Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Nhận xét về: Viên đá của Thien Luu Van


Mr. Thien Luu Van, một nhà sưu tầm đá cảnh nghệ thuật có đưa lên trang FB cá nhân để giới thiệu một tác phẩm. Bổng dưng cao hứng, LT có đôi dòng cảm nhận về viên đá này...



Trong đá cảnh nghệ thuật, thường thì độ tương phản và sắc nét của các hoa văn càng cao càng có tác dụng nhấn mạnh chủ đề chính. Từ đó, có thể làm nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, nâng tầm giá trị của tác phẩm. 

Tuy nhiên, 
ở một số trường hợp cá biệt, hiếm hoi, tính tương phản và sắc nét lại chỉ nên và cần có ở mức độ vừa phải mà thôi. Viên đá này là một trong những trường hợp như thế. 

Chính độ tương phản, sắc nét ở mức vừa phải là yếu tố “đinh” tạo nên một xúc cảm vừa huyền bí, vừa lạ lẫm, lại vừa “sang”. Điều đó đã thật sự làm nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của viên đá này. 


Nhưng có lẽ viên đá chỉ trở thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh khi và chỉ khi nó có một chủ đề tư tưởng chính yếu, được tác giả công bố công khai. Tiếc là Mr. Thien Luu Van vẫn chưa (hoặc còn bí mật) công bố hướng khai thác cụ thể về chủ đề tư tưởng của tác phẩm của mình. Phải chăng ông muốn "để ngõ" về chủ đề. Và như thế, tác giả đã có ý nhường hẳn cái quyền sáng tạo sang cho người thưởng lãm…


Lê Thạnh
24/9/2013

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Trăng Trung thu/Hương Nguyệt quế.

Cây nguyệt quế duy nhất có trong vườn ra hoa đúng vào dịp Trung thu. Sẽ rất bất công nếu như bỏ qua sự kiện này. Vậy thì xin được đăng lên vài ảnh hoa để làm kỷ niệm...









Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Cây không khí – Những điều cần biết

Cây cối luôn là bạn đồng hành cùng với đời sống vật chất và tinh thần của con người. Khoa học ngày nay ghi nhận những lợi ích khác nhau của từng loài cây đối với cuộc sông con người. Tuy nhiên, loài cây vừa có hình dáng đẹp, giúp trang trí hoặc tạo nên những tác phẩm có giá trị, vừa có tác dụng lọc sạch bầu không khí, cải thiện môi trường, chỉ có thể là CÂY KHÔNG KHÍ (Tillandsia)…


Cây không khí là gì?
“Cây không khí” là tên gọi được “Việt hóa” theo tiếng Anh là “Air plant tree”. Loài cây này trên thế giới có tới hơn 600 loài cùng họ với nhau, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ có một số loại và được bán chủ yếu ở các vườn ươm cây cảnh với giá rẻ. Các chi của cây không khí Tillandsia được đặt theo tên của Carolus Linnaeus vào năm 1738 để tôn vinh nhà thực vật học đồng thời cũng là một bác sỹ người Phần Lan, Tiến sĩ Elias Erici Tillandz (1640-1693).

Cây không khí - Tillandsia có hình dáng bên ngoài gần giống cây dứa, sinh sống và phát triển chủ yếu ở vùng núi Trung và Nam Mỹ, là một loài cây thuộc họ sống ký sinh, không cần môi trường đất và có thể dốc ngược xuống vẫn phát triển bình thường. Rễ của cây không khí kém phát triển và chỉ có chức năng chủ yếu là bám chắc vào vật chủ mà chúng ký sinh. Chất dinh dưỡng được cây hấp thụ và tổng hợp thông qua lá.


 

 Tác dụng lọc không khí, cải thiện môi trường…Với hình thể và đặc tính sinh trưởng “lạ đời” như mô tả trên, cây được chọn làm làm cảnh, tạo nên những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt trên một số tác phẩm, Tuy nhiên, như tên gọi của nó, cây không khí còn có tác dụng làm sạch bầu không khí ô nhiễm và cải thiện môi trường sống. Thông qua không khí ẩm của môi trường, cây không khí tự tổng hợp lấy nước và chất dinh dưỡng để nuôi sống bản thân. Lá cây không khí dường như hấp thụ gần hết các chất khói bụi và chất gây ô nhiễm không khí ở độ ẩm từ 60%. Trong một nghiên cứu về thực vật của mình, nhà thực vật học Luigi Brighigna (trường đại học Florence) đã ươm và gieo trồng thử nghiệm cây không khí trong nửa năm trên một con đường vành đai thường xuyên bị ô nhiễm vì khói bụi và khí thải của Florence. Kết quả kiểm tra bất ngờ cho thấy cây không khí Tillandsia  đã có thể hấp thụ hầu hết các chất độc hại và khói bụi, giúp các nhà khoa học kiểm soát được sự ô nhiễm của con đường. Các nhà khoa học còn khẳng định nếu được trồng đại trà với số lượng lớn, cây không khí còn có thể làm sạch hoàn toàn và xoá đi sự ô nhiễm của môi trường mình sinh sống. Một trong số các chất độc hại gây ô nhiễm trong không khí mà cây Tillandsia có tác dụng hấp thụ hoàn toàn đó là hydrocarbon thơm đa vòng, tức là benzopyrenes, chất này đã bị các tổ chức y tế trên thế giới cáo buộc là gây ung thư và chúng được sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn của xăng và dầu diesel trong các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy…Theo phân tích trong 1 kg cây không khí có chứa khoảng 0.2 mg metabolizzandoli, chúng có tác dụng giữ lại, hấp thụ và chuyển hoá những chất độc hại trong không khí thành chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của chính cây. Thay vì phải bỏ ra một khoản tiền lớn mua các máy lọc không khí, bạn chỉ cần trồng một bức tường cây không khí Tillandsia, bạn sẽ không chỉ tiết kiệm cho mình một khoản tiền đáng kể mà lại tạo nên được cảnh quan đẹp cho không gian xung quanh. Vì thế, loài cây này được nhiều nước trên thế giới khuyến cáo trồng trong nhà, văn phòng làm việc và cả những nơi công cộng, đông người, phương tiên qua lại…Với đặc điểm như vậy mà cây không khí Tillandsia được sử dụng trồng trong nhà để thay cho rèm cửa, hơn nữa cây khi quang hợp còn thải ra ô-xy nên làm tăng thêm dưỡng khí và làm sạch không gian sống. Thật tuyệt vời khi có một tấm rèm cây sống động mà mình có thể sống chung hàng ngày trong nhà, quan sát được chúng phát triển từng ngày và chiêm ngưỡng chúng.

Hấp thụ những chất gây ô nhiễm…

Chất ô nhiễm chủ yếu mà cây không khí hấp thụ đó là PAHs, sinh ra trong quá trình đốt cháy không hết các nhiên liệu hoá thạch, gỗ, dầu mỡ, xăng… nói chung là từ những chất có nguồn gốc hữu cơ, từ chất thải sinh hoạt từ các thành phố, trong khói công nghiệp, khói thuốc lá cũng    như nấu nướng thịt hoặc cá hun khói, PAHs được biết là ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người và động vật gây ung thư, đột biến và quái thai, độc tính hiển nhiên đối với một số sinh vật dưới nước và các loài chim, ngộ độc mãn tính cao đời sống thuỷ sinh, ô nhiễm các loại cây trồng nông nghiệp.
Với những đặc điểm quý nêu trên, có thể khẳng định được tính thân thiện với đời sống hiện đại của con người của cây không khí và đây là loài cây đáng được phát triển ở mọi lúc, mọi nơi…

 

Lê Thạnh - Tổng hợp từ Internet.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Ba năm trưởng thành của cây linh sam thác đổ



Hơn 3 năm từ khi được cấp “thị thực” về vườn, Nàng Linh - Cây linh sam thác đổ này kém may mắn hơn những chị em khác trong vườn, chưa từng được giới thiệu một cách đầy đủ ngọn ngành với thiên hạ bao giờ. Bởi lẽ,  “em" chưa 1 lần được “để” hoa vì cây cứ mãi chạy theo cái tham vọng, "lạm cắt" của cái người tạo tác. 
Lần đầu trình hoa, vẫn chưa phải như mong đợi, vài tán chính đã bị cắt tỉa trước đó nên kém hoa, vài lỗi kỹ thuật trong tạo hình chưa kịp điều chỉnh, nhưng ngẩm lại cũng nên… công bằng với cây một chút, tôi quyết định mang cây ra giới thiệu.
Vào khoảng tháng 07/2010 Nàng Linh được giới thiệu trên “sàn”, với tư cách là một “bán thành phẩm” (ảnh 1, 2). Nhanh chóng lọt vào cặp mắt… đỏ của Nhà vườn Cổ Mai Hoa, thế là nghiễm nhiên nàng được đưa về vườn với bao nhiêu kỳ vọng. Đó cũng chính là cây linh sam đầu tiên xuất hiện trong vườn, sau một chuyến xe khách đường dài. Ba tháng sau, em được cắt tỉa, chỉnh trang, vào chậu với bao kỳ vọng… (ảnh 3,4,5)








Để chuẩn bị “ăn tết” Nhâm Thìn/2012, là cái tết đầu tiên sau dời nhà về địa chỉ mới (25, Cao Thắng, TK), em được thay áo (ảnh 6, 7). Rồi được mang đi trưng bày ở Hội Hoa Xuân 2013 (ảnh 8 ).


Và nay, lần đầu tiên trong đời, Nàng Linh cho mọi người thưởng thức màu hoa tím đậm đà yêu thương của mình. Dù chưa phải là hoàn hảo, chỉ có vài tàn rộ hoa thôi, nhưng thế này cũng đủ để người tạo tác được chút ấm lòng.








Nhìn lên...

Chụp xuống

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Hồng ngọc mai: Dễ thương dưới dáng bonsai ngược (Inversely bonsai)

Bonsai ngược/Inversely bonsai

Hôm nay hoa nở dễ thương. Điều đó khẳng định hướng đi mới đã thành công, ít nhất là với loài hồng ngọc. Không thể không chụp lưu lại vài ảnh để làm kỷ niệm. 

Nhưng rồi đây, với đà sinh trưởng tuyệt vời thế này, hy vọng cây sẽ còn nhiều hoa hơn, rồi trái chín đỏ mọng như những hạt ngọc hồng lung linh, sự thể hiện hẳn sẽ còn ấn tượng hơn.

Xin hãy chờ xem...















Đưa lên sân thượng, đón nắng mai...




Xem thêm: http://comaihoa.blogspot.com/2014/04/hong-ngocthang-tu.html

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Cây sung để bàn làm việc

Cách đây vài năm, thấy cây sung ở cơ quan (cũ) sây quả, tôi hái vài quả chín mọng rồi đem về ươm, mọc lên rất nhiêu cây con. Thời gian sau, khi cây con đã cứng cáp, tôi bứng đi trồng. Trong số đó, có một cây tôi ghép vào viên đá san hô, rồi “chôn” sâu vào chậu lớn để nuôi dưỡng…

Giờ đây đã bốn năm trôi qua, cây sung ôm đá dần dần thành thục và đã bắt đầu ra quả, tạo nên một bộ bonsai bám đá cũng hay hay. Có nhiều phương án để xử lý: tiểu cảnh, non bộ… nhưng tôi chỉ muốn để nguyên trong chậu cao, làm thế thác đỗ, để bàn làm việc.