Thú chơi cổ mai ở vùng quê Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) đã quá nổi tiếng đối với người dân miền Trung nói riêng, thậm chí tiếng vang còn lan ra các tỉnh phía Bắc, Nam. Mỗi dịp xuân về, những vườn thanh mai cổ nở hoa rực rỡ, hương hoa dịu nhẹ, tao nhã ngan ngát cả vùng quê nghèo.
Thú chơi lắm công phu
Chơi cổ mai ở Đại Lộc nổi tiếng không chỉ bởi vì có rất nhiều người ươm thành công loại thanh mai đẹp thanh tao, mà chính bởi thú thích sưu tầm mai cổ của những “tay chơi” mai sành sõi. Trong khi những cội thanh mai cổ ở nhiều vùng gần như bị tận diệt, thì người Đại Lộc lại dày công lùng sục những cội mai cổ với tuổi từ 50 đến 200 năm tuổi, có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Săn mai cổ vốn từ trước đến nay là thú chơi của những đại gia lắm tiền, nay lại không hề xa lạ đối với người dân vùng quê Đại Lộc này. Những cái tên đã quá quen thuộc trong giới chơi mai cổ Đại Lộc như Lê Me, Nguyễn Chín, P.Thông… đều là những người có sở hữu trong tay hàng trăm gốc mai, trong đó không dưới chục cội mai cổ.
Để có được những cội mai cổ này, những người chơi mai đã phải lăn lộn tất cả các vùng núi cao của Quảng Nam, đặc biệt là huyện Tiên Phước - nơi hầu như không bị xáo trộn do chiến tranh như các vùng quê khác. Tất cả mọi ngóc ngách đều được những người chơi mai đặt chân đến, tận từng vùng, từng nhà để tìm những cội mai cổ còn sót lại. Thậm chí, sau khi đi, còn “cài” những cộng tác viên thân thiết trong xã để ngay khi những chủ nhân các cội mai cổ có ý muốn bán, lập tức liên lạc để không bị người khác “nẫng tay trên”. “Bây giờ nói vùng nào, xã nào, huyện nào có cội mai cổ nào là ngay lập tức trong đầu tôi hình dung ra thế đứng, hình dáng, tuổi tác, nguồn gốc của cội mai đó, để quyết định có đến để thương lượng mua bán hay không?” - ông Lê Me, một người chơi mai cổ nổi tiếng của Đại Lộc kể. Thương lượng được rồi, lại phải nghĩ đến việc đào gốc, vận chuyển, chăm sóc… sao cho mai tuy thay đổi môi trường sinh sống, vẫn có thể sống được và phát triển tốt.
Vì vậy, từ một nơi hầu như không còn một cội mai cổ nào do bị tàn phá bởi chiến tranh và con người, thì giờ đây, ở Đại Lộc, hàng trăm cội mai cổ đã chảy về lại ở đây, nhờ tình yêu cổ mai của những nghệ nhân chơi cổ mai vùng quê này. Chơi mai rồi thì như gắn nghiệp vào người, không gì có thể thay đổi được. Ông Lê Thạnh, một nghệ nhân chơi mai cổ Đại Lộc đã không tiếc lời ca ngợi cội mai cổ có tên Hồn Việt với tuổi thọ 150 năm những lời có cánh “thân cây xù xì thể hiện dấu vết thời gian, ý chí mãnh liệt và tình yêu cuộc sống, giống mai này khi trổ hoa có màu vàng thanh tao và có mùi thơm rất huyền ảo…”. Những lời tâm sự tâm huyết ấy phần nào thể hiện tình yêu cổ mai của người Đại Lộc.
Không phải mua là bán
Cứ đến dịp cận Tết, người người từ các nơi lại đổ xô về Đại Lộc (Quảng Nam) để tìm cho mình một cội mai cổ hàng… độc. Nhưng, hiếm người “rinh” về được cội mai nào, không phải vì giá cả, không phải vì không có mai đẹp, mà vì gia chủ không muốn những cội mai cổ dày công sưu tầm của mình sang chủ khác. Dù chủ nhân những cổ mai không phải không gặp khó khăn về tài chính, nhưng đều phải chọn mặt gửi… mai vàng. Ông Lê Me, người sở hữu hàng chục cội mai cổ, có những cội mai 100 đến 200 năm tuổi, đã được người ta trả giá hơn 200 đến 300 triệu đồng, nhưng ông vẫn không muốn bán.
Cứ đến dịp cận Tết, người người từ các nơi lại đổ xô về Đại Lộc (Quảng Nam) để tìm cho mình một cội mai cổ hàng… độc. Nhưng, hiếm người “rinh” về được cội mai nào, không phải vì giá cả, không phải vì không có mai đẹp, mà vì gia chủ không muốn những cội mai cổ dày công sưu tầm của mình sang chủ khác. Dù chủ nhân những cổ mai không phải không gặp khó khăn về tài chính, nhưng đều phải chọn mặt gửi… mai vàng. Ông Lê Me, người sở hữu hàng chục cội mai cổ, có những cội mai 100 đến 200 năm tuổi, đã được người ta trả giá hơn 200 đến 300 triệu đồng, nhưng ông vẫn không muốn bán.
Ông kể, người chơi mai cổ ở Đại Lộc không muốn để mai cổ tiếp tục bị “chảy máu”, về những vùng khác không hợp thổ nhưỡng, khí hậu rồi chết đi. “Để có được cội mai cổ, tui phải thức đêm thức hôm, chạy vạy, năn nỉ người chủ bán cội mai, mang về chăm sóc. Như cội mai 200 năm tuổi, mua được nó, tui “sướng” không chi bằng, ngày đêm chỉ đến ngắm nó như bị thôi miên. Bán nó, giải quyết được kinh tế gia đình nhiều mặt, nhưng chỉ nghĩ đến việc xa nó thôi, đã thấy hụt hẫng, không thở nổi…!” - ông Me chia sẻ.
Cũng tâm trạng như ông Me, ông Lê Thạnh còn đọc hẳn một câu thơ: “Ngày phải lo toan tiền cơm áo/ Đêm thì mộng mị cổ mai hoa”. Vì vậy, người chơi mai Đại Lộc thường lấy ngắn nuôi dài, cùng với mai cổ, nhân giống những cội thanh mai nhỏ, để bán vào dịp Tết. Thời tiết năm nay khác thường, ít lạnh hơn mọi năm, nhưng nhờ biết cách chăm sóc đặc biệt, nên thanh mai Đại Lộc khá được mùa. Nhờ vậy, những nghệ nhân chơi mai cũng bớt được một nỗi lo. Dù chẳng “thấm” vào đâu so với tiền trăm, bạc vạn mua cổ mai hoa, nhưng cũng giúp người chơi mai đắp đổi phần nào những lo toan về kinh tế, để tiếp tục lưu giữ cho đời sau những cội mai cổ trứ danh, không dễ có.
VIẾT THANH
(Báo Đà Nẵng)
VIẾT THANH
(Báo Đà Nẵng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét