Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Chuyện bi hài có thật về đôi chim chích.


Trong thế giới loài vật cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt. Câu chuyện có thật sau đây về loài chim là một chuyện bi hài như thế.

Sân vườn nơi tôi làm việc, đang được tạo lập, đến nay chưa phải có nhiều cây xanh nhưng vẫn có rất nhiều chim chóc đến làm tổ. Người ta bảo “đất lành chim đậu”. Tôi đã bằng mọi cách can ngăn anh em không ai được bắt, phá và tạo mọi điều kiện để cho lũ chim an toàn. Có lẽ nhờ thế mà gần đây chim về làm tổ rất nhiều. Đến nay thì đã có đến gần chục cái tổ như thế. Có tổ được làm trên ngọn cây cao nhưng cũng có cái khá thấp và lộ. Phần lớn đều là chim chích (chim sâu), chim mỏ già, chim mía, thỉnh thoảng có cả đàn cò trắng về ngũ đêm rồi sáng ra bay đi mất… Càng ngày, lũ chim ở sân vườn cơ quan tôi càng bạo dạn và tỏ ra khá thân thiện hơn với mọi người…


Trong số chim về làm tổ, chúng tôi thường xuyên để ý đến một đôi chim chích. Đó là loài chim bé xíu, chuyên ăn sâu bọ, nên có nơi người ta còn gọi chúng là chim sâu. Cũng vừa để chỉ món ăn khoái khẩu của chúng nhưng cũng vừa cho thấy thân hình bé tẹo của nó…
Đôi chim cần mẫn tha rác về làm tổ trong một lùm cây. Rồi một vài tuần sau người ta nghe tiếng chim con kêu chí chít. Ai cũng có một cảm giác yên bình dễ thương. Không ai bảo ai, dù tổ chim làm khá thấp, không cao quá đầu người nhưng không ai muốn làm chim sợ nên chỉ quan sát đôi chim từ xa mà thôi.

Một khoảng sân vườn, nơi nhiều chim chóc trú ngụ

Thế rồi, điều không may xảy ra cho gia đình bé nhỏ của đôi chim. Cơn giông đầu mùa đã làm rơi cái tổ chim xuống đất và vỡ tan tành, lộ ra 1 chú chim non. Mọi người xuýt xoa thương cho con chim bé nhỏ, hồn nhiên kia. Nhưng kìa! Chú chim con trông rất khác so với bố mẹ của chúng. Bộ lông chú vằn vện nâu đen kiểu lông chim sẻ nhưng điều đặc biệt hơn cả là thân hình to khỏe của nó so với cái bé tẹo của đôi chim chích bố mẹ. Đem chuyện lạ này hỏi vài người dân xung quanh tôi rất bất ngờ được biết con chim non kia không phải là… con ruột của đôi chim chích mà nó chính là con đẻ của một loài chim mà người địa phương gọi là “chim giữ vịt”. Đó là loài chim có trong truyện cổ tích Việt Nam “năm cô sáu cột” hay “bắt cô trói cột”. Ở quê tôi thì người ta kể nhau nghe câu chuyện tương tự nhưng lại là sự tích “bớ con giữ vịt”. Chính lũ chim “giữ vịt” này đã lẻn vào ăn hết trứng của đôi chim chích và … đẻ trứng của mình thay vào đó. Đôi vợ chồng chim chích vô tư ấp nỡ rồi cẫn mẫn tha mồi nuôi con.

Con chim non trong tổ bằng giấy vụn, hàng ngày chờ “mẹ nuôi” về đút mồi


Lại nói về chuyện cái tổ chim. Sau khi bị gió lốc làm hỏng, thấy con chim non bé bỏng tội nghiệp, mọi người đã lấy giấy vụn làm cho nó một cái tổ đặt trong cái chậu cảnh bỏ không, ngay dưới tán cây từng có tổ của nó. Ngay sau đó đôi chim bố mẹ đáng thương kia vẫn không từ bỏ việc nuôi con. Ngày ngày chúng vẫn cứ thay nhau rình rập, vừa bảo vệ, vừa mớm mồi cho con chim non. Thậm chí cả khi con chim non lớn đến gấp đôi ba lần mình mà đôi chim đáng thương kia vẫn cứ cần mẫn tha mồi mà không hề biết là đây là dòng máu của kẻ cướp bạo tàn.


Con chim mẹ bé tí tẹo đang tha mồi nuôi “con”.
(Do không chuẩn bị máy kịp, ảnh săn được bằng điện thoại di động)

Nghe chuyện bất bình có người đã muốn bắt chú chim non kia phải đền tội nhưng nhiều người can ngăn nên thôi. Họ bảo chú đâu có tội tình gì (?)… Trời ạ! Trong chuyện này chú chưa có tội nhưng vốn mang trong mình dòng máu của kẻ sát nhân, liệu sau này khi trưởng thành nó sẽ không gây nên tội ác ?.
Cái ác thật kinh khủng ngay cả trong thế giới của loài vật, cả trong loài chim vốn được cho là thế giới của sự…vô tư và hồn nhiên bậc nhất thế gian này (?).
Các bạn nghĩ gì về câu chuyện có thật này?.

Tam Kỳ, 6/2010
Lê Thạnh – Dailoc – Comaihoa




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét