Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Chuyện lạ về thực vật

   Nhiều người vẫn tin rằng bất động, vô hại, im lặng... là những thuộc tính của cây cối trong tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn khác. 



(Ảnh minh họa)

Thực vật “buôn dưa lê” với nhau?
Có khi nào bạn nghe thấy cây cối "nói chuyện" không? Chắc chắn là không, ngay cả khi bạn đi giữa rừng cây. Tuy nhiên, các nhà thực vật học lại cho rằng cây cối giao tiếp và kêu cứu đồng loại theo cách riêng của chúng mà thường xuyên nhất là trong trường hợp báo động có nguy hiểm.
Chẳng hạn, sau khi bị sâu bọ tấn công, cây cà chua "ngấm ngầm" báo cho họ hàng biết bằng cách giải phóng 1 số phân tử mùi vào không khí. Bức thông điệp này được các nhà thực vật học xác định là có mùi của thảm cỏ mới bị xén. Ngay sau khi nhận được cảnh báo trên, các cây hàng xóm chuẩn bị đối phó với sự tấn công của những kẻ phá hoại bằng cách dùi mài vũ khí hóa học của chúng. 
Vùng thảo nguyên Nam Phi, các cây keo khi bị những chú koudou (loài động vật họ hàng với linh dương) tấn công sẽ lập tức cảnh báo cho các cây xung quanh bằng bức thông điệp khí. "Tiếng kêu cứu" này giúp cho các cây khác tìm cách bảo vệ lá của chúng bằng cách tập trung toàn bộ chất tanin có vị chua chát lên lá. Đây là cách phòng thủ hữu hiệu để đẩy lùi những kẻ thù ăn lá.
Cây di chuyển
Bạn cho rằng cây cối thì không thể đi từ nơi này đến nơi khác? Không đúng, có ít nhất 1 loài có khả năng này, đó là cây đước. Tại vùng nhiệt đới, chúng mọc vắt qua những cửa sông không khác gì loài chim cao cẳng. Rễ cây đước rất lạ, mọc ra từ những nhánh cây, có thể dài đến 25m, bắt giữ khí oxy trong không khí trước khi cắm vào bùn để lấy nước.
Cây càng lớn lên, những nhánh thấp (nhánh nhiều tuổi nhất) càng mọc rễ nhiều. Dưới sức nặng của bản thân và dưới tác động của gió hay thủy triều, các nhánh này sẽ nứt ra khỏi thân. Không được tiếp nhựa sống từ thân cây, cũng không cần vì bản thân, chúng có thể tiếp được sức sống trực tiếp từ lòng đất nhờ vào những chiếc rễ riêng. Do bị tổn thương, phần ngoài cùng của nhánh cây cũng sẽ chết, mặc dù trước đó cũng đã kịp tách ra hoàn toàn khỏi thân và tạo thành phần nhánh mới, sống độc lập như cây đước sinh ra từ hạt.
Nhưng khác với cây chính, cây này có thể chuyển động. Trong suốt thời gian tăng trưởng, nó tạo ra những rễ mới hướng về trước, bất chấp phần phía sau chết đi và tự hủy. Trong vòng 1 năm, cây mới này "đi" được 1 khoảng cách khó tin đối với 1 vật thể được cho là bất động: 2 - 5cm. Nó chỉ dừng lại nếu bị 1 cây khác cản đường hay tách quá xa khỏi bờ biển (lúc này đáy biển quá sâu).
Cây sát thủ
Với bộ rễ cắm chắc vào lòng đất, thân to, nhánh hướng thẳng lên trời, loài cây này dường như vô hại. Nhưng không ai nghĩ rằng chúng đang giấu trong mình những "vũ khí độc". Tại vùng nhiệt đới, cây sung được xem là "kẻ chuyên bóp cổ" loài cây khác.
Tất cả bắt đầu bằng việc con chim nào đó nhấm nháp 1 quả sung mọng nước. Hạt sung di chuyển đến hệ tiêu hóa chim. Do quá cứng nên hạt sung được thải ra nguyên vẹn trong phân chim. Bất hạnh cho loài cây nào nhận được món quà độc hại trời cho này. Vì nếu phân chim rơi xuống và kẹt trong chạc cây, hạt sung sẽ nảy mầm. Từ đây, cây chủ bắt đầu lo lắng. Đầu tiên cây sung nhỏ đâm rễ thẳng vào thân cây chủ. Dần dà những rễ khác mọc thêm, bao bọc và quấn chặt lấy cây đã hậu đãi tiếp đón chúng.
Cây càng mọc lên cao thì càng cần nước, nhưng do thân cây đã bị sung trói chặt không thể to ra. Vì thế lượng nước dẫn từ rễ lên lá không đủ. Thiếu nước, cây chết khát và "qua đời".
Nó phân huỷ hoàn toàn trong 1 - 2 năm. Tàn tích duy nhất của cuộc chiến âm thầm này là chiếc bóng của nạn nhân. Nó hiện diện dưới dạng 1 khoảng rỗng giữa những chiếc rễ sung sát thủ. Theo thời gian, rễ sung phát triển tạo thành 1 thân cây thay thế.
Nhớ dai như... thực vật
Nếu bạn "hành hạ" chúng, chúng sẽ nhớ mãi những gì bạn làm. Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu của các nhà thực vật học người Pháp. Họ sử dụng những chiếc kim châm thật nhiều lên thân cây bident (loại thực vật ăn thịt nhiệt đới). Sau những hành vi “tàn bạo” như vậy, các nhà nghiên cứu còn tiếp tục bẻ cong thân hình chúng. Sau đó, họ đã an ủi chúng bằng cách bón thêm chút muối khoáng và chất dinh dưỡng để chúng chống chọi tốt hơn với những "vết thương" trên mình.
Một thời gian sau, "vết thương" đã hoàn toàn bình phục. Nhưng chúng không quên những vết kim châm kia. Bằng chứng là chúng "không thèm tăng trưởng"... Theo các nhà nghiên cứu, cây bident không phải là trường hợp ngoại lệ mà còn có rất nhiều loại thực vật khác đã "không thèm lớn" nếu bị đối xử không tốt.
(Theo Haiduongdost)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét