Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Chuyện viên ngọc 100 tấn làm sống lại đôi rồng thế kỷ X


100 tấn ngọc quý, 3 năm ròng rã trăn trở nghiên cứu mẫu và chế tác… cùng biết bao những câu chuyện ly kỳ về tác giả của bản “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý lớn kỷ lục.


“Ngọc bất trác bất thành khí”, một viên ngọc dù có quý giá đến đâu nhưng không có bản thiết kế tốt, không được mài giũa thì mãi vẫn chỉ là một viên ngọc bình thường. Tìm được viên ngọc như ý, có một đội ngũ thợ và nghệ nhân nhiệt huyết với công việc… nhưng như thế vẫn chưa đủ! Bởi lẽ khi đã có trong tay viên ngọc Casêđôn 100 tấn, nhưng anh Lê Xuân Phương vẫn ngày đêm trăn trở về bản thiết kế. Với một tác phẩm quý giá thì hoạ tiết khắc trên đó là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội ủng hộ cùng sự góp sức của các thành viên trong nhóm thực hiện, “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý đã hoàn thành
Được các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội ủng hộ cùng sự góp sức của các thành viên trong nhóm thực hiện, “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý đã hoàn thành
Ngoài việc tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu đông tây kim cổ trong các sách cổ thư thì những kinh nghiệm tích luỹ trong thời gian 30 năm tiếp xúc với ngọc được anh Phương đem ra vận dụng vào việc chế tác “Chiếu dời đô” bằng ngọc.
Rồng thế kỷ thứ 10 ngẩng cao đầu kiêu hãnh
Sau một thời gian dài mày mò, nghiên cứu và chọn lựa, cuối cùng mẫu hoạ tiết được chọn, đó là một trang văn bản của “Chiếu dời đô”, một đôi rồng thời Lý cùng một số các hoạ tiết hoa văn cổ khác.
Tuy nhiên khi đi vào thực tế, việc chọn lựa các mẫu cụ thể lại nảy sinh thêm nhiều vấn đề nan giải.
Hình ảnh đôi rồng mang hơi hướng thế hỷ 21 với phần đầu vươn cao tự hào với năm châu bốn bể là một điểm đặc biệt của “Chiếu dời đô” bằng ngọc
Hình ảnh đôi rồng mang hơi hướng thế hỷ 21 với phần đầu vươn cao tự hào với năm châu bốn bể là một điểm đặc biệt của “Chiếu dời đô” bằng ngọc
Đối với trang văn bản của “Chiếu dời đô”, về ý nghĩa lịch sử thì không có gì đáng bàn, bởi đúng vào dịp Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, sự xuất hiện của một trang văn bản khổng lồ trong “Chiếu dời đô” – linh vật gắn liền với một điểm mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước - là một niềm tự hào lớn không chỉ với thủ đô mà còn vô cùng ý nghĩa với truyền thống của dân tộc. Vấn đề ở đây là trong số rất nhiều phiên bản “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn, việc xác định một bản với các kiểu chữ, cỡ chữ, hoạ tiết và nội dung sao cho đúng với lịch sử và phù hợp cả với thời thế là rất khó khăn.
Đối với hình ảnh đôi rồng thời Lý, nhóm thực hiện cũng gặp những khó khăn tương tự. Đôi rồng được chọn là đôi rồng cổ thời Lý, với bố cục nằm ngang, phần thân và phần đuôi sắp xếp theo thế “Long chầu”. Nhưng với mong muốn tạo được sự khác biệt trên tác phẩm của mình, nhóm thực hiện “Chiếu dời đô” đã tiếp nhận những góp ý của các giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là của viện Hán Nôm. Nhờ vậy, hình ảnh đôi rồng đã được “cải biến” thành đôi rồng có phần đầu ngẩng cao kiêu hãnh, tượng trưng cho niềm tự hào của những người dân Việt Nam về truyền thống lịch sử hào hùng với 1.000 năm xây dựng và phát triển.
Cứ mỗi lần nhận được góp ý xác đáng, sau khi bàn bạc, nghiên cứu, nhóm thực hiện “Chiếu dời đô” lại tỉ mỉ sửa lại từng lỗi nhỏ của tác phẩm. Mỗi lần sửa là mỗi lần ngừng lại và “nghe ngóng” các phản ứng và những nhận xét của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử của Hà Nội. Cứ như thế, lời khen và ý kiến đồng tình thì phát huy, lời chê và góp ý thì tiếp thu và sửa cho tới khi văn bản trên “Chiếu dời đô” hoàn thành.
“Chế” ngọc 3 năm đổi lấy niềm vui trọn vẹn
“Chiếu dời đô” là một vật quý, quý không chỉ bởi chất liệu làm ra nó, mà còn bởi sự tâm huyết, nhiệt tình chung sức chung lòng của nhiều cá nhân và tập thể. Ngay từ những ngày đầu, khi biết được kế hoạch xây dựng bản “Chiếu dời đô” và mục đích dành tặng cho thủ đô nhân ngày Đại lễ, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội đã nhiệt tình ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhóm thực hiện “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý có thể chế tác và hoàn thành đúng thời hạn. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp việc thực hiện “Chiếu dời đô” bằng ngọc được thành công.
“Chiếu dời đô” bằng ngọc sẽ được trưng bày trong sân Hoàng thành Thăng Long trong suốt 10 ngày Đại Lễ
“Chiếu dời đô” bằng ngọc sẽ được trưng bày trong sân Hoàng thành Thăng Long trong suốt 10 ngày Đại Lễ
Về kinh phí, có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, những người muốn đóng góp tấm lòng của mình tới đất nước nhân sự kiện “nghìn năm mới có một lần” cùng đóp góp và san sẻ. Trong quá trình chế tác, những nhà nghiên cứu, nghệ nhân… cũng sẵn sàng làm việc hết mình để có được kết quả tốt nhất cho tác phẩm. Chính sự tổng hoà của những nhân tố trên đã là động lực to lớn để nhóm thực hiện “Chiếu dời đô” bằng ngọc quý có được niềm vui trọn vẹn như ngày hôm nay.
Một viên ngọc có được xem là quý hay không, ngoài yếu tố chất liệu ra, còn phụ thuộc nhiều vào “cái duyên” của từng viên ngọc. Từ xưa đến nay, người ta hay dùng ngọc để ví von những vật quý giá, lời nói hay thì gọi là “nhả ngọc phun châu”, con sông quý thì gọi là “ngọc hà”, thân thể quý giá thì gọi là “ngọc thể”, toà thành quý thì gọi là “ngọc thành”, tất cả đều diễn tả được vai trò và sự trân trọng của con người với ngọc… Những người chơi ngọc, đã từng tiếp xúc với ngọc rồi dần dần thành say mê ngọc cũng chỉ vì “ngộ” ra được những điều đó.
Những người tìm hiểu về ngọc, thì ngoài loại ngọc, hình dáng và màu sắc thì mẫu vật phẩm sẽ chế tác trên viên ngọc đó là điểm quan trọng hàng đầu. Khi cầm trong tay một viên ngọc thô, người thợ chế tác sẽ xem xét và tìm hiểu kỹ càng về hình dáng, màu sắc và dáng của chúng, dựa vào đó để tìm thấy một “cái duyên” phù hợp.
Anh Lê Xuân Phương cùng nhóm thực hiện chính là những người đã tìm thấy được điểm giao thoa giữa “cái duyên” của viên ngọc Casêđôn 100 tấn và trang bản thảo “Chiếu dời đô”, bỏ ra 3 năm ròng rã tác hợp chúng trở thành một “mối nhân duyên” vô cùng ý nghĩa, góp mặt vào ngày Đại lễ của thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Thu Hương
(Báo Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét