Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Ai điếu cho thuỷ tùng

Chỉ vì một lời đồn có thể chữa được bệnh ung thư chưa có ai kiểm chứng mà từ một loại gỗ “vô danh”, cây thuỷ tùng bỗng nhiên được quan tâm săn lùng ráo riết trong thời gian qua.



Hiện cả nước chỉ còn vỏn vẹn hơn 200 cây thuỷ tùng phân bổ rải rác ở hai huyện Krông Năng và Ea Hleo của tỉnh Đắc Lắc, con số này đã và đang bị “hao mòn” đi theo thời gian. Và chắc chắn, con số này sẽ còn “mòn” thêm nữa nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Một trong 27 cây thuỷ tùng còn sót lại ở khu bảo tồn Ea Hồ. Ảnh: H.V.M
Một trong 27 cây thuỷ tùng còn sót lại ở khu bảo tồn Ea Hồ. Ảnh: H.V.M
Thuỷ tùng trị bệnh... ung thư?
Ánh mắt của ông Nguyễn Văn S - người dân ở xã Ea Ral, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắc Lắc - khựng lại một lát khi nghe tôi hỏi “trước đây nhà anh có nhiều thuỷ tùng lắm phải không?”. Giọng ông như mếu: “Là chuyện của hơn 2 năm trước”. Trước đó, thuỷ tùng (người bản địa gọi là cây thông nước) cũng chỉ tầm thường như bao nhiêu loại gỗ khác ở đây. Một hôm tình cờ, ông S vớt được mấy thân gỗ thuỷ tùng ở dưới hồ thuỷ lợi Ea Ral mang về xẻ ra làm hàng rào quanh nhà, số còn lại làm trụ tiêu trong vườn.
“Lúc đó tui chỉ biết là gỗ thuỷ tùng rất cứng, mặc dù nhẹ nhưng khi chôn dưới đất làm cọc tiêu bao nhiêu năm, nhổ lên nó vẫn còn y nguyên, không bị hao mòn như các loại gỗ khác mà thôi” - ông kể. Cho đến một ngày cách đây hơn 2 năm, sáng sớm ngủ dậy, ông S ngạc nhiên khi toàn bộ hàng rào làm bằng thuỷ tùng của mình bị trộm nhổ sạch. “Hôm đó tui tưởng người ta trộm về làm củi nên bực mình nói chỏng rằng có thiếu củi thì qua đây tao cho, làm chi phải đi nhổ hàng rào”.
Bẵng đi mấy hôm, một sáng khác, ông S tá hoả khi thấy mấy chục trụ tiêu cũng bằng gỗ thuỷ tùng của mình không cánh mà bay. “Lúc đó, dù thấy lạ, nhưng tui cứ nghĩ là người ta nhổ về làm củi đốt hoặc cùng lắm là làm lại trụ tiêu như mình thôi. Nhưng sau đó, tui chết đứng như Từ Hải khi nghe nói gỗ thuỷ tùng rất quý, có thể chữa được bệnh ung thư và hơn nữa là có người tìm về tận nhà tui hỏi mua với giá một khối lên tới 150 triệu đồng”.      
Về thông tin thuỷ tùng chữa được bệnh ung thư, ông Nguyễn Văn Kiểm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng, một trong hai địa phương có thuỷ tùng ở Đắc Lắc - cho biết: Từ một loại gỗ bình thường, thuỷ tùng được nâng cấp thành hàng quý hiếm chỉ sau một đêm, khi ngày 5.6.2009, trong chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” phát trên VTV3, đáp án của một ô chữ nói rằng cây thuỷ tùng có thể chữa được bệnh ung thư cùng nhiều bệnh khác. “Ngay hôm sau (6.6), hàng trăm người dân địa phương đã đổ xô vào rừng Trâp Ksơr để đào bới, tìm kiếm gỗ thủy tùng khô cũng như chặt hạ cây tươi.
Thậm chí có người còn tìm đến tận hạt kiểm lâm để... xin một ít vỏ cây thuỷ tùng về làm thuốc chữa bệnh ung thư cho người chồng sắp chết” - ông Kiểm nói. Tình hình “nóng sốt” tương tự cũng xảy ra tại huyện Ea Hleo - địa phương thứ hai có thuỷ tùng. Từ giữa năm 2009 trở đi (cao điểm là năm 2010), mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương và nhiều nơi khác kéo về hồ Ea Ral với các dụng cụ chuyên dụng như bè, máy bơm khí, cưa, dây cáp, ròng rọc... để trục vớt thuỷ tùng đã chết trước đó khi địa phương chắn dòng xây đập thuỷ lợi vào những năm 1980...
Công bằng mà nói, gỗ thuỷ tùng cũng có những giá trị nhất định và lời đồn về trị bệnh ung thư chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn sốt thuỷ tùng mà thôi. Những lý do khác khiến thuỷ tùng được ưa chuộng là gỗ hiếm, có mùi thơm (nhiều người tin mùi thơm này có thể xua được muỗi và tà ma, xú uế); không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, vân rất đẹp, thích hợp cho việc tạc tượng phật, độc bình, tỳ bà...
Hàng mỹ nghệ làm bằng thuỷ tùng được bày bán “bán công khai” ở xã Ea Ral.
Hàng mỹ nghệ làm bằng thuỷ tùng được bày bán “bán công khai” ở xã Ea Ral.
Nguy cơ tuyệt chủng
Thuỷ tùng có tên khoa học là glyptostrobus pensilis, có tên trong sách Đỏ thế giới và được xem như hoá thạch sống của ngành hạt trần. Thuỷ tùng chủ yếu mọc ở các vùng đầm lầy, thuộc nhóm 1A, là cây gỗ lớn, cao từ 25-30m; đường kính thân từ 1,4m trở lại. Theo tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc, loài cây này trên thế giới hiện chỉ còn tồn tại ở Việt Nam và lại chỉ có ở xã Ea Ral, huyện Ea Hleo, Ea Hồ, huyện Krông Năng và rải rác một vài cây ở huyện Krông Búk của tỉnh Đắc Lắc.
Hiện tỉnh Đắc Lắc đã thành lập khu bảo tồn ở xã Ea Ral với diện tích 49ha để bảo vệ 270 cây thuỷ tùng (thời điểm thống kê là năm 2008) và khu bảo tồn Trâp Ksơr với 61,6ha để bảo vệ 28 cây thuỷ tùng (cũng số liệu thống kê năm 2008). Ngoài ra, một số cây mọc rải rác ở huyện Krông Buk, tỉnh giao cho kiểm lâm phối hợp với địa phương quản lý, bảo vệ. 
Trạm kiểm lâm xã Ea Hồ một buổi chiều giữa tháng 5. Hơi thất vọng bởi sự vắng lặng, buồn thảm và trên hết là không thấy đâu cái không khí kiểm lâm hừng hực với đầy đủ phương tiện để bảo vệ những cây thuỷ tùng như hình dung. Trạm có 3 người, nhưng hôm đó chỉ còn mỗi kiểm lâm viên Đinh Tiễn Hữu uể oải tiếp khách vì “một người xin về nhà, một đang đi tuần bảo vệ cây ngoài kia”. Thắc mắc về sự vắng lặng và uể oải, ông Đinh Tiến Hữu cười cười: “Ở đây hiện chỉ còn 27 cây thuỷ tùng và cả ba người chúng tôi phải thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ 24/24h đó chứ. Nhưng nói thiệt là những cây này hiện không ai thèm phá vì... ở trong bị rỗng ruột hết rồi, có chặt trộm về bán cũng không được bao nhiêu tiền...”.
Ở trạm kiểm lâm xã Ea Ral, tình hình có vẻ khẩn trương hơn bởi thuỷ tùng ở đây nhiều hơn và hồ Ea Ral - một trong những điểm nóng khai thác thuỷ tùng chỉ cách trạm vài chục bước chân. Bởi vậy ở đây quân số kiểm lâm đông hơn (7 người), cũng chia ca bảo vệ 24/24h, nhưng có khác bên Ea Hồ một chút là trong rừng có dựng hai cái chòi và kiểm lâm viên luân phiên ăn ngủ luôn ngoài đó cùng với chó nghiệp vụ. Ấy vậy mà hình như cây vẫn bị mất trộm.
Theo một nguồn tin giấu tên, thời điểm kiểm kê đóng số năm 2008, ở đây còn 270 cây thuỷ tùng, nhưng đến thời điểm này, số lượng thuỷ tùng còn lại thực chất chỉ gần 200 cây. “Hiện ở khu bảo tồn của mình chính xác là còn lại bao nhiêu cây thủ tùng?” - chúng tôi đặt câu hỏi với ông Trịnh Xuân Truyền - Trạm phó Trạm bảo vệ thuỷ tùng Ea Ral - nhằm kiểm chứng thông tin trên, nhưng ông Truyền (sau khi gọi điện thoại cho lãnh đạo) đã trả lời là “chúng tôi không nắm rõ”. Nhưng với câu hỏi tiếp theo: “Không nắm rõ còn bao nhiêu cây thì làm sao mà bảo vệ và lỡ có bị mất trộm thì sao biết được?”, ông Truyền lại nhanh nhảu: “Mất cái là biết liền ấy mà(!)”.         
Theo quy định thì mọi hành vi liên quan đến cây thuỷ tùng như chặt phá, khai thác, vận chuyển... đều bị xử lý hình sự. Tuy nhiên thời gian qua, sức của lực lượng kiểm lâm cũng có hạn, chính quyền địa phương ở Đắc Lắc lại có phần lúng túng, lúc mềm, lúc rắn, nên tình hình chặt phá, khai thác, vận chuyển và mua bán gỗ, thành phẩm thuỷ tùng cũng lên xuống theo “thời tiết”. Thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, chính quyền huyện Ea Hleo vừa bắt và tịch thu hơn 30m3 gỗ thuỷ tùng tàng trữ trong một nhà dân ở xã Ea Ral trước đó mấy hôm, nên mọi việc có phần im ắng.
Tuy nhiên, cũng không khó lắm để xem và mua gỗ (thậm chí cả gỗ tươi vừa mới đốn hạ có màu đỏ), cũng như các sản phẩm làm từ gỗ thuỷ tùng như tượng phật, độc bình... Có điều, giá cả bây giờ thường được “hét” gấp 7-8 lần so với thời điểm cách đây một năm do “ngày càng có nhiều người ở trong Nam, ngoài Bắc quan tâm, chính quyền ngày càng bảo vệ cây sống nghiêm ngặt và gỗ khô dưới lòng hồ đã bị khai thác cạn kiệt” như lời của bà M - một người kinh doanh thuỷ tùng ở xã Ea Ral.
Nếu như cách đây 2 năm, ba chiếc bình tỳ bà cao lần lượt 40cm, 35cm, 30cm mà bà M gọi là “thiên địa nhân” giá khoảng 300 ngàn đồng, thì bây giờ bà nói “3,5 triệu một xu không bớt”. Hoặc một tượng phật Di Lặc ngồi, cao khoảng 30cm, đường kính khoảng 20cm, năm trước giá khoảng 600 ngàn thì bây giờ hỏi mua ở Ea Ral đã có giá khoảng 3 triệu đồng. Nhưng nếu đi xa hơn vài trăm kilômét, ví dụ ở quầy bán hàng lưu niệm của sân bay Gia Lai, bức tượng tương tự như vậy được niêm giá đến 7 triệu đồng...   
Một thông tin báo động nữa là ngay từ năm 2007, các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu quá trình sinh trưởng của cây thuỷ tùng và kết quả cho thấy, do quần thể còn sót lại ở hai địa phương trên là quần thể nhỏ, mật độ 40-50 cây/1.000m2 nên  các hạt thuỷ tùng không nảy mầm do không thể thụ phấn được, trong khi các cá thể thuỷ tùng hiện nay đã và đang bị thoái hoá. Cũng năm đó, khoa Nông – Lâm Đại học Đà Lạt đã nhân giống thành công cây thuỷ tùng trong ống nghiệm. Tuy nhiên khi đưa chồi ra trồng ở điều kiện tự nhiên thì cây không thể sinh trưởng...
H.V.Minh - Đ.T.Kiên
(Theo Bao lao dong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét