Một chậu đu đủ cảnh được coi là đẹp chơi trong những ngày tết phải có đủ hoa, lá và quả. Quả có đủ 3 loại, non, già, chín và có thế dáng siêu. Làm thế nào để có được những chậu đu đủ cảnh như vậy?
1. Thời vụ: Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thời vụ trồng bắt đầu từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch. Thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán.
2. Giống trồng: Giống đu đủ lai F1 chuyên trồng làm cảnh: Cây lùn, lóng đốt ngắn, trồng cây nào có quả cây đó.
Vườn đu đủ cảnh của gia đình anh Đỗ Mạnh Hùng thôn Sở Đông, xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên). |
- Chậu: Dùng chậu sứ hoặc chậu xi măng chuyên dụng, kích thước: 90x40x40cm, lỗ thoát nước ở đáy, xung quanh.
- Đất trồng: Bao gồm hỗn hợp đất thịt ải, xỉ than tỷ lệ 3:1, ủ kỹ 12-15 ngày trước khi đưa vào chậu, 1m3 hỗn hợp này đủ cho 11-12 chậu trồng đu đủ cảnh. Yêu cầu, đất thịt ải phải là đất mới chưa qua gieo trồng bất cứ loại rau màu nào.
4. Ươm giâm bầu cây và trồng cây con lên chậu:
Trồng đu đủ cảnh nhất thiết phải trồng bằng cây con đã gieo ươm trong bầu; cần giâm lại cây giống ở nơi cao ráo, thoáng mát. Hàng ngày tưới nhẹ, bón thúc 1 lần sau giâm cây 2-3 ngày bằng super lân, liều lượng 100-150g super lân pha cho bình 8-12 lít nước, phun đều cho các bầu cây. Khoảng 12-15 ngày sau giâm có thể đưa cây trồng lên chậu.
Trồng cây lên chậu: Đưa hỗn hợp đất, xỉ than đã chuẩn bị trước đó đổ đầy cách miệng chậu 5-7cm. Bón lót mỗi chậu 0,5kg NPK (15-9-17+TE), và 0,2kg vôi bột. Nhấc nhẹ bầu cây, dùng dao sắc rạch nhẹ vừa đứt lớp vỏ bao bầu từ trên xuống đáy bầu nhưng không bóc bỏ vỏ bầu, để định hướng sự phát triển rễ cây trong chậu sau này. Trồng cây ngay ngắn trong chậu, phủ đất kín bầu, nén chặt nhẹ, tưới dưỡng ẩm hàng ngày. Đặt các chậu cây trong vườn so le nanh sấu cách nhau 2m x (1,5-1,7m).
4. Chăm sóc, uốn vít cây
Sau trồng cây lên chậu cần tưới ẩm ngày 1-2 lần, dùng rơm, rạ che phủ mặt chậu để hạn chế bốc thoát hơi nước và giữ ẩm cho cây. Định kỳ 15 ngày bón thúc phân hữu cơ, vô cơ và 30 ngày bón vôi bột, rắc trực tiếp lên mặt chậu xa gốc cây, các loại phân có thể dùng như: Phân gà, phân lợn, phân chim cút, phải ủ hoai mục, tốt nhất sử dụng bã thải từ hầm biogas hoặc bột ngô đỏ, đậu tương ủ với super lân cho lên men rồi bón. Liều lượng mỗi lần bón cho 1 gốc: 0,2kg vôi bột, 0,2kg NPK Đầu Trâu (15-9-17+TE) + 1-1,5 phân hữu cơ hoặc 0,5kg ngô, đậu tương, giai đoạn cây mang quả bón tăng lượng NPK lên 0,3kg.
Khoảng 25-30 ngày sau trồng, tiến hành uốn vít cây: Dùng dây mềm, chắc, to bản (2-3cm), không co dãn, buộc vít cây tại vị trí 3/4 thân (từ gốc), kéo ngả dần về hướng đã định, ghim cố định dây chặt xuống đất. Chú ý: Đu đủ là cây thân thảo, mềm, dễ gãy vỡ, nên cần uốn vít dần dần. Kéo vít như vậy sau khoảng 3 tháng cây đã đến độ nghiêng 30-35 độ so với mặt đất thì dừng lại, cố định chặt dây cho đến khi đưa chậu cây ra thị trường.
5. Phòng trừ sâu bệnh: Cây đu đủ cảnh thường bị một số sâu, bệnh hại chính như: Nhện đỏ, rệp sáp, bệnh khảm, xoăn lá do virus, có thể phòng trừ bằng một trong các loại thuốc BVTV: Danitol 10EC; Ortus 5EC, Nitac 5EC; Supracide, Suprathion...
6. Một số chú ý khác:
Cách khắc phục rễ đu đủ mọc luồn qua các lỗ thoát nước gây nứt vỡ chậu: Chọn mua hoặc đặt làm các chậu có lỗ thoát nước nhỏ dưới 2cm; Đặt một miếng ngói hoặc cục xỉ than lên lỗ chậu; Sau trồng 2-3 tháng, định kỳ 15-20 ngày xoay chậu 1 vài lần.
Nguyễn Hải Tiến
(theo Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét