Tết Ất Mùi đã rất gần. Cụ dê bằng gỗ lũa Ngọc am (Hà Giang) thơm lừng cũng đã kịp về đến nơi để cùng với LT chuẩn bị đón mừng anh em ghé thăm, chúc tết ...
Ngọc am là một loài thực vật cổ xưa và quý giá, từng phát triển thành những cánh rừng nguyên sinh vĩ đại ở vùng núi phía bắc VN. Tuy nhiên, cách đây hàng triệu năm, những biến động địa chất khủng khiếp nào đó đã chôn vùi tất thảy, khiến chúng tuyệt chủng toàn bộ. Ngày nay, trên một số nơi của núi rừng Hà Giang người ta tìm thấy những khối gỗ lũa ngọc am chôn vùi sâu trong lòng đất. Loại gỗ này rất nặng, lại có chứa tinh dầu quý, được cho là có tác dụng xua đuổi xú khí, tà ma, mang lại sức khỏe, bình yên cho con người…
Tết Ất Mùi. Thế là cũng đã có chút cơ duyên để mang đến cho LT tác phẩm này để đón khách. Vui...
Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015
Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015
Chuyện bây giờ mới kể: NHỚ ĐỒNG - CHUYỆN VỀ CÂY ĐẲNG HÌNH CON TRÂU
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai…
(Trần Tế Xương)
Nhớ đồng…
Vào những năm 04, 05, khi còn công tác tại Đại Lộc, xa nhà nên những lúc rãnh rỗi tôi thường lặn lội nơi này, nơi kia để thăm viếng người thân hay săn tìm chuyện lạ cho vơi bớt thời gian trống trải. Trong một lần lang thang như thế trong vùng phụ cận thị trấn, tôi tình cờ phát hiện và để ý đến một gốc cây rất lạ, nằm ở góc sân nhà của một ông cụ (ông N, ở Khu 8, thị trấn). Tôi còn nhớ, đến thăm vườn nhà ông, khi ra về đến cổng ngõ, tôi đã có cảm giác kinh ngạc như vừa đi ngang qua một con vật có hình thù rất lạ đang nhìn mình chằm chằm. Dùng lại hỏi thăm ông cụ, tôi mới biết đây là một cây đẳng cổ thụ, già cỗi và đen sì có hình thù trông rất giống một con trâu mộng. Ông bảo, cây này ông mua về từ… một đống củi, khi còn đi lái xe chở thuê cho người dân ở vùng núi Đại Sơn quê tôi…
Bài viết được đăng trên Tập san Xuân Đại Lộc - 2015 |
…một con vật có hình thù rất lạ đang nhìn mình chằm chằm… |
Định tâm quan sát kỹ “con vật”, bất giác tôi rùng mình vì nó giống một con trâu đến kỳ lạ với đầy đủ các bộ phận như đầu, tai, sừng, mình, chân, đuôi... Mọi thứ đều có tỷ lệ khá cân đối hài hòa tạo nên hình tượng một con trâu vô cùng sống động. Chiều cao của cây khoảng 80 cm, dài 100 cm. Khối lượng cả cây và chậu (đường kính chậu 1,2 m) rất nặng, 4-5 người xê dịch không nổi, đến khoảng vài ba trăm ký. Vốn mê “của lạ”, tôi đặt vấn đề ngay sau câu chuyện với ông nhưng ông đã từ chối không bán. Ông bảo để nuôi cho nó lên cây xem thử thế nào đã…
Sau lần ấy, tôi quyết tâm theo đuổi chậu cây lạ này và có rất nhiều lần ghé lại để thuyết phục ông nhượng lại cho mình nhưng mọi chuyện đều không có ý nghĩa gì khi ông cứ một mực chối từ.
Bẳng đi thời gian khá lâu, cũng là lúc Dự án chỉnh trang đô thị tại thị trấn Ái Nghĩa được khởi động và đẩy nhanh tiến độ. Nhiều nhà, vườn ở Thị trấn nằm trong khu quy hoạch phải di dời để nhường chỗ cho khu đô thị mới đang được thi công… Và đó cũng là cơ duyên may mắn cho tôi để được sở hữu “con vật” quý khi ông cụ bất đắc dĩ phải đồng ý chuyển giao…
Nó thuộc loài cây đẳng, là loại cây sống nhiều ở vùng núi đồi Quảng Nam, thân gỗ, sức tái sinh mạnh, thường được người dân đốn về làm củi đun. Điều kỳ lạ hiếm thấy là các chi tiết đặc trưng của một con trâu trên cây đẳng này đều do chính lũ trâu, bò được người dân nuôi thả rông (trên đồi núi mà cây mọc) mài sừng, húc phá, dẫm đạp… lâu ngày mà thành. Khi nhận “bàn giao” từ ông N, tôi chỉ có công chỉnh sửa, chủ yếu là cắt bỏ các chi tiết thừa nhằm mục đích làm nỗi bật những nét đặc trưng chính của hình tượng con trâu mà thôi. Thế nên, nói một cách ví von nhưng không đến nỗi quá “lố” rằng tác phẩm này là do chính lũ trâu, bò thả rông tại Đại Lộc (quê tôi)… tự tạc tượng cho mình. Nhưng đây không phải là con trâu với hình ảnh đặc trưng, phổ biến trong các bức tranh xưa là đang gặm cỏ, cày ruộng, hay nằm nhai… Mà đây lại là hình tượng của một con trâu bằng cây rất sống động đang nghếch mõm, mơ màng nhìn về một cõi xa, như tiếc nuối một điều gì…
Tôi bổng nhớ mấy câu thơ chất chứa buồn của cụ Trần Tế Xương. Rằng,
Hàng nhiều chục năm trước, cụ Tú từng lên tiếng tiếc thương cho sự biến hóa của tự nhiên, sự bồi lấp của dòng sông yêu thương đã "nên đồng" và biến thành "nhà cửa", "ngô khoai", khiến ai cũng phải chạnh lòng thương tiếc.
Tiếc nuối điều gì, trâu ơi? Tôi mơ màng đi tìm câu trả lời cho… trâu. Và đây cũng là những cảm xúc chủ yếu khiến cho tôi - người có duyên may sở hữu con vật quý, sau này đặt tên cho tác phẩm là “Nhớ đồng”, để diễn đạt về một bài học nhân sinh đắc giá khi môi trường sống của con người đang ngày càng bị đe dọa, đến lũ trâu bò cũng không còn đất sống.
Ai cũng biết, báo chí, các nhà khoa học, các học giả tâm huyết cũng từng lên tiếng rất mạnh mẽ về nạn phá rừng, diệt ruộng nhưng mọi chuyện hầu như đều bị con người bỏ “ngoài tai” và điều gì phải xảy ta vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Người ta không chút chạnh lòng, đan tâm đào đất lấy vàng, chặt phá cây rừng, xâm hại ruộng đồng, đào bới dã man, đổ thải, để rồi biến những “bờ xôi, ruộng mật” thành những khu công nghiệp bỏ hoang, những bãi chứa chất thải, những vùng tử địa…
Tôi bổng nhớ mấy câu thơ chất chứa buồn của cụ Trần Tế Xương. Rằng,
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng cuốc bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...
(Sông Lấp)
Hàng nhiều chục năm trước, cụ Tú từng lên tiếng tiếc thương cho sự biến hóa của tự nhiên, sự bồi lấp của dòng sông yêu thương đã "nên đồng" và biến thành "nhà cửa", "ngô khoai", khiến ai cũng phải chạnh lòng thương tiếc.
Nhưng đó là sự biến đổi của tự nhiên, là quy luật của đất trời khó ai có thể ngăn cản. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác đi nhiều. Vì “cuộc sống” người ta không chỉ có đào sông lấp bể, mà đến ruộng đồng cũng bị phá nát, làm những trò đâu đâu… Chính con người đã và đang là kẻ từng ngày, từng giờ gây nên những thảm họa cho thiên nhiên để rồi phải trả những cái giá khá đắc. Ngẫm lại, cái sự tiếc thương vào hàng “kinh điển” đó của cụ Trần Tế Xương hẳn sẽ chẳng là gì nếu so với những đại họa mà chính con người đã tạo ra và tự mình phải gánh chịu từng ngày... Ngẫm mà thương cho lũ trâu đồng và cánh cò bay lã, vốn là cái thần để dệt nên những bức tranh quê yên ả, đã dần dần biến mất khỏi nông thôn Việt Nam trong cái thời đại mà người ta đã lấy một cái mẫu tự lạ lắc, lạ đế để đặt tên - Thời đại A-Còng (@)...
Bổng nhớ lời trong bài hát “À í a” của nhạc sỹ Lê Minh Sơn. Rằng,
“…Đàn trâu
Lững thửng qua cầu
Đất bán hết rồi
Đàn trâu về đâu?...”
Trâu ơi! Ruộng đồng bị họ bán hết, rồi chúng mày sẽ về đâu?...
…như một gã tình nhân đang yêu thương đắm đuối…
(Trong ảnh: Tác giả và cây đẳng Nhớ đồng) Hình như tôi suy diễn quá xa. Xin trở lại với con vật yêu của mình vậy... Trong suốt thời gian chăm bẵm “con trâu” đặc biệt này, nhất là sau khi hình ảnh của "Nhớ đồng" được tôi giới thiệu trên trang mạng cá nhân thì đã có nhiều người hỏi mua. Khi biết tôi không có ý định bán, họ đã tự đưa ra giá khá cao nhưng tôi vẫn từ chối. Trong đó, đáng nói nhất là một Việt Kiều ở Ca-li (Mỹ) gọi điện về khẩn thiết muốn mua nó với giá 30 ngàn đô-la, một món tiền khá lớn nếu so với thu nhập của tôi, nhưng tôi vẫn không thể nào bán. Bởi, từ khi “Nhớ đồng” ngạo nghễ áng ngữ đầu sân, nó thật sự trở thành một hình tượng không thể thiếu trong sân nhà. Mãi chăm sóc cho cây, cảm giác về một cây cảnh trong tôi đã tự nhiên biến mất tự khi nào, thay vào đó là sự tồn tại của một… con thú cưng mà tôi phải có trách nhiệm chăm chút hàng ngày. Mỗi chiều đi làm về hay trong những ngày nghỉ, dù nắng hay mưa, tôi gần như từ chối rất nhiều cuộc nhậu không cần thiết để dành thời gian tắm rữa, chăm sóc, ngắm nghía, chuyện trò với “con vật” yêu. Tôi thật sự đắm chìm trong niềm hạnh phúc vô biên như một gã tình nhân đang yêu đương đắm đuối… Nhưng ở đời, điều gì cũng có thể xảy ra. Mọi chuyện chắc hẵn sẽ rất suôn sẽ với những dự liệu tốt đẹp để tô thắm cho đời nếu như không có một ngày… Biến cố… Sau nhiều tháng cần mẫn chăm tỉa, đến lúc “Nhớ đồng” đã khẳng định được giá trị của mình, không chỉ trong lòng chủ nhân mà còn với nhiều người, dù chỉ nhìn thấy trong thoáng chốc. Tôi còn nhớ, nơi tôi ở lúc bấy giờ (khu An Hà -Nguyễn Văn Trỗi, Tam Kỳ) dân cư còn khá thưa thớt, có khá nhiều bãi cỏ trống người dân tận dụng để chăn thả trâu bò. Có một ông cụ cứ mỗi khi đưa trâu bò đi ăn là ghé nhà tôi chỉ để ngắm nhìn và chuyện trò về “con vật”. Ông bảo là “càng nhìn (ông) càng mê “con trâu” này…”. Ngoài ra, còn có rất nhiều vị thực khách của nhà hàng bên cạnh cũng thường xuyên ngắm nghía, hỏi chuyện, mỗi khi có dịp đến đây. Nhiều người trong số họ hỏi giá, có người còn tỏ ý muốn sở hữu… |
…thay cho chú cái chậu cho đàng hoàng… (Trong ảnh: Cây sau lần thay chậu) |
Nhiều người biết đến và tỏ lòng yêu mến “con vật”, càng thôi thúc tôi tìm cách để nâng giá trị cho tác phẩm. Ít nhất là phải thay cho chú cái chậu đàng hoàng. Sau đó, khi điều kiện mặt bằng cho phép, vẫn có thể tạo một tiểu cảnh hoành tráng cho cây…
Từ suy nghĩ đó, tôi phát họa một kế hoạch để từng bước nâng tầm giá trị cho tác phẩm. Khởi đầu cho công việc hệ trong này, tôi đã liên hệ đến một người quen chuyên làm chậu cao cấp ở tận Quảng Ngãi để đặt làm một cái chậu hình chữ nhật, đúc bằng chất liệu bê tông – đá mài rất công phu. Rồi, một ngày nọ, sau khi đưa được chậu về, tôi tiến hành tổ chức thay chậu cho cây.
Hôm đó là một ngày mưa bay rã rích. Giúp việc cho tôi là bốn người đàn ông được tôi cậy nhờ từ xóm dưới. Cả bốn người xúm lại, hợp lực để dời cây. Nhưng chừng như sức lực của bốn người đàn ông lực lưỡng thế kia, loay hoay mãi vẫn không tài nào tách rời được cây ra khỏi cái chậu bê tông, đường kính 1,2 mét. Họ hỏi ý kiến tôi. Không còn cách nào khác, tôi đồng ý lấy bớt đất trong chậu. Nhưng lấy đến hơn một nữa số đất mà cây vẫn không tài nào rời khỏi chậu cũ. Thế là bất đắc dĩ, tôi bảo họ cắt bỏ bớt rễ, để tháo đất…
Cây vào chậu mới càng xinh đẹp, quyến rũ và huyền bí hơn tôi tưởng. Tôi càng vui mừng, xem như mọi chuyện đã thành công tốt đẹp.
Nhưng có ai hiểu được chữ ngờ…
Tiết trời tháng 9 vẫn cứ mưa rơi rã rích. Cây lá vẫn xanh, nhưng đến cả tháng trời, cây đẳng vẫn chưa có thêm cái mầm non mới nào. Rồi, tôi bắt đầu nhận ra cây xủ lá, rụng dần, rồi… chết.
Trời ạ! Tôi không thể tin được là cây sẽ chết. Nhưng đến lúc tôi phải nhìn thẳng vào sự thật. Với kinh nghiệm nhiều năm, từng làm… chết nhiều cây sống, tôi hiểu khó có thể có một kết cục hay hơn cho cây, khi quan sát những dấu hiệu xấu sau vài tuần thay chậu. Nhưng “còn nước còn tát”, tôi vẫn nuôi hy vọng, dùng nhiều giải pháp để cứu cây và chờ đợi… vào một phép màu.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. “Phép màu” kia có thật sự đến hay không, không rõ và tôi phải tin rằng một biến cố nghiêm trọng đã xảy ra với cây và mình. “Nhớ đồng” vĩnh viễn chết khô sau một sự can thiệp thô bạo và dữ dội đó. Tôi đau buồn. Một nỗi đau đớn khôn nguôi, không thể chia sẻ cùng ai…
Một ngày nọ. Khi mọi chuyện đã an bày. Không thể để mãi một khối gỗ chết khô ngoài trời. Nhưng tôi cũng không đủ can đảm để vứt bỏ như đã từng cay đắng làm với nhiều trường hợp tương tự… Thế là tôi buộc lòng phải tách gỡ, lúc đó, “Nhớ đồng” đã là một khối gỗ khô nặng, hẳn ra khỏi cái chậu bê tông rồi mang nó vào, trịnh trọng đặt lên chiếc bàn thấp làm bệ cho nó đứng để giữ gìn, bảo quản lâu dài – Một khối gỗ lũa đã từng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, cay đắng, mặn nồng…
Từ khi đưa cây khỏi chậu, bày đặt trong nhà, đến nay thấm thoát đã gần 5 năm. Cũng chừng ấy thời gian, đọng mãi trong tôi những nỗi lòng trắc ẩn. Tôi không thể và chưa bao giờ nguôi ngoai một nỗi buồn thương, day dức về lỗi lầm đã phá vỡ một cơ hội hiếm có trong đời, đã từ chối hay chính xác hơn là làm hỏng một báu vật của Thế gian đã từng có ý dành tặng cho riêng mình. Ngày ngày ngắm nhìn những gì còn lại, cảm xúc về những kỷ niệm với Nhớ Đồng vẫn cứ mãi dâng trào trong tôi. Những lúc như thế, tôi lại nghe văng vẳng, xa xăm những câu thơ xưa của cụ Tú, bằng một giọng ngâm da diết đến não lòng…
Tam Kỳ, 12/2014
(Lê Thạnh/Comaihoa)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)