Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

'Cần di chuyển hết cây xà cừ ra khỏi thành phố'


“Việc trồng cây xanh trong thành phố Hà Nội đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi lựa chọn giống cây”, GS. Nguyễn Lân Hùng chia sẻ trước thực trạng cây đổ chết người trong mùa mưa bão.

Tình trạng cây đổ sau mỗi trận mưa, bão đã diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ sau sự việc một cây xà cừ cổ thụ trên phố Lò Đúc bất ngờ đổ chiều 17/8 đã đè bẹp chiếc taxi của hãng Mai Linh và làm tài xế tử vong tại chỗ mới khiến nhiều người dân cũng như cơ quan chức năng bàng hoàng.
Tiếp đó, sáng 18/8, một cây phượng lâu năm bật gốc đè sập một mái nhà. Cũng theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh, Hà Nội có trên 200.000 cây xanh, thuộc 150 loài, đa số được trồng 30-40 năm trước đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Điển hình như xà cừ, hiện chiếm 28% (khoảng 56.000 cây) có bộ rễ chùm tốn đất, không đủ sự vững chắc. Vào mùa mưa bão, xà cừ rất dễ bị đổ. Vừa qua, sau mưa bão, địa bàn Hà Nội đã có khoảng 100 cây xanh bị gãy đổ do trận mưa trên, và phần lớn trong số này là các cây xà cừ cổ thụ.
Hàng loạt cây cổ thụ đổ ập trong bão số 5 vừa qua
Chính loại cây này đang là nỗi lo ngại của cả cơ quan chức năng và người dân. Không chỉ dễ đổ vì bộ rễ chùm, rễ của loại cây này còn thường xuyên mọc trồi lên mặt đất, làm cong, nứt mặt hè phố. Thực tế, khoảng vài năm trở lại đây, hầu như mỗi trận mưa lớn, trên đường phố của Thủ đô lại có cây cổ thụ bị đổ, hầu hết làcây xà cừ. Câu hỏi được dư luận quan tâm là tại sao cây xà cừ lại dễ đổ hơn những cây khác và nên chăng, cần có nghiên cứu mang tính khoa học, nghiêm túc về vấn đề này. Cần thiết, có thể trồng thay thế những cây xà cừ bị đổ bằng những loại cây khác có bộ rễ chắc chắn, bám sâu hơn vào đất.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư kí Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng: "Việc trồng cây xanh trong thành phố Hà Nội đang mắc sai lầm nghiêm trọng khi lựa chọn giống cây. Hiện nay, phần lớn trong thành phố trồng cây xà cừ, đây là một loại cây có rễ chùm rất dễ đổ khi có gió to, bão lớn".
GS. Nguyễn Lân Hùng cho rằng cần di chuyển hết cây xà cừ ra khỏi thành phố
GS Nguyễn Lân Hùng đưa ra ý kiến rằng, cần phải đưa cây xà cừ ra ngoài thành phố để tránh gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, cần thay thế bằng việc trồng cây sấu. Bởi vì cây sấu rễ cọc, xanh quanh năm. Ngay cả những cây như bàng, phượng đều rụng lá vào mùa đông, thân giòn nhưng riêng cây sấu có thân cứng, rễ cọc và chịu được những luồng gió lớn.
Đơn cử như tuyến phố Phan Đình Phùng, có rất nhiều cây sấu nhưng chưa bao giờ bị đổ. “Việc trồng cây trong thành phố phải có chọn lọc cho phù hợp và an toàn. Nên chọn những cây rễ cọc, lá cây xanh, thân cứng như cây sấu để trồng trong thành phố. Còn những loại cây rễ chùm như cây xà cừ rất dễ đổ sập và gây độn hè, độn đường thì cần thay thế”, GS Hùng chia sẻ.
Mặt khác, về phía Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty công viên cây xanh Hà Nội, thừa nhận: "Do mưa bão lớn nhiều ngày, cộng với gió xoáy mạnh trong cơn bão chiều 17/8 khiến hàng loạt cây lớn trên đường phố bị đổ. Phần lớn cây đổ là xà cừ, muồng, nguyên nhân do những loại cây có rễ chùm không chống chịu được mưa bão lớn, kéo dài".
Giám đốc Công ty TNHH Công viên Cây xanh Hà Nội lo ngại việc di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn và trồng mới cây xanh
Lãnh đạo công ty này cũng cho biết còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc trồng mới và di chuyển cây xanh trong TP Hà Nội. Hiện nay, hàng trăm cây xà cừ cổ thụ có kích thước rất lớn, khó di chuyển và đòi hỏi chi phí lớn nếu muốn chặt hạ. Riêng việc có nên thay thế bằng việc trồng cây sấu hay không, công ty sẽ xem xét và xin ý kiến tư vấn từ các cơ quan chức năng liên quan.
PHƯƠNG TUÂN – LÊ TÚ
Theo Infonet.vn

Cây "nuôi kiến" quái dị ở Việt Nam


Hình thức bên ngoài của loài cây này trông đã kỳ quặc, nhưng phần bên trong mới thật sự là rùng rợn.


Đó là một loài cây có tên gọi là cây ổ kiến, bí kỳ nam hoặc kỳ nam kiến, xuất hiện tại các khu rừng ở Tây Nguyên. Loài cây thường này sống bám trên các cây thân gỗ lớn, có thân phình thành củ lớn, mặt ngoài sần sùi, thoạt nhìn trông như một khối u dị dạng xuất hiện trên thân cây chủ.
Bổ dọc “khối u” đó ra, những người “dị ứng” với côn trùng hẳn sẽ phải bổ ngửa với cảnh tượng hàng vạn con kiến và ấu trùng kiến bò lúc nhúc trong những đường hấm uốn lượn chằng chịt. Cây ổ kiến này thực sự là một tổ kiến theo đúng nghĩa đen của nó.
Đây chính là một hình thức cộng sinh ít gặp gữa thực vật và côn trùng để tồn tại trong thiên nhiên. Trong mối quan hệ, cây cung cấp một “pháo đài” trú ẩn và nước cho kiến, trong khi kiến tha mùn và thải phân làm nguồn nuôi dưỡng cây, cũng như bảo vệ cây trước sự đe doạ của những vị khách không mời.
Dưới đây là một số hình ảnh tổng hợp về loài cây ổ kiến lạ lùng:
 
Nhìn kĩ bề mặt khối u, có thể thấy các cửa hang, là lối ra vào tổ của các chú kiến.
 
Bổ dọc thân cây, những đường hầm xuất hiện chằng chịt với hàng vạn con kiến và ấu trùng.
 
Đây là mối quan hệ cộng sinh được hình thành sau quá trình tiến hoá lâu dài trong giới tự nhiên.
 
Trong mối quan hệ này, cây là nơi trú ẩn an toàn cho kiến, trong khi kiến tha mùn, thải phân làm nguồn nuôi dưỡng cây và bảo vệ cây trước sự xâm nhập của các loại côn trùng có hại.
 
Từ khi còn non, cây ổ kiến đã có phần thân phình to. Tuy nhiên, lúc này chúng chưa “bắt tay” với loài kiến mà chỉ sống nhờ dưỡng chất trên cây chủ.
 
Khi lớn lên, nguôn dinh dưỡng ngày càng cạn kiệt, trong thân cây dân dần kình thành các lổ hang, đồng thời tiết ra những chất quyến rũ loài kiến đến làm tổ. Cuộc cộng sinh giữa kiến và cây bắt đầu từ lúc đó.
 
Từ nhiều thế hệ, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã dùng cây ổ kiến như một vị thuốc chữa nhiều loại bệnh khác nhau.
 
Do số lượng ngày càng ít, hiện nay cây ổ kiến đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.
 
Trên phương diện quốc tế, đây là một loài cây được giới sưu tầm cây cảnh ưa chuộng vì dáng vẻ kỳ lạ của mình.
 Theo Đất Việt

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Cây sanh “khủng” làm điên đảo giới chơi cây cảnh


(VOV) - Theo đánh giá của giới đại gia cây cảnh, đây là cây sanh có dáng “mâm xôi con gà” tự nhiên đẹp bậc nhất Việt Nam.



Thời gian gần đây không chỉ người dân ở tại vùng quê Tân Kỳ - Nghệ An xôn xao trước thông tin về việc phát hiện cây sanh cổ thụ có hình dáng “mâm xôi con gà”, mà thông tin về cây sanh này đang làm “điên đảo” giới đại gia săn cây cảnh ở Việt Nam.
Để có mục sở thị về cây sanh này, PV đã vượt hơn 120km từ TP Vinh (Nghệ An) tìm về xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An để tận mắt ghi lại cận cảnh về cây sanh đại cổ thụ “có một không hai” này.
Từ trung tâm xã Giai Xuân, để tiếp cận được nơi cây sanh, chúng tôi còn phải vượt quảng đường 10km gập ghềnh bằng xe máy, rồi tiếp tục vượt qua hai con suối để đến được địa bàn xóm Kẻ Mui nơi cây sanh này đứng sừng sững.
Cây sanh đứng sừng sững một mình bên cạnh dòng khe Đáu nước chảy trong veo mát lạnh, bao quanh là cánh đồng mía và sắn của bà con nơi đây.
Cây sanh “mâm xôi con gà”

Chiêm ngưỡng cây sanh đẹp nhất Việt Nam
Vẻ đẹp mê hồn của cây sanh này chính là sự tự nhiên: Toàn bộ phần rễ chính của cây sanh ôm trọn trên 2 khối đá khổng lồ (một khối đá hình chữ nhật, một khối đá hình thoi).
Khối đá to hình chữ nhật nằm phía dưới có chiều dài khoảng 7m, rộng 5m, cao 3m. Còn hòn đá nhỏ hình thoi phía trên có chiều cao khoảng 3m. Riêng hòn đá to phía dưới bị tách nứt làm đôi, một bộ phận rễ của cây sanh đi theo đường nứt này cắm xuống đất.
Xung quanh 2 khối đá này là 4 rễ phụ từ trên cao cắm xuyên xuống lòng đất tựa hệt như 4 chân của một con vật đứng vững chãi, tán lá rộng khoảng 500m2.
Nhìn kỹ phần gốc của cây sanh từ hai tảng đá sẽ thấy tựa hệt như phiên bản của “mâm xôi con gà” khi hòn đá to phía bên dưới là mâm xôi, còn hòn đá nhỏ nằm trên hòn đá to là con gà.
Các phần rễ bám quanh hòn đá như cái chân gà, khi thân chính của cây lại là phần đầu của con gà đang ngóc lên. Nếu như phần gốc là biểu tượng của mâm xôi con gà thì phía trên ngọn của cây lại có hình con rồng uốn lượn nhiều vòng, nhiều thế khác nhau được tạo thành bởi hàng chục cành cây bện xoắn với nhau đẹp đến mê hồn.
Ông Nguyễn Hữu Triển - Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết: “Nếu nói tuổi đời của cây sanh này là bao nhiêu thì người dân địa phương nơi đây không ai biết. Từ bao đời nay, ai lớn lên cũng đã thấy cây sanh này rồi”.
Thời gian gần đây, thông tin về cây sanh tuyệt đẹp này lan truyền, có nhiều giới đại gia cây cảnh khắp cả nước tìm về xem. Có nhiều đại gia đánh giá đây là cây sanh tự nhiên có dáng “mâm xôi con gà” lớn nhất từ trước tới nay.
Cây sanh có giá trị phải lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí nhiều người còn rỉ tai nhau cây sanh này là một tài sản vô giá mà không thể định ra mức tiền bao nhiêu cho vừa.
Ông Trần Văn Hoàn, một tay “sành” chơi cây cảnh ở TP Vinh (Nghệ An) đánh giá: “Tôi đã đi nhiều nơi, xem nhiều cây cảnh nhưng chưa thấy cây cảnh nào đẹp như cây sanh này. Nếu so với cây sanh “mâm xôi con gà” của ông Nguyễn Trung Thành ở tỉnh Phú Thọ với trị giá hơn 100 tỷ đồng đã nổi tiếng trên báo chí thì phải gọi cây này bằng “cụ”.  Không thể có một cây cảnh nào sánh nổi vẻ đẹp tự nhiên tuyệt tác của cây sanh ở xã Giai Xuân. Đây mới đúng là cây sanh “mâm xôi con gà” có tuổi đời hàng nghìn năm tuổi mà tự nhiên ban tặng”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Việt (xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân) là hộ dân có khu đất có cây sanh và cũng là người trực tiếp bảo vệ cho biết: “Năm trước có người đến phá, chặt cây sanh mất mấy phần rễ và nhánh, may mắn là tôi đã phát hiện kịp thời để ngăn chặn. Hiện nay cây sanh đang được canh giữ cẩn thận”./.

Cây Thiên tuế chùa Vân Sơn – Côn Đảo


Tháng 7 vừa qua, tôi có dịp về thăm Côn Đảo, với rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Tại khuôn viên chùa Vân Sơn, ngôi chùa trên đỉnh đồi cao, giữa bốn bề biển cả và cây rừng, xuất hiện cây Thiên tuế này. Điều đặc biệt là cây Thiên tuế đang ra quả. Lần đầu tiêu tôi nhìn thấy một cây thiên tuế ra quả như thế này:




Chùa Vân Sơn - Côn Đảo