Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Quảng Nam hay cãi (2)

Bài 2: Mở miệng ra là cãi

 Trần Cao Vân lập thuyết Trung thiên dịch, cãi nhau về thiên – địa – nhân. Phan Khôi viết Việt ngữ nghiên cứu tranh cãi về ngôn ngữ tiếng Việt. Phan Chu Trinh cãi lại các nhà cứu nước cũ bằng tư tưởng duy tân… Đó là một trong số ít những người Quảng Nam hay cãi lừng lẫy vĩ đại đã đi vào lịch sử.


Quảng Namhay cãi là một chủ đề rộng lớn, chưa ai có một công trình nghiên cứu toàn diện giải mã phương ngữ Quảng Nam, tính cách Quảng Namdưới góc nhìn nhân học.
Chúng tôi chỉ đề cập đến cái cách “mở miệng ra là cãi” của người Quảng Nam trong giao tiếp hàng ngày.
Câu hỏi thể nghi vấn luôn luôn thường trực khi người Quảng mở miệng ra bằng những phương ngữ đặc trưng như bài thơ của Phan Khôi từng viết:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Thiên nhiên hùng vĩ có làm nên tính cách con người Đất Quảng?
Ảnh: LT cùng nhà thư pháp Hồ Công Khanh trong chuyến tìm đá ở đầu nguồn Mò - O , Đại Sơn, Đại Lộc - tháng 02/2009.
Cái chi? Cây chi? Con Chi? Làm chi? Răng rứa? Mô? Mà răng?... là những câu trả lời trước một vấn đề được đặt ra trong đối thoại cho tới khi vấn đề sáng tỏ thì người Quảng mới chịu kết thúc bằng “Rứa hỉ!”.
Không bao giờ bằng lòng với một câu khẳng định, dù đó là sự thật, nên trong cuộc sống hàng ngày có lẽ người Quảng hay cãi “moi” được nhiều thông tin nhất.
Có thể chia người Quảng hay cãi thành hai loại là “Người Quảng hoài nghi” và “Người Quảng hàm hồ”.

Cách moi thông tin đơn giản như trường hợp A. gặp B. thông báo:
- Bữa qua con bò của thằng T. chết!
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, nếu B. là người Quảng hoài nghi sẽ cãi theo các tình huống sau:
- Răng mi biết?
- Làm chi có chuyện nớ!
Trong trường hợp B. là người Quảng hàm hồ sẽ diễn ra ngay tình huống tấn công người đối thoại theo hướng áp đặt:
- Mi ăn cái chi mà nói tào lao. Mi có thấy không mà nói?
Thông tin sẽ được dẫn dắt vòng vo cho tới lúc cả A. và B. cùng xác định được con bò của thằng T. chết thật hay chỉ là dạng tin đồn.
Người Quảng hàm hồ chính là một dạng ngụy biện, nhưng suy cho cùng dù là hoài nghi hay hàm hồ, chuyện hay cãi của người Quảng có một sức cuốn hút đầy quyến rũ.
Ngụy biện dưới cái nhìn của Aristotle là phi logic và nhiều nhà triết học khác sau Aristotle đã có rất nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu về ngụy biện.
Một người Quảng hàm hồ luôn hiểu biết về ngụy biện, chủ động phòng thủ cũng như tấn công đối phương và giành chiến thắng trong sự tức tối lộn ngược của người thua cuộc.
Ngụy biện trong tranh cãi của người Quảng là xấu hay tốt? Trên thực tế, người Quảng không dùng phương pháp ngụy biện mang tính ác ý hay có dụng ý xấu mà thực chất chỉ để mua vui. Cãi xong thì “hòa cả làng”, đối phương thua cuộc cũng chỉ châm biếm người chiến thắng là những người “cãi dóng”.
Mỗi làng, mỗi vùng ở xứ Quảng ngày xưa đều có những người hay cãi nổi tiếng như ông Hương Dước, ông Xã Tiên hay danh sĩ Tú Quỳ được cộng đồng yêu mến.
Tính hay cãi của người Quảng phản ánh hết sức đặc sắc trong loại hình văn nghệ đối đáp hò khoan hết sức thông minh và thú vị ở xứ này. Cãi nhau bằng vần điệu, ứng tác kịp thời là niềm say mê một thời của người Quảng.
Hình thức đối đáp dưới dạng câu đố giữa nam và nữ như những ví dụ dưới đây thực chất là những cuộc cãi nhau bằng vần điệu, độc địa nhưng thú vị với mục đích chính là chọc ghẹo mua vui.
Nữ: Nhón chưn kêu quớ chú đi đàng
      Của em nẻ dọc chú có hàn được không?
Nam: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho chí Sài Gòn
         Ai ai khéo đẻ cái con
        Của em có nẻ dọc cũng còn phụ huynh
Hoặc:
Nam: Đố cô cái chi trong yếm cô tề
         Hay là mả mẹ chôn kề mả cha?
Nữ: Thường chàng mới nhớ tới ông gia
      Tạc cái mả mẹ lẫn mả cha bên chàng
….
“Trường phái” hay cãi theo kiểu người Quảng hàm hồ ngụy biện là trường phái mua vui. Ngày nay, bạn có thể đi tới bất cứ làng quê nào ở Quảng Namhay tham dự một bữa đám giỗ trong gia đình người Quảng sẽ chứng kiến ngay người Quảng hay cãi như thế nào...
Minh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét