 năm người Chăm và người Việt sống cạnh nhau, xen kẽ nhau, làng này cách làng kia một cánh đồng, một con bàu, thậm chí một con đường. Có lúc có nơi họ tôn trọng hòa hiếu nhau, nhưng bao giờ cũng giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Từ đó xảy ra sự xung đột do sự dị biệt giữa hai nền văn hóa như chế độ phụ hệ, mẫu hệ; như tín ngưỡng của người Việt là Trời Phật, của người Chăm là SiVa, Visnu. Đó là nguyên nhân của tính hay cãi.
Hồ Trung Tú rất có lý khi cho rằng: "Bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong". Đây là một khẳng định, một lời cảnh báo có giá trị như một quy luật lịch sử mà các nhà làm văn hóa cần quan tâm. Hồ Trung Tú càng có lý khi cho rằng cãi nhau để khẳng định mình, cố trung thành với niềm tin của mình, bất luận đúng sai không chỉ là tính bảo thủ mà còn là sự sống còn của bản sắc văn hóa. Ông gần như xác quyết: "Phải chăng chính nhờ thế mà họ đã bảo lưu được bản sắc văn hóa của mình suốt 500 năm". Đã là bản sắc văn hóa dân tộc thì không có vấn đề hơn kém, đúng sai, tốt xấu. Giá trị của ai là của người ấy.
Cũng từ thế kỷ thứ 16 trở đi Dinh Trấn Quảng Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc giao lưu với các nước phương Tây. Giáo sĩ Dusomi rồi giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Trấn Quảng Nam để truyền giáo. Điều đáng lưu ý là Alexandre de Rhodes cùng với các thức giả Việt Nam soạn từ điển Việt - Bồ - La; từ đó manh nha hình thành chữ Quốc ngữ. Từ Trung Hoa, hòa thượng Thích Đại Sán rồi học giả Chu Thoại Thủy đã đến Việt Nam và lưu trú dài ngày ở Hội An (Quảng Nam) để thăm thú trước tác. Điều đáng lưu ý là trong "Hải ngoại ký sự" của hòa thượng Thích Đại Sán có mô tả và xác nhận hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.
Những sự kiện kể trên chứng tỏ người dân Quảng Nam đón những luồng gió mới với thái độ dè dặt cần phải tranh cãi phản biện trước khi tiếp nhận. Ngoài ra Quảng Nam còn là nơi giao điểm, giao lưu của hai nền văn minh lớn: văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ. Hai nền văn minh nầy du nhập vào Việt nam từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên bằng hai con đường: đường thủy từ Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan và đường bộ từ Trung Hoa sang. Người Việt và cả người Chăm đứng trước một sự lựa chon: phải chọn một bỏ một hay dung nạp cả hai trong ý thức phản biện thường trực, tranh luận gay gắt để cuối cùng dung thông, thâu hóa cả hai.
Còn giọng nói của người Quảng Nam có hơi thô mộc cứng và nặng (có lẽ vì pha giọng của người Chăm) khiến người nghe có cảm giác đang bị cự cãi. Ngoài ra, ngôn ngữ của người Quảng Nam có tính cách "ăn sóng, nói gió" có lẽ vì đất Quảng Nam ở đầu sóng ngọn gió chăng? Người Quảng Nam ăn cục nói hòn, nghĩ sao nói vậy, thẳng như ruột ngựa... ấy là do tánh quyết liệt, mạnh mẽ, bộc trực...
Tóm lại, tính hay cãi của người Quảng Nam phải chăng phát nguyên từ hoàn cảnh vị trí địa lý của cộng đồng dân cư có ảnh hưởng đến tâm lý con người xứ Quảng. Tâm lý phòng ngừa bất trắc trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt; tâm lý hồ nghi dè chừng những luồng gió mới từ bốn phương thổi tới; tâm lý quyết liệt mạnh mẽ, căng thẳng khi phải đương đầu với thiên tai thủy ách và các thế lực ngoại xâm. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là đất Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh sĩ danh nhân, anh hùng, chí sĩ có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước.
Phạm Đạt Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét