Từ lâu nay nhiều người trồng mai vàng thương phẩm, những người sưu tầm mai cổ và các nhà vườn luôn quan tâm đến việc xuất khẩu mai vàng qua Mỹ. Đã có khá nhiều nguồn thông tin khác nhau về vấn đề này. Nhưng để khẳng định được thông tin chính xác có cơ sở thì chưa ai dám chắc.
Thiên nhiên và Con người xin trích dẫn bài viết Mai tết Sài Gòn đi Mỹ của Hoàng Bảy được đăng trên Sài Gon Tiếp thị. Bài viết tuy cũ nhưng chứa đựng thông tin khá đầy đủ về tiêu chuẫn của cây mai xuất khẩu qua Mỹ và các vấn đề liên quan . Xin trân trọng giới thiệu với các bạn!
Mai tết Sài Gòn đi Mỹ
Trong những ngày này, nhà vườn ở TP.HCM đang hối hả “tuốt” lại những chậu mai cho kịp bung ra thị trường tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Năm nay mai tết không chỉ lên đường ra Bắc mà còn được nhà vườn tuyển chọn xuất khẩu sang Mỹ...
Ông Năm Đông, chủ vườn mai kiểng ở khu phố 7, phường Linh Đông, Thủ Đức hồ hởi: từ tháng 10 tới nay, tui đã xuất tổng cộng 500 chậu mai kiểng bonsai qua California và Hawaii (Mỹ) phục vụ Việt kiều đón tết.
Ông Năm Đông cho hay, lần xuất bán mai sang Mỹ gần nhất là cách đây ba ngày, số lượng 150 chậu, giá trung bình 3 triệu đồng/cây. Toàn bộ số mai nói trên được một Việt kiều ở Mỹ về mua. “Khách hàng đến trực tiếp vườn mai lựa chọn, rồi hai bên thống nhất số lượng và giá bán, thanh toán theo hình thức giao và trả tiền tại vườn”, ông Năm Đông nói. Trước khi xuất, theo ông Đông, mai được nhổ khỏi chậu, loại bỏ sạch đất, dùng bàn chải kỳ cọ trắng bong bộ rễ. Ông Năm Đông nói sở dĩ phải “tắm trắng” bộ rễ như vậy là vì nguồn đất trồng mai ở Việt Nam chưa được kiểm dịch, phía Mỹ không chấp nhận vì lo sợ lưu truyền nguồn bệnh. Tuy nhiên, không chỉ rửa sạch bộ rễ là “ok”, ông Năm Đông còn nói cây mai phải được tuốt sạch sành sanh từng cọng lá, xịt thuốc sát trùng khử nấm bệnh, tuyến trùng… rồi mới bó tròn, đóng vào thùng xốp. “Ra đến sây bay, cơ quan an ninh hàng không còn lục tung thùng ra quét máy soi laser, nếu an toàn dịch bệnh thì lúc đó cây mai mới được “đáp” máy bay sang Mỹ”, Năm Đông kể lại hành trình gian khó xuất khẩu mai.
Lấy được “giấy thông hành” đã khó, nhưng làm thế nào để khi qua đến đất Mỹ, cây mai vẫn còn sống, nở hoa đúng dịp tết, mang lại niềm vui cho bà con Việt kiều, theo ông Năm Đông đó mới là điều nan giải. Sau nhiều đêm trăn trở, nghiên cứu, cộng thêm kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề trồng mai, Năm Đông nảy ra sáng kiến dùng bông gòn quấn chặt vào rễ, gốc cây mai, sau đó tưới nước giữ độ ẩm. “Cách làm này có thể giữ cho cây mai không bị khô rễ 2 – 3 ngày, Việt kiều mua về bỏ vào chậu, cho đất vào chăm sóc, cây mai sẽ sống tốt trở lại bình thường”, Năm Đông khẳng định.
“Bằng cách nào để mai có thể nở hoa trong điều kiện khí hậu lạnh, có lúc xuống âm độ như ở Mỹ?” – “Phải lảy lá trước khoảng một tuần cho mai bung nụ, tỷ lệ 20 – 25%, để khi tới Mỹ thì cây mai vẫn còn bông “made in Vietnam”. Bởi ở Mỹ lạnh như vậy, cây mai không tài nào bung nụ được”. Tất nhiên, ông đã căn dặn kỹ lưỡng khách hàng rằng khi bán phải hướng dẫn cho bà con Việt kiều để chậu mai vào chỗ khuất trong nhà, đóng kín cửa, thắp đèn hoặc lò sưởi ấm mai. “Nếu duy trì nhiệt độ 25 – 30oC, mai sẽ bung nụ được”, Năm Đông khẳng định như vậy.
Ông Nguyễn Văn Ngã, chi cục trưởng chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II Mai thuộc loại kiểng được Mỹ cho phép nhập khẩu Cây mai không thuộc nhóm danh mục loài thực vật hoang dã quản lý phụ lục của Công ước quốc tế (Cites) nên được phép xuất khẩu. Muốn xuất khẩu mai kiểng phải có hai loại giấy phép: một của cơ quan kiểm dịch động thực vật nước nhập khẩu cấp và một của trung tâm Kiểm dịch thực vật (bộ NN&PTNT) Việt Nam cấp; ở TP.HCM thì do chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II cấp. Theo quy định của cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), cây kiểng muốn xuất vào nước Mỹ phải loại bỏ sạch đất, lá; có giấy chứng nhận kiểm dịch sạch sâu bệnh, tuyến trùng của nước sở tại. |
Nhưng để mai đi Mỹ cũng không dễ dàng, ông Bảy Sơn, một đại gia trồng mai khác ở Linh Đông, Thủ Đức tâm sự: năm 2001 từng bán mai cho một số Việt kiều Mỹ về mua, nhưng mấy năm nay không dám nhận hợp đồng nữa. Bởi theo ông, để tuyển chọn được một chậu mai đủ tiêu chuẩn xuất qua Mỹ, nhà vườn phải dày công một nắng hai sương, có khi “o bế” ba bốn năm kể từ lúc ghép cây mai vào chậu mới “ra lò” được một chậu mai ưng ý.
Mai tết “đáp” xe, tàu ra Bắc
Không cho mai “xuất ngoại” thì ông Bảy Sơn lại tìm thị trường nội địa, đó là các tỉnh phía Bắc tiêu thụ mai. Năm nay, ông thuê hẳn một khu đất rộng ngay dưới chân cầu Gò Dưa, đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức làm nơi “tập kết” 4.000 chậu mai kiểng bonsai chờ tới ngày 17 tháng chạp tới đây xuất ra Hà Nội. Ông Bảy Sơn cho biết, đây là số mai ghép bonsai “độc” nhất, được ông tuyển chọn trong cả vườn mai vài ngàn chậu xuất khẩu ra thị trường phía Bắc nhằm tránh “đụng hàng” với mai của các “đại gia” miệt vườn từ các tỉnh miền Tây, miền Đông và miền Trung đưa ra. Ông Sơn giải thích: chơi mai bây giờ không chỉ là để làm đẹp nhà cửa trong ba ngày xuân mà còn là dịp chứng tỏ sự ăn nên làm ra của một số người trong dịp tết nên mai phải càng lạ, càng độc đáo thì mới được giá. Năm nay dù kinh tế khó khăn nhưng ông Bảy Sơn vẫn quyết định chọn hàng cao cấp, có giá từ 1 triệu đồng trở lên mỗi chậu đưa ra “tranh tài”.
Nói là xuất khẩu mai tết, nhưng hầu hết nhà vườn trồng mai đều thừa nhận chỉ bán qua trung gian, chờ khách hàng tới vườn đặt mai, thoả thuận số lượng, giá cả thì lúc đó cây mai mới có đầu ra. Ông Bảy Sơn, nhà vườn nhiều năm bán mai tết ra Hà Nội thừa nhận: không thể đưa mai ra Hà thành bán trực tiếp vì một mặt do số lượng quá ít, mặt khác không thể túc trực bán lẻ từng cây mai được. “Chỉ có những thương lái sống ở Hà Nội, quen thị trường, quen mối bán mới có đủ lực vào gom mai tết đem ra Bắc”, theo ông Bảy Sơn, đây cũng là nguyên nhân khiến giá mai tết đến tay người dân Hà Nội thường đắt hơn 30 – 40% so với giá tại vườn.
Hoàng Bảy
(Sai Gon Tiep Thi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét