Nhân dịp Năm mới 2012 - Nhâm Thìn, Nhà vườn Cổ Mai Hoa xin trân trọng gửi đến Bạn bè, Thân hữu Gần xa lời Chúc Mừng Năm Mới 2012 An Khang - Thịnh Vượng!
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011
Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011
Làm lộc, đón xuân cho cây lộc vừng lá "rí", thác đổ.
cây lộc vừng này, 10 năm nay được nuôi dưỡng trong vườn, sau đó thì đưa vào chậu cao để làm thác đổ (3 năm).
Cây be bé. Thân gốc chỗ to nhất, trên cổ rễ bằng cỡ chiếc cốc uống bia. Do được cắt giật nhiều lần, thân chính được gút nhỏ dần một cách rất tự nhiên và liền lặn. Mọi vết cắt đều đã liền da khó có thể nhận ra, chỉ còn lại những vết thẹo điệu nghệ cùng với các dấu vết của địa y, nấm… lâu ngày hằn ghi trên thân cây tạo nên một hiệu ứng rõ ràng về thời gian.
Điều đặc biệt hơn là kích thước của lá. Mới nhìn nếu không để ý rất dễ nhầm đây là cây chè, do lá của nó lớn nhất cũng chỉ bằng… lá chè mà thôi!
Bộ đế của cây rất đẹp với những cái rễ to cỡ ngón tay cái, hợp hình để tạo nên một thế nằm vững chãi cho ngọn thác tuôn chảy ngày đêm…
Với ý tưởng tạo một ngọn thác ngày đêm tuôn ra lộc (non) Chào đón Năm mới Nhâm Thìn - 2012, hôm nay chung tôi đã cho lặt lá làm lộc cho cây.
Xin giới thiệu với các bạn:
Cây trước khi lặt lá, làm lộc |
Bộ đế khá chuẩn cuả một cây thác đổ |
lá nhỏ như lá chè |
Ảnh cây phun lộc đón Tết Nhâm Thìn - 2012:
Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011
Bí quyết nhà vườn: KỸ THUẬT PHA CHẾ SƠN ĐẶC HIỆU CHO CHẬU CẢNH
Nước sơn màu trầm sô cô la |
Có lẽ nội nghiệp ai cũng phải thừa nhận chơi cây cảnh không chỉ là một nghề “lắm công phu” mà còn... nhiều tốn kém. Thế nên để có thể… “chống nghèo”, tiết giảm chi phí, duy trì thú chơi, người chơi cây phải tự mình mày mò, xoay xở giải quyết các công việc phụ, được khâu nào hay khâu đó, thay vì phải thuê dịch vụ hoặc mua hàng từ các cơ sở sản xuất chuyên nghiệp.
Bài viết sau đây giới thiệu với các bạn kỹ thuật pha chế và sơn chậu cảnh rất đơn giản (nhưng không phải ai cũng biết) mà chúng tôi đã học “lóm” được từ các cơ sở làm chậu và đã thực hiện thành công cho mình.
Tam Kỳ, 01/11/2014
Thân gửi quý bạn đọc!
Bài viết này sau khi được đăng tải (từ 12/2011) đến nay đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Theo thống kê của trang chủ, đã có đến hơn 20.000 lượt truy cập, nghiên cứu bài viết. Nhiều bạn tự pha chế và làm nên những sản phẩm vừa đẹp, vừa rẻ nhưng quan trong hơn là được cảm nhận cái thú vị về những thứ do chính tay mình tạo ra. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều cơ sở sản xuất chậu cảnh gọi điện đến tác giả tỏ ý không vui. Vốn cũng là chỗ thâm tình, đây lại là một vấn đề tế nhị, sau nhiều đắn đo, LT quyết định tạm dừng bài viết tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ trong thời gian qua.
Các bạn nào có nhu cầu thật sự, LT sẵn sàng chia sẻ trực tiếp qua điện thoại, hoặc email.
(Lưu ý chỉ trả lời cho người giới thiệu rõ danh tánh).
Chào tạm biệt!
Lê Thạnh - 0914026345
Comaihoa@gmail.com
Tam Kỳ, 01/11/2014
Thân gửi quý bạn đọc!
Bài viết này sau khi được đăng tải (từ 12/2011) đến nay đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Theo thống kê của trang chủ, đã có đến hơn 20.000 lượt truy cập, nghiên cứu bài viết. Nhiều bạn tự pha chế và làm nên những sản phẩm vừa đẹp, vừa rẻ nhưng quan trong hơn là được cảm nhận cái thú vị về những thứ do chính tay mình tạo ra. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều cơ sở sản xuất chậu cảnh gọi điện đến tác giả tỏ ý không vui. Vốn cũng là chỗ thâm tình, đây lại là một vấn đề tế nhị, sau nhiều đắn đo, LT quyết định tạm dừng bài viết tại đây. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ trong thời gian qua.
Các bạn nào có nhu cầu thật sự, LT sẵn sàng chia sẻ trực tiếp qua điện thoại, hoặc email.
(Lưu ý chỉ trả lời cho người giới thiệu rõ danh tánh).
Chào tạm biệt!
Lê Thạnh - 0914026345
Comaihoa@gmail.com
Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011
Tác phẩm độc đáo Việt Nam: “Rồng Việt” .
Từ khối đá bán quý nặng 5,7 tấn (lớn nhất được tìm thấy ở Tây Nguyên từ trước tới nay), qua bàn tay tài hoa của những người thợ, đã hình thành nên tác phẩm “Rồng Việt” được đánh giá là độc đáo và công phu nhất Việt Nam.
Tác phẩm "Rồng Việt" có chiều dài 3,33m, nặng 1,8 tấn. |
Trước đó, khi được khai thác tại Tây Nguyên, khối đã Mã não có tên khoa học là là Chacedone (Lộc Bắc) với 2 màu xanh và vàng đặc trưng (thuộc dòng đá bán quý) nặng 5,7 tấn, dài gần 5m đã từng gây xôn xao trong giới chơi đá cảnh. Khối đá này không chỉ đạt độ “khủng” về trọng lượng mà còn có màu sắc, đường vân độc nhất vô nhị. Bởi từ trước tới nay, những khối đá dùng chế tác có trọng lượng tối đa khoảng 2,5 tấn trở lại đã được xếp vào hàng “độc”.
Và sau gần 1 năm miệt mài, những nghệ nhân Huế tài hoa đã cho ra đời tác phẩm “Rồng Việt” với trọng lượng 1,8 tấn, dài 3,33m, được giới trong nghề và các nhà sưu tầm đánh giá là tác phẩm nghệ thuật rồng độc đáo và công phu nhất Việt Nam. Ngắm tác phẩm, người xem sẽ nhìn thấy toàn bộ phần thân rồng có màu vàng tự nhiên của đá, nhưng tại những điểm nhấn như vẩy, râu, chân lại là những vân đá xanh ngọc trong suốt tự nhiên.
Phần đầu rồng với những đường vân uốn lượn tự nhiên hài hòa, đẹp mắt
Một nghệ nhân trong nhóm chế tác kể lại quá trình tạo ra “Rồng Việt”: “Khi mới được khai thác, khối đá không chỉ lớn nhất về trọng lượng mà còn hội đủ “thế và màu”, rất lý tưởng để có thể chế tác thành tác phẩm nghệ thuật rồng chạm khắc. Sau khi bóc đi lớp vỏ ngoài thô ráp màu xanh, phía bên trong khối đá là lộ ra màu vàng sáng nguyên khối. Càng trùng hợp, ly kỳ hơn, tại những vị trí chọn tạc như mắt, râu, vảy, chân rồng lại xuất hiện những vân đá màu xanh uốn lượn đúng ý. Dù vậy, tạc rồng trên chất liệu đá bán quý tự nhiên sẽ khó hơn làm trên chất liệu khác, nên phải mất 11 tháng, tốp thợ chúng tôi mới bóc tách và hoàn thành xong tác phẩm mang hình tượng rồng thời Lê Nguyễn với phần đuôi chạm hình buông xòe, thường thấy ở các đình, chùa nước ta...”.
Thân rồng
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Trang sức, đá quý Việt Nam: Chacedone là loại đá rất cứng được hình thành bởi dung nham núi lửa cách đây 4 triệu năm. Vì thế, đá Chacedone được tìm thấy ở Tây Nguyên - khu vực hoạt động của núi lửa cách đây nhiều thế kỷ. Nếu đánh giá trong hàng đá quý, đá cảnh trên thế giới, đá Chacedone không phải là loại được xếp hàng đầu, nhưng ở Việt Nam thì đây là dòng đá bán quý số 1 hiện nay.
“Chưa nói về kích thước, trọng lượng, chỉ mới nhìn qua tác phẩm này lần đầu tiên tại triển lãm ở Bảo tàng Hà Hội (nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), tôi thấy được sự tài hoa của người thợ đã đạt đến trình độ điêu luyện. Họ đã đưa vào được cái hồn của rồng, hình tượng thể hiện sự quyền uy, linh thiêng” - GS.TS Thị nhận xét.
Tác phẩm độc đáo được tạo ra từ đá bán quý thuần Việt.
Điểm đặc biệt khiến GS. Thị tâm đắc chính là nguyên liệu để chế tác ra “Rồng Việt” được lấy ngay trên mảnh đất đỏ Tây Nguyên Việt Nam. “Trên thực tế, ở nước ta không thiếu những tác phẩm hoành tráng được tạc bằng những loại đá quý nhập khẩu, thậm chí cả thợ điêu khắc cũng từ nước ngoài mời đến. Nhưng tác phẩm này lại có được điều quan trọng nhất và quý nhất - đó là được sinh ta từ chính khối đá bán quý thuần Việt, bởi chính những bàn tay các nghệ nhân trong nước”.
“Rồng Việt” đã được Công ty Tòng Hằng Hà Nội mua lại, sau khi trả vượt mức giá mà một thương gia Nhật Bản đưa ra. Tuy nhiên, phía công ty này từ chối tiết lộ về khoản tiền đã bỏ ra để có được tác phẩm cực kỳ quý hiếm này và cho biết muốn giữ “Rồng Việt” ở lại với Hà Nội.
P. Thanh - Bao Dan tri
Món ngon độc quyền: Rượu Hương mai.
|
Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011
Chuyện lạ cây cối: Cây lim khổng lồ… tự nguyện “hiến xác” để trùng tu di tích Vua Lê
(Comaihoa): Ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hoá) còn nhiều chuyện lạ có thật mang sắc màu huyền bí. Cùng với câu chuyện về cây ổi biết “vui đùa” với quan khách, cây lim khổng lồ biết “tự nguyện hiến xác” để trùng tu di tích là một câu chuyện khá ly kỳ...
Comaihoa xin giới thiệu bài viết đăng trên VTC. (tiêu đề bài viết do chúng tôi đặt lại)
Comaihoa xin giới thiệu bài viết đăng trên VTC. (tiêu đề bài viết do chúng tôi đặt lại)
Hướng dẫn viên giới thiệu về cây đa và cây thị chung gốc. |
Cô hướng dẫn viên du lịch Lê Thị Lan thướt tha tà áo dài, tự hào giới thiệu mãi với du khách về một cây cổ thụ có tên nôm na là cây Đa Thị, nằm ngay phía Tây Nam sân rồng của di tích Lam Kinh.
Cây đa này cao chừng 50m, cành gốc xum xuê, phủ bóng rợp một góc sân. Cứ theo lời Lan, cây Đa Thị đặc biệt ở chỗ gốc đa ôm lấy gốc thị. Tuy là hai cây cho hai loại quả nhưng chỉ có chung một gốc, cùng bạc phếch màu như đã lẫn thân vào thành một khối.
Những năm trước đây, cây thị vẫn cho nhiều quả, tuy nhỏ và có vị chát nhưng rất thơm. Căn cứ theo những biến cố thăng trầm của Lam Kinh, cây đa được ước tính chừng 300 tuổi.
Cây thị được cho là có trước, già hơn cây đa, đã chết năm 2007, chỉ còn lại thân gỗ khô. Người xưa cho rằng, chim chóc thường về đậu trên cây thị, có mang theo quả đa về ăn nên rơi hạt mà mọc lên cây đa. Đa lớn nhanh, ôm lấy gốc thị.
Theo lời những người gắn bó lâu năm với khu di tích, chuyện hai thân cây ôm lấy nhau rồi hóa thành một không hiếm ở Lam Kinh. Ở vùng đất cổ kính này, còn có nhiều gốc cây là đa, si ôm chặt lấy một thân cây cổ thụ nào đó trong các khu rừng cổ, tương tự như cây Đa Thị nổi tiếng kia.
Sét sợ cây sui
Cây cổ thụ được cho là cổ kính nhất, đặc biệt nhất và cao lớn nhất ở Lam Kinh chính là một cây sui ở trung tâm di tích, ngay phía sau tòa Thái miếu.
Người xưa, nhất là đồng bào vùng cao coi trọng cây sui vì vỏ cây bóc ra làm chăn giữ ấm mùa đông (“Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”– Tố Hữu).
Cây sui khổng lồ trong Khu Di tích Lam Kinh. |
Theo ông Trịnh Đình Dương, trong cuốn Đại Việt sử kí toàn thư có chép nhiều chuyện sét đánh ở Lam Kinh, cháy nhà, cháy cây. Chuyện sét đánh khá bình thường đối với những vùng đất được coi là hội tụ linh khí như vẫn gặp ở đàn Tế giao của vương triều nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hay chính ngôi thành thành đá kỳ vĩ.
Ông Dương cho biết thêm: “Hiện nay sét vẫn thường đánh ầm ầm ở Khu Di tích Lam Kinh, nhiều khi làm hỏng cả thiết bị máy móc của Ban Quản lý. Có những chiếc máy tính mới mua, được vài hôm sét đã làm cháy khét lẹt, vác đi sửa không ăn thua, phải bỏ.
Cứ nghe tiếng “đùng, đoàng” khủng khiếp là y như rằng có những cây cối xanh tươi trong Khu Di tích bị đánh chết cháy giữa ngày không mưa. Mỗi năm kiểu gì cũng có dăm ba cây bị sét đánh chết khô.
Nhưng cây sui cao lớn nhất vùng, dễ phải hơn 60m, tuổi đời có lẽ chừng 600- 700 tuổi, lại không hề bị sét đánh bao giờ, dù ở đây mỗi năm có vài ba cây xung quanh nó, dù thấp hơn nhiều, vẫn bị sét đánh chết”.
Dù cây sui rất cao lớn, nhưng hàng trăm năm nay sét chỉ đánh vào những cây nhỏ xung quanh. |
Mọi người dự đoán, cây sui như một cột thu lôi hút linh khí vần vũ giao hòa của trời đất truyền vào lòng đất được người xưa lựa chọn đặc biệt kỳ công về phong thủy này chăng?
Lại có ý kiến cho rằng: Cây sui được trồng để đánh dấu một vị trí đặc biệt quan trọng của khu tông miếu nhà Hậu Lê, rất có thể là ngôi mộ thực an táng Bình Định Vương Lê Lợi.
Cây lim 600 năm tuổi “tự thoát xác”
Nhưng sự ngạc nhiên gần đây nhất thuộc về một cây vừa được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết định hạ trong dịp giỗ Lê Lợi tháng 8 âm lịch vừa qua.
Đó là cây lim cổ thụ, khoảng 600 tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây Lim Cò, do trước đây cò thường về đậu trắng trên ngọn cây.
Cây ổi "cười" vẫn ra hoa, đậu quả như thường. |
Cô hướng dẫn viên du lịch Lê Thị Lan hồ hởi giới thiệu: “Trong ngày 21 và 22- 8 âm lịch vừa qua, nhân dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc”, hạ một cây lim khoảng 600 năm tuổi để khởi công phỏng dựng Chính điện.
Điều kỳ lạ hay trùng hợp thì chưa rõ, nhưng cây lim cổ thụ vốn đang sống tươi tốt trong khuôn viên di tích, gần đây bỗng trút lá một lần, rồi khô đi mà chết, như một sự tự nguyện hiến thân cho công việc này”.
Mấy năm trước, thân cây còn tráng kiện, lá cây xanh mướt mát, tưởng như bất tử, nhưng từ mùa xuân năm ngoái, bỗng ào ào rụng lá đến khi không còn một chiếc nào. Cây khô lá, khô cành chừng dăm bảy tháng sau thì chết.
Mỗi khi ổi chín, bà Nghĩa lại hái để thắp hương trên ban thờ vua Lê. |
Ông Trịnh Đình Dương cho biết thêm: “Điều trùng hợp là thời điểm cây Lim Cò trút lá trùng với thời điểm dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt, và khi cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.
Ngoài ra còn có hai điều trùng hợp nữa.
Thứ nhất, thường thì các cây lim cổ thụ thường bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, rất thuận lợi để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng Chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam.
Gốc cây lim vừa khít với tiết diện tảng kê chân cột này. |
Thứ hai, sau khi làm lễ “phạt mộc”, rồi tiến hành gọt bỏ phần vỏ cây, pha được 4 khúc gỗ lớn thì riêng phần thân cây đủ làm một cột cái, một cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
Đường kính phần gốc cây lim gần như trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65 cm, vừa với gương tảng cột quân”.
Tất nhiên, việc phỏng dựng Chính điện cần rất nhiều gỗ lim, phải nhập ngoại, chứ không phải chỉ rừng lim xanh cổ thụ ở Lam Kinh có thể cung cấp đủ.
Nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến người dân địa phương vốn đã thấy rất nhiều chuyện lạ trong khu vực linh thiêng này cho rằng, dường như cây Lim Cò từ 600 năm trước được sinh ra là để phục vụ cho việc phỏng dựng Chính điện này.
Tam quan Chính điện Lam Kinh được phục dựng theo nguyên mẫu với những cây lim cổ thụ. |
Trên tấm bia Vĩnh Lăng đẹp nhất nhì Việt Nam được làm bằng đá trầm tích nguyên khối còn đặt tại Lam Kinh do quan Vinh Lộc đại phu Nhập nội hành khiển Tri tam quản sự Nguyễn Trãi phụng soạn, có đoạn chép về cụ tổ Lê Hối của Thái tổ Lê Lợi:
“… Một ngày kia đi chơi Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn ở dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt liền dời nhà đến đây, được ba năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước mở đất thực gây nền từ đấy”.
Lam Kinh hiện nay có 97ha rừng trên tổng diện tích 200ha, với rất nhiều rừng cổ, cây cổ thụ, chim chóc, rắn, thú, mỗi năm đón hàng trăm ngàn du khách về khói nhang, vãn cảnh.
Rắn hiện ở Lam Kinh có rất nhiều, đủ loại lớn nhỏ khác nhau. Những ngày đẹp trời, rắn thường bò ra thảnh thơi phơi nắng khắp sân Chính điện, nhưng tuyệt nhiên chưa cắn ai bao giờ.
Những chuyện kỳ lạ chúng tôi lượm lặt về cây xung quanh khu tông miếu Lam Kinh, để thấy, không phải người dân muốn tô vẽ chuyện hoang đường, mà như sự kính ngưỡng với người xưa và chốn thâm nghiêm mà gần gũi của một vương triều hiển hách trong lịch sử nước Nam.
Gia Linh - VTC
Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011
Chuyện lạ cây cối: Cây ổi biết “cười vui” ở Thanh Hoá
(Comaihoa): Thế giới từng biết đến một số cá thể cây cối biết phản ứng với sự tác động của con người, qua một số trang báo nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó từ lâu đã không còn là lạ với người dân sống gần Khu di tích Lam Kinh, nơi có các lăng mộ của các vua Nhà Lê ở Thanh Hoá với những cây ổi biết… cười vui đón chào quan khách. Comaihoa xin giới thiệu với bạn đọc bài báo này vừa được đăng trên VTV.vn.
Theo cái lý thông thường, thì chẳng ai có thể tin được lời cô nói, rằng, cây lim già tự nguyện rụng lá, chết buồn thảm, khi mọi người bàn tính hạ cây để lấy gỗ. Rồi chuyện lạ lùng hơn nữa, cô hứa sẽ thử cho mọi người biết, đó là những cây ổi biết… “cười”!
Chính điện Lam Kinh sẽ được phỏng dựng theo nền móng cũ. |
“Ở Lam Kinh có rất nhiều chuyện kỳ lạ chưa có lời giải xung quanh các cây cối trong khuôn viên di tích” – lời nói đầy ma mị của cô hướng dẫn viên tên Lan cứ khiến du khách há hốc vì tò mò. Tôi cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên.
Hơn 15 năm nay, bà Trịnh Thị Nghĩa (60 tuổi, người làng Cham, thôn Lam Sơn, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) tự nguyện gắn bó với công việc nhang đèn, coi sóc, quét dọn trong Lam Kinh, nơi thờ cúng, yên nghỉ ngàn thu của tổ tiên và các vua, hoàng hậu thời Lê Sơ.
Bữa nay, bà Nghĩa bận chiếc áo nâu sồng, lúi húi quét dọn trong Vĩnh Lăng (an táng phần mộ vua Lê Thái Tổ). Thấy khách thành kính khói hương xong, cứ dùi dắng không dời bước, bà Nghĩa vui miệng góp chuyện: “Các bác lại đây xem cây ổi này đi. Cây ổi biết cười đấy”.
Bà Trịnh Thị Nghĩa "cù" vào gốc cây ổi bên mộ vua Lê, tức thì lá của toàn bộ cây ổi rung rinh. |
Cây ổi mà bà Nghĩa nói đến nằm khiêm tốn ở góc phải khuôn viên Vĩnh Lăng, phía sau hàng quan hầu và linh thú hiền từ đang chầu trước mộ vua.
Cây ổi khẳng khiu gầy guộc, cao chừng hơn 3m, lá nhỏ xíu, đang cho quả chín bói trái mùa (quả cũng chỉ bé bằng ngón tay).
Chờ gió thật lặng, lá trên các ngọn cây xung quanh im phăng phắc, bà Nghĩa nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay chạm vào thân cây, di di đầu ngón tay như thể đang cù nách, gãi bàn chân người.
Thật lạ, những chiếc lá nơi đầu nhánh cây ấy bỗng rung rinh, lay động nhè nhẹ, trong khi những lá trên những nhánh khác và cây cối xung quanh vẫn lặng im.
Chúng tôi bắt chước bà Nghĩa “cù” vào các nhánh cây khác, cũng thấy lá cây rung rinh tương tự. “Cù” vào gốc thì gần như các lá phía trên của cả cây rung động.
"Cù" vào cành, thì chỉ lá ở cành đó "cười". |
Chứng kiến cảnh ấy, người thì vui thú, tò mò, cứ thử đi thử lại. Nhưng có người thì mặt tái xanh ngắt, tỏ ra sợ sệt, chắp tay vái cây khấn lầm rầm.
Bà Nghĩa cho biết: “Vào các buổi sáng yên tĩnh, lặng gió thì rất dễ dàng thấy cây cười rung rinh, cười như nắc nẻ khi có người chạm vào. Dường như cây cũng có linh cảm như con người, bị chạm vào “da thịt” chỗ nhạy cảm thì có phản ứng.
Trước đây, có một nhà thơ người Phú Thọ đến viếng lăng, bảo rằng, đây là giống ổi Tàu, do thân nhỏ cành nhỏ nên dễ rung rinh. Nhưng giải thích làm sao đây khi cây ổi Ta bên trái kia cũng biết cười?”.
Rồi bà Nghĩa dẫn chúng tôi sang bên trái khu mộ, nơi có một cây ổi quen gặp trong vườn khắp các làng quê, lá to nổi gân lớn, cành trườn dài uốn lượn như rồng bò.
Chưa ai giải thích được vì sao cây "ổi Tàu" này lại biết "cười". |
Quả thực, khi chạm vào thân cây, đặc biệt là điểm mấu giữa các nhánh thì lá cây lay động rất lạ, tuy không rõ rệt như kiểu cây xấu hổ (trinh nữ) cụp lá, nhưng bằng mắt thường hoàn toàn thấy được.
Đem câu chuyện lạ về những cây ổi biết “cười” đến gặp ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, chúng tôi được biết thêm nhiều điều lạ nữa xung quanh các cây ổi này.
Theo ông Trịnh Đình Dương, chỉ những cây ổi xung quanh mộ vua Lê Thái Tổ thì mới biết cười. Đem cành chiết của các cây đó trồng ra ngoài khuôn viên khu mộ thì không có hiện tượng đó.
Nguồn gốc của cây ổi Tàu vốn do một người hảo tâm là ông Trần Hưng Dẫn (người ở Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định) trồng từ năm 1933, đến nay đã là 78 năm.
Theo truyền ngôn của người cao niên trong vùng, ông Trần Hưng Dẫn vốn hiếm muộn. Một ngày kia đến cầu tự trước mộ đức vua mà sinh được quý tử nên đã dốc tiền của để sửa sang xây đắp lại khu mộ thêm khang trang, tôn nghiêm.
Cây ổi ta này cũng "cười" rung rinh cành lá. |
Ông Dẫn lại cùng nhân dân làng Cham và xã Xuân Lam làm đền thờ Lê Thái Tổ ở phía Đông Nam khu trung tâm di tích Lam Kinh. Ông Dẫn còn cung tiến 4 tượng voi lớn đắp bằng ximăng chầu phục, trồng hai cây long não hai bên và cây ổi trước mộ vua.
Ông Dương bảo rằng, ông biết chuyện ổi “cười” từ lâu, do được các cụ kể lại. Các cụ trong vùng đều bảo người đầu tiên khám phá ra hiện tượng cây ổi Tàu này biết cười là một ông Tây (người Pháp), từ trước năm 1945.
Căn cứ vào sử liệu thì có lẽ ông Tây đó là ông Luois BzacieR, một nhà nghiên cứu người Pháp. Ông đã tiến hành khảo sát Lam Kinh hai lần vào năm 1942.
Cây ổi gốc vừa chết năm ngoái, may mà các cán bộ khu di tích đã kịp chiết một số nhánh cây để giữ giống. Và điều kỳ lạ là cây trồng lại này vẫn giữ được “gien cười”.
Cây ổi ta ở khu di tích cũng đã 40 tuổi. Gần đây mọi người mới biết cây ổi này cũng “cười” khi chạm vào.
Từ lâu, người dân địa phương tin rằng, do cây trồng nơi linh khí nên cũng mẫn cảm như người. Vậy nên, có người còn gọi là “mộc tinh”.
“Tôi cho rằng sớm muộn các nhà thực vật cũng sẽ có câu trả lời thỏa đáng khi bỏ công nghiên cứu bằng phương pháp khoa học thực nghiệm” – ông Dương cho hay.
Còn tiếp…
Gia Linh - VTC
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)