Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Các kỷ lục Việt Nam mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long




Cặp áo dài có tên “Ngàn năm hội tụ” do nhà thiết kế Lan Hương (Hà Nội) lên bản vẽ, dưới 100 đôi bàn tay thêu khéo léo của thợ thêu làng nghề Quất Động, theo kỹ thuật thêu gia truyền của cố nghệ nhân Triệu Văn Mão. Cặp áo gồm áo nam thêu hình 1.000 rồng, áo nữ thêu hình 1.000 phượng, mỗi tà áo sau dài 10m, ngang 0,83m, được làm từ 200m lụa tơ tằm Vạn Phúc. Cặp áo dài được công nhận kỷ lục vào đêm 16/9 với danh hiệu "Cặp áo dài thêu rồng phượng nhiều nhất".
Hoa hậu Mai Phương Thúy mặc kiểu áo dài có thân áo được làm từ lãnh Mỹ A, thêu 9 rồng uốn lượn tuợng trưng cho 9 nhánh đồng bằng sông Cửu Long. 9 tà áo còn lại, mỗi tà dài hơn 100m, được làm từ lụa truyền thống và hiện đại của 3 miền đất nước: Vạn Phúc (Hà Nội), lụa Đà Nẵng, Lâm Đồng, Tân Châu (An Giang), Phước Thịnh (TP.HCM). Tổng chiều dài các tà áo cộng lại 1000m, đúng số năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ áo này được phong danh hiệu "Chiếc áo dài nhiều tà nhất" vào tối 4/10 tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP HCM.

Tác phẩm do anh Lê Minh Ngọc, người có gia đình gắn bó lâu đời với làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) thực hiện được trao danh hiệu "Lọ lộc bình bằng gốm Bát Tràng cao nhất". Lọ độc bình đã được làm trong 30 tháng và cuối năm 2009 hoàn thành bằng chất liệu cao lanh đất sét với nét màu cobalt truyền thống thể hiện họa tiết của cảnh chùa chiền, của cây tùng cổ thụ. Lọ cao 3,4m, đường kính thân lọ 0,98m, nặng 220kg.
Nếu lọ độc bình mang hoa văn họa tiết về cảnh chùa chiền, làng mạc, thì ở chiếc chóe men rạn, anh Lê Minh Ngọc lại khắc họa những tích chuyện thời xưa với hình ảnh vinh quy bái tổ của các sĩ tử. Tác phẩm này được tặng danh hiệu "Chiếc chóe men rạn lớn nhất". Chiếc chóe gồm hai bộ phận: thân và nắp chóe được các người thợ làng nghề làm theo dạng men rạn giả cổ. Kích thước của chiếc chóe cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg. Ngày 9/10, trong khuôn khổ chương trình Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng - cổ truyền và hiện đại”, lọc lộc bình và chóe men rạn chính thức được trao tặng kỷ lục Việt Nam.
Trong vòng 1 tháng bởi 60 nhân công đã thực hiện "Đèn kéo quân lớn nhất (phá kỷ lục Việt Nam)". Đèn cao 11m, đường kính đáy 9,6m, nặng 2,5 tấn, được Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố Thanh Hóa thực hiện trong dịp trung thu 2010 và hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời gian thực hiện đèn kéo quân Chiếc đèn kéo quân này phá kỷ lục đèn kéo quân thực hiện năm 2008, cao 7,5m, đường kính đáy 9,6m).
Đây là Cây sanh có thế "Cửu long tranh châu" trồng chậu có bệ, rễ cỏ với chu vi lớn nhất. Nhiều năm trước, sau khi mua cây, ông Bùi Quang Thái (Hà Nội) đã trồng trong chiếc chậu (dài 4,8m, rộng 3m, cao 0,5m) và chăm sóc, uốn nắn theo nghệ thuật bonsai, cây cảnh cổ. Đặc biệt, bộ rễ của cây gây ấn tượng với mọi người không chỉ lớn mà còn lắc lỉu với những hòn đá như được ôm dưới thân cây. Tính về chu vi bộ rễ đo được 9,1m, dài 3,7m, ngang 2m và cao 1,9m. Chiều cao bộ rễ 0,55m. Đến nay (9/2010), cây có chiều cao 3,2m, tính cả chậu chiều cao lên đến 3,7m. Theo kết quả giám định của bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội, xét theo mẫu vật lấy tại cành cây sanh này cho số tuổi khoảng 152 năm tuổi, như thế tuổi của cây còn phải hơn nữa.
Còn đây là Cây sanh có thế "Mộc thạch nghênh phong" trồng chậu lớn nhất. Cây sanh “Mộc thạch nghênh phong” của ông Thái cao 3m trồng trong một chiếc chậu có kích thước: dài 3m, rộng 2,2m, cao 0,5m. Nhưng chính bộ rễ ôm đá của cây mới thu hút cái nhìn của người xem, vì nó dài đến 2,15m, ngang 1m, cao 2,15m. Chu vi của cả bộ rễ ôm đá này lên đến 5,5m. Theo xác định của bộ môn Dược liệu, trường Đại học Dược Hà Nội, xét theo mẫu vật lấy tại cành nhánh của cây sanh này cho số tuổi khoảng 165 năm tuổi. Dự kiến hai cây sanh nói trên sẽ được công bố kỷ lục vào ngày 8/10 tại Festival cây cảnh toàn quốc ở Bảo tàng Hà Nội.
Kỷ lục Dàn trống đồng phục vụ đại hợp xướng "Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long" nhiều nhất. Đây là 100 trống đồng được đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn, mô phỏng hoa văn 4 loại trống đồng tiêu biểu được phát hiện ở Việt Nam, bản gốc lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: trống Ngọc Lũ (ký hiệu NL), trống Sông Đà (ký hiệu SĐ), trống Hoàng Hạ (ký hiệu HH), trống Quảng Xương (ký hiệu QX).
Mỗi trống có đường kính 60cm, cao 48cm, bằng chất liệu đồng đỏ nguyên chất. Thân trống khắc họa logo Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hình ảnh Khuê Văn Các và 2 rồng thời Lý, được 40 các nghệ nhân của Chi hội Bảo tồn và phục hồi nghề truyền thống Đông Sơn và Trung tâm phục hồi trống đồng và bảo tồn văn hóa Việt (trực thuộc Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh) thực hiện. Đại hợp xướng “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long” diễn ra khoảng 10 phút vào tối 10/10 trong đại lễ và ngày 17/10, trong lễ bàn giao trống đồng cho các tỉnh tại Thanh Hóa, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sẽ trao tặng giấy xác lập kỷ lục nói trên.
Các đầu bếp đang trong quá trình thực hiện thử "Chiếc phở cuốn dài nhất từ trước đến nay".
Một bạn trẻ ngắm "cụ rùa" bằng chả mực lớn nhất Việt Nam.
Làng nghề tò he Xuân La đã thực hiện tác phẩm mô phỏng rồng thời Lý dài hơn 2m, nặng khoảng 100kg, trưng bày tại lễ hội Làng nghề - phố nghề Thăng Long Hà Nội.
Chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ TP HCM tổ chức trận đấu bóng đá dành cho đại diện các doanh nghiệp vào ngày 10/10 tại Sân vận động quân khu 7, TP HCM. Trận thi đấu diễn ra trong 540 phút, bắt đầu từ 10 giờ sáng đến khoảng 22 giờ, chia thành 12 hiệp đấu, mỗi hiệp 45 phút, với sự tham gia của 1.000 cầu thủ chia làm 108 đội hình thi đấu. Trận đấu áp dụng đúng luật thi đấu do FIFA ban hành. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sẽ kiểm tra, giám sát và công bố kỷ lục "Trận đấu có số cầu thủ tham dự và tổng thời gian thi đấu nhiều nhất" khi trận cầu kết thúc.


Ảnh: Vietkings
(Vnexpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét