Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

CHUYỆN KỂ CỔ MAI HOA

 “Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ/ Chợt thấy hoa mai mới biết là”. Không biết tự bao giờ, hoa mai đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, đồng thời tượng trưng cho khí phách của người quân tử. Ở Đại Lộc (Quảng Nam), việc chơi hoa mai từ lâu đã được nâng lên thành đạo, đặc biệt là cổ mai.


Nhớ lúc còn trẻ thơ, mỗi khi Tết đến xuân về thì tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác trong làng thường xôn xao, rạo rực một điều gì đó rất lạ. Đi học, đi chơi hay đi chăn trâu trên cánh đồng đang nhú những mầm xanh, chúng tôi chỉ nói với nhau một điều duy nhất đó là “Tết”. Đứa nào cũng náo nức khoe má tau làm bao nhiêu ổ bánh tổ, bao nhiêu đòn bánh tét, rồi bánh nổ, bánh in, rồi thì áo mới quần mới... cứ náo loạn cả lên những ngày giáp Tết.
Kỷ niệm về những cái Tết tuổi thơ thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất hình ảnh cây mai của ông Năm ở đầu làng. Cây mai nhà ông Năm to lắm, Tết đến ra hoa rất đẹp vì vậy ông Năm xem như vật quý và chăm sóc nó rất kỹ. Cứ khoảng gần 1 tháng trước Tết, ông thường nhờ chúng tôi đến tuốt lá để những búp mai còn e ấp trong từng kẽ lá được dịp bung ra dưới nắng xuân ấm áp. Đến những ngày Tết, hoa mai nở rộ, tỏa hương thơm thanh khiết mà nồng nàn trong gió xuân nhè nhẹ. Cây mai của ông rực rỡ đến độ, những ai bước vào làng cũng đều dừng lại trầm trồ, ngắm nghía hồi lâu...
Nhưng đến một năm, không hiểu vì sao mà cây mai của ông héo úa rồi chết, ông Năm buồn bã đến phát bệnh. Người nhà ông thấy thế bèn bứng cây mai khô đi nơi khác, để ông Năm vơi đi nỗi buồn. Có lần ông Năm nói với chúng tôi: “Cây mai này hơn 100 năm tuổi rồi, nó chết đi ông thấy lòng trống trải quá!”. 2 năm sau khi cây mai chết, ông Năm cũng qua đời, điều kỳ lạ là ông Năm mất đúng cái ngày cây mai bị bứng gốc. Người làng kháo nhau, ông Năm chết vì thương nhớ cây mai. Thật sự, khi ấy tôi không thể nào hiểu được vì sao lại thế, mãi đến sau này, tôi mới hiểu hoa mai đã là một phần quan trọng trong đời sống của người dân quê mình và nhất là đối với những người xem hoa mai là đạo, là tri kỷ.
Hiện nay, ở Đại Lộc đã thành lập cả một hội chơi mai, mặc dù ở thời buổi hiện nay, chơi mai đã trở thành việc xa xỉ đối với người dân của vùng đất Đại Lộc còn nhiều khốn khó này. Anh Lê Me (khu 5 – TT Ái Nghĩa), một người khá nổi tiếng trong giới chơi mai tâm sự: “Nếu cuộc đời tôi không chơi hoa mai thì chẳng biết làm gì khác”.
Quả thật như thế, từ lúc nhỏ anh Me đã bị hoa mai mê hoặc. Lớn lên, anh một mình khăn gói ra chân đèo Hải Vân khai phá gần 3ha đất, ươm hàng chục ngàn gốc mai, nhưng không may một cơn bão ập đến thế là bao nhiêu vốn liếng của hai vợ chồng mất trắng, phải dựng tạm một túp lều và làm thuê làm mướn kiếm sống. Cứ tưởng sau bận đó, anh Me từ bỏ niềm đam mê của mình, nhưng không, làm được bao nhiêu tiền anh đều lấy đi mua mai hết.
Nhớ lại những ngày khốn đốn ấy, anh Me nói: “Nghĩ lại cũng liều thật nhưng tôi mê hoa mai, vì thế quyết tâm phải làm chủ một vườn mai”. Giờ thì mong ước của anh Me đã trở thành hiện thực, nhưng có điều gia đình anh vẫn sống trong căn nhà tạm vì “tiền không đủ cho tôi đi mua mai lấy đâu xây nhà”, anh Me nói như thế.

Yêu và tôn sùng hoa mai nên những người chơi hoa mai ở Đại Lộc nhanh chóng nổi danh và giới cây cảnh trên cả nước phải kính nể, nhất là việc người Đại Lộc có những cây mai cổ thụ độc nhất vô nhị. Nhưng để sở hữu được những cây cổ mai, người chơi mai ở Đại Lộc đã không quản đường xa, mưa nắng lặn lội đi khắp nơi từ Quảng Trị đến Kon Tum và các xã vùng núi của H. Tiên Phước (Quảng Nam) để tìm kiếm. Anh Me kể về một lần đi “săn” cổ mai: “Một lần tôi đến một xã vùng núi Tiên Phước thì phát hiện một cây cổ mai có thế đứng rất đẹp, tôi hỏi mua nhưng họ không chịu bán.
Từ khi nhìn thấy cây mai ấy, tôi về nhà ăn không ngon ngủ không yên thế nên tuần nào tôi cũng chạy xe vào đó để thuyết phục, thậm chí năn nỉ người ta. Phải mất 8 tháng kiên trì như thế họ mới đồng ý bán cho tôi. Mang được cây mai ấy về nhà rồi mới thấy thanh thản”.
Đối với nhiều người ở Đại Lộc thì cổ mai có một sức hút rất lớn, họ sẵn sàng tốn công, tốn của chỉ để sở hữu một gốc mai già. Anh Nguyễn Chín, người chơi cổ mai tâm sự: “Cổ mai có gì đó làm cho người ta mê say, đắm đuối. Nó mang dáng dấp già cỗi nhưng lại ẩn chứa bên trong một sức sống mãnh liệt”.
Từ khi biết vùng đất Đại Lộc sở hữu nhiều cổ mai, nhiều đại gia từ Bắc vào Nam đã đến đây để mua lại, thế là những gốc mai già lại trở nên có giá trị. Có cây mai được trả gần 300- 400 triệu đồng - số tiền không tưởng đối với người dân quê Đại Lộc, thế nhưng họ vẫn không bán. Có lần, một đại gia ở TPHCM ra mua một cây cổ mai 200 năm tuổi của anh Me với giá gần 400 triệu đồng, nhưng anh Me không bán. Vị này ngạc nhiên hỏi: “Nhiều tiền thế sao không bán?”. “Xin lỗi anh, tiền thì quý thật nhưng tôi quý cây mai của mình hơn”- anh Me trả lời thẳng thừng.
Vì tôn quý cổ mai nên dân chơi ở Đại Lộc thường đặt tên cho chúng và đưa hình lên mạng Internet để mọi người cùng chiêm ngưỡng, ca tụng và luận bàn về vẻ đẹp của mai. Có nhiều cái tên khi đọc lên giống như “phim kiếm hiệp” như Ngọc Cốt Thiên Chân, Bàn Long hay Hồn Việt Cổ Mai hoa... nhưng để có được những cái tên ấy người chơi phải dựa vào thế đứng của cây và nhiều đêm mất ngủ mới chọn được cái tên ưng ý.
Trên diễn đàn mạng về hoa mai của những người chơi cổ mai ở Đại Lộc, có một thành viên ở tận Cà Mau nhận xét như thế này: “Chơi hoa mai đã lâu nhưng tôi chưa thấy ai đặt tên cho cây mai cả, người Đại Lộc quả có trí tưởng tượng phong phú”.
Một mùa xuân nữa lại về, những vườn mai đua nhau khoe sắc, tỏa hương trong nắng xuân ấm áp, đó cũng là cách mai trả nghĩa cho người đã chăm sóc mình. Và những người chơi cổ mai ở Đại Lộc quê tôi giống như những chú ong, lặng lẽ góp một cánh xuân cho đời.

Lưu Hoàng Anh
(Theo Cadn.com.vn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét