Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Kỳ tích cây Dã Hương hơn 500 năm tuổi

Ông Thủ nhang Đền Hoàng Cô đã chăm sóc
 cây Dã Hương được 2 năm tuổi.
Sau khi Nhị cung phi tần mất, theo di nguyện, vua Lê Thánh Tông và tùy tùng đã đưa bà về quê an táng, lập đền thờ và trồng một cây có lá xanh mướt, tỏa mùi thơm ngát phía sau đền. Hơn 500 năm qua, cây xanh ấy vẫn sừng sững tồn tại với hình dáng kỳ vĩ như một huyền thoại. Đó là cây Dã Hương, loài cây quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới.

Chuyện xưa kể rằng, trong một chuyến kinh lý về duyên hải, khi thuyền rồng đi ngang cửa sông Đại An (nay thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), tình cờ nghe được tiếng ca trong trẻo và lời hát đối hay đến lạ thường của cô gái thôn quê đang cắt cỏ với mấy anh lính theo hầu, vua Lê rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ.Ngồi trong thuyền rồng, vua khẽ vén tấm rèm nhìn về phía cô gái đang mải làm việc. Ở khoảng cách gần, vua khẽ thốt lên khi thấy vẻ đẹp thánh thiện của cô. Mỗi bước chân cô đi đến đâu, trên đầu luôn có đám mây theo đến đó để che nắng. Ít ngày sau, vua cử người về đón cô gái vào cung và phong làm "Nhị cung phi tần".


Từ cô gái thôn quê nay được mọi người tôn sùng, quý trọng. Nhưng ba năm sau, do bị bệnh nên Nhị cung phi tần mất. Thể theo nguyện vọng của người đã khuất, vua đưa thi thể bà về quê an táng, lập đền thờ và trồng một cây có lá xanh mướt, tỏa mùi thơm ngát phía sau đền. Hơn 500 năm qua, cây xanh ấy vẫn sừng sững tồn tại với hình dáng kỳ vĩ như một huyền thoại. Đó là cây Dã Hương, loài cây quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới.

Chuyện về cô gái xinh đẹp họ Ngô Tương truyền ở làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có vợ chồng người nông dân quanh năm kiếm sống bằng nghề mò cua, bắt ốc. Vào một ngày đẹp trời, người vợ thấy trong cơ thể thay đổi khác thường. Đêm ấy, người vợ ngủ mơ thấy có ánh hào quang sáng rực ở đầu giường. Sau 18 tháng mang thai, năm 1449, người vợ hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, dung nhan diện mạo khác thường. Vợ chồng người nông dân đặt tên con là Ngô Thị Nữ Hoằng.
Từ nhỏ đến lớn, Hoằng chịu khó mò cua, bắt ốc để phụ giúp gia đình. Không chỉ giỏi lao động, Hoằng còn giỏi chữ nghĩa, thêu thùa và ca hát. Càng lớn, Hoằng càng xinh đẹp và giỏi giang khiến người dân trong vùng rất tự hào về cô. Mùa xuân năm 1468, Hoằng tròn 19 tuổi. Hôm ấy thời tiết rất đẹp, trong lúc Hoằng và một số cô gái cùng quê vừa ngân nga hát, vừa cắt cỏ bên sông Đại An thì thấy chiếc thuyền rồng đi qua. Khi thuyền rồng đến gần khu vực mấy cô gái đang cắt cỏ, một anh lính trên thuyền cất lời trêu rằng: Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có ngại thuyền rồng anh đón đi chơi. Trong lúc các bạn chưa biết trả lời ra sao, Hoằng dừng tay cắt cỏ, đưa liềm lên vẫy chào mấy anh lính và cất lời đối đáp: Tay cầm bán nguyệt xênh xang/ Lòng em cũng muốn mở mang cơ đồ.
Lúc đó, vua Lê Thánh Tông đang ngự trên thuyền rồng nghe tiếng cô gái thôn quê đối đáp với mấy anh lính hầu lưu loát lạ thường liền vén rèm lên xem. Nhìn thấy mặt cô gái họ Ngô, vua Lê sững sờ và thốt lên: Sao nàng đẹp đến vậy! Điều khiến vua Lê ngạc nhiên hơn nữa khi ông thấy trên đầu cô gái họ Ngô luôn có một đám mây. Cô đi đến đâu, đám mây theo đến đó để che nắng. Biết đây là người tài, mấy hôm sau, vua Lê cử người về tận nhà đón cô vào cung và phong làm Nhị cung phi tần. Thật tiếc rằng, không lâu sau khi vào cung, Nhị cung phi tần đã đổ bệnh và ba năm sau thì qua đời khi chưa một lần được sủng ái.




Cây Dã Hương hơn 500 năm tuổi.

Sau khi Nhị cung phi tần mất, theo di nguyện, nhà vua và tùy tùng đã đưa bà về quê an táng. Vì đất làng Dương Phạm vốn là bãi bồi nên để mộ phần của bà được chắc chắn, nhà vua đã cho chở năm thuyền cát ngũ sắc và đá xanh từ nơi khác về xây. Ý định của nhà vua là sau khi đưa linh cữu của Nhị cung phi tần về quê không tổ chức mai táng ngay, mà để lại một ngày để nhân dân trong vùng đến viếng. Tuy nhiên, khi linh cữu của bà vừa về đến làng Dương Phạm thì trời bất ngờ nổi dông bão ầm ầm, mưa như trút nước. Tình thế buộc nhà vua phải sai lính dựng lán trại tại chỗ để che chắn.
Sau một đêm dông tố, trời quang mây tạnh trở lại, nhà vua và quần thần đến nơi đặt linh cữu Nhị cung phi tần thì thấy đất đùn to như một đống mối, che gần kín quan tài. Vua biết thiên táng đất địa linh, nơi Nhị cung phi tần chọn để ngự thuộc khu đất hình đầu rồng (hai mắt rồng đến nay vẫn còn nguyên vẹn) nên quyết định cho quân lính xây mộ an táng bà tại đây. Sau đó dựng một ngôi đền thờ lấy tên là Đền Hoàng Cô ở gần mộ phần bà.
Đằng sau ngôi đền, nhà vua cho trồng một loại cây có lá xanh mướt, tỏa mùi hương thơm ngát. Dân làng không biết tên cây lạ nên gọi nôm na là cây Xoan Dã, ý nói Nhị cung phi tần về với cát bụi khi còn trẻ. Cây Xoan Dã lớn lên cùng với lòng thành kính của dân làng nên ngày càng xanh tốt và hình dáng kỳ vĩ lạ thường. Hơn 500 năm đã qua với bao biến đổi của thời tiết, nhưng cây Xoan Dã vẫn sừng sững tồn tại như một huyền thoại kể về người con gái họ Ngô, ở làng Dương Phạm. Ấy là truyền thuyết chưa có tài liệu nào khẳng định, còn hiện tại…


Bảo tồn cây Dã Hương, cần sự chung tay của xã hộiCách đây bốn năm, cây Xoan Dã ở cạnh Đền Hoàng Cô bị mối mọt xâm hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn. Để xác định chính xác đây là loại cây gì và cần chăm sóc bảo tồn ra sao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc có chức năng nghiên cứu về cây.
Kết quả nghiên cứu đã khẳng định, cây Xoan Dã ở Đền Hoàng Cô là cây Dã Hương, một loài cây thuộc họ long não đã được ghi trong Sách Đỏ thế giới. Dã Hương có hoa nhỏ màu vàng nhạt nở vào cuối mùa xuân. Đặt biệt lá cây Dã Hương rất thơm. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Rễ cây có chứa chất Safrol- thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định và UBND huyện Ý Yên lập phương án bảo tồn cây Dã Hương quý hiếm này.
Ở Việt Nam đến nay mới phát hiện được hai cây Dã Hương cổ thụ: Một cây ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cây còn lại ở xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có chu vi 11m, cao 28m. Trước khi cây Dã Hương ở Nam Định được phát hiện, năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học đã có đề tài khoa học nghiên cứu về cây Dã Hương.
Qua các tài liệu nghiên cứu và đánh giá thì cây Dã Hương cổ thụ ở Bắc Giang đã tồn tại trên 700 năm, thuộc diện quý hiếm trên thế giới. Thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn cây Dã Hương cổ thụ ở Bắc Giang, Nhà nước đã đầu tư nhiều tiền của để nghiên cứu, chăm sóc, diệt sâu, diệt mối cho cây. Hiện nay cây Dã Hương ở Bắc Giang đã xanh tươi trở lại, du khách thường xuyên đến tham quan và chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của loài cây quý hiếm này.


Gốc cây Dã Hương hơn 500 năm tuổi ở Đền Hoàng Cô (trái); những chiếc dễ của cây cộng sinh bám từ thân cây Dã Hương và cắm xuống đất.

Việc cây Dã Hương ở làng Dương Phạm được phát hiện khi đã tồn tại một cách tự nhiên hơn 500 năm mà không bị xâm phạm cũng đã nói lên sự kỳ bí, uy linh của lão mộc. Đặc biệt, gốc cây Dã Hương ở làng Dương Phạm có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua. Trên thân cây (cách gốc khoảng 8m) có cây xanh to sống cộng sinh với cây Dã Hương. Cây xanh sống cộng sinh có 8 rễ cắm xuống đất, mỗi rễ to bằng cả vòng tay ôm càng làm tôn thêm sự độc đáo giữa cây Dã Hương cổ thụ quý hiếm và sự tồn tại lâu năm của một loài cây cộng sinh ở thân cây Dã Hương cổ thụ.
Xã Yên Nhân không chỉ có huyền thoại cây Dã Hương, vùng đất này còn gắn liền với những con người nổi tiếng trong lịch sử khi có nhiều đền thờ những vị danh tướng như: Triệu Quang Phục, Trần Khánh Dư, Quan Ngự sử Phạm và em trai là Quan Thị lang Phạm Phú. Nhìn trên bản đồ, xã Yên Nhân có hình dáng như một chiếc thuyền rồng ngự giữa sông Đào và sông Đáy nên người xưa còn gọi là Tam Kỳ Giang (vùng đất ngã ba sông).
Thủa xa xưa, Yên Nhân là một vùng đất được bồi đắp bên cửa biển Đại Nha. Thủa ấy, cửa biển này nổi tiếng nhiều sóng dữ, thêm vào đó là việc danh tướng Triệu Quang Phục sau khi thất trận đã về tuẫn tiết ở đây nên còn được gọi là cửa Đại Ác. Cái tên ấy chỉ được xoá đi vào đời Trần, khi Minh Huệ Đại Vương Trần Khánh Dư đi qua để tới Vân Đồn. Thuyền của Đại Vương đến cửa Đại Ác thì gặp sóng lớn, ngài liền lập đàn tế và khi tế xong thì biển lặng. Vậy là ngài cho lập một điền trang ở Yên Nhân và đổi tên cửa Đại Ác thành Đại An. Sau này, cái tên Đại An còn được dùng làm tên huyện trước khi chuyển thành Đại Yên, rồi Ý Yên ngày nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an nhân dân, ông Chu Minh Giang, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, những năm gần đây, cây Dã Hương bị mối mọt xâm hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Viện Nghiên cứu đa sinh học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) được giao trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn cây Dã Hương. Sau một thời gian bắt tay vào việc đến nay, cây Dã Hương đang hồi phục tốt. So với trước ngày bị mối mọt xâm hại, theo quan sát bằng mắt thường của chúng tôi, cây Dã Hương thời điểm này hơi lệch tâm. Nguyên nhân là do rễ cây phía Đông bị mối ăn rỗng; phía Tây có cây xanh sống cộng sinh, 8 rễ cây xanh cắm xuống đất nên kéo theo sức nặng, bởi vậy sinh ra hiện tượng lệch tâm.
Chúng tôi đến Đền Hoàng Cô làm lễ, sau đó tham quan di tích lịch sử gắn liền với huyền thoại cây Dã Hương. Trong khuôn viên rộng lớn, nơi yên nghỉ cuối cùng của Nhị cung phi tần họ Ngô vẫn còn nguyên những dấu tích lịch sử. Ngoài phần mộ Nhị cung phi tần được đặt trang trọng giữa khuôn viên với nhiều cây xanh bao phủ, ở hai đầu khuôn viên vẫn còn nguyên hình đôi mắt rồng.
Ông Nguyễn Công Thâu, Thủ nhang đền thờ Nhị cung phi tần cho biết, cây Dã Hương ra hoa vào tháng 2 và rụng quả vào tháng 11. Sau khi thu lượm quả rụng, ông Thâu đem ươm tại vườn. Tỷ lệ ươm hạt để ra cây thường đạt 10%. Toàn bộ những hạt ươm thành cây đều được ông Thủ nhang đem trồng ở khuôn viên phía sau ngôi đền. Cây Dã Hương sau khi ươm và trồng hai năm tại vườn đã cao gần 3m có người tới trả 4 triệu đồng một cây nhưng ông Thủ nhang không dám bán. Ông bảo, cây thiêng ở đền thờ Nhị cung phi tần chỉ để người dân đến chiêm ngưỡng và sử dụng chữa bệnh.
Người dân khu vực sau khi tới đền khấn bà Thứ phi đã xin lá cây Dã Hương về chữa bệnh. Ai cảm thì nấu lá cây và ngồi xông chữa cảm. Ai bị ngứa ngoài da thì lấy lá đã nấu rồi xoa vào những vết ngứa trên người. Đối với hạt và vỏ cây thì ngâm rượu để chữa bệnh sâu răng. Với cách chữa bệnh dân gian này, ông Thủ nhang khẳng định, đã có rất nhiều người dân địa phương khỏi bệnh. Hàng năm, người dân địa phương lấy ngày 9/6 âm lịch làm ngày giỗ Nhị cung phi tần. Làng tổ chức lễ tế trong ba ngày, từ ngày 7 đến ngày 10/6.
Chia tay làng Dương Phạm, chúng tôi trăn trở một điều, cần phải có kế hoạch trùng tu và bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử ở nơi đây, cụ thể là trùng tu, nâng cấp ngôi đền thờ Nhị cung phi tần họ Ngô và khuôn viên phía sau đền. Để điều này có thể trở thành hiện thực, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan thì rất cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để kế hoạch có thể sớm trở thành hiện thực. Với mong muốn bảo tồn cây cổ và trùng tu hạng mục trong khuôn viên nơi đây, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vina lines) cùng Báo CAND tài trợ 300 triệu đồng để thực hiện công trình
Nguyễn Hưng
(Cong an nhan dan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét