Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Chữa đau khớp gối “cực” hiệu nghiệm bằng mẹo dân gian


Khi thời tiết thay đổi là nổi ám ảnh của người bị bệnh khớp, các khớp xương bị tổn thương sẽ nở ra hoặc co lại khi thời tiết chuyển mùa khiến cho triệu chứng viêm, đau nhức sẽ được dịp hành hạ người bệnh.
Các bệnh liên quan tới xương khớp nhất là khớp gối gây cho người mắc phải sự khó chịu, đau đớn trong sinh hoạt và vận động, các cơn đau có thể giảm đi nhanh chóng bằng chế phẩm thuốc tây tuy nhiên lại gây ra tác dụng phụ và tổn thương xương khớp nếu sử dụng lâu dài.
Do đó các bài thuốc dân gian lại là sự lựa chọn của nhiều người vì thảo dược dễ tìm ngay trong các loại thực phẩm ở các bữa ăn hằng ngày nhưng lại mang lại kết quả giảm đau bất ngờ. Tôi Yêu Sức Khỏe sẽ hướng dẫn cho bạn một vài mẹo dân gian để chữa đau khớp gối cực kỳ hiệu quả.

Mẹo chữa đau khớp gối với nghệ và phèn chua
Dùng chày giã nát nghệ và phèn chua có sẵn trong cối, dùng vải bó lại hỗn hợp đã giã ngay vị trí khớp gối bị sưng.

Mẹo chữa đau khớp gối với nghệ và phèn chua 


Mẹo chữa đau khớp gối với muối hột và lá đu đủ
Cần chuẩn bị muối hột và 1 lá đu đủ tươi.  Cho vào chảo khoảng nửa nắm tay muối hột, rang cho đến nóng rồi túm lại bằng miếng vải sạch. Lá đu đủ tươi lót lên vùng khớp gối sưng đau, rồi cho túm vải có chứa muối hột lên phía trên. Thực hiện vài lần trong ngày sẽ cho kết quả giảm đau hiệu quả.
  
 Mẹo chữa đau khớp gối với muối hột và lá đu đủ

Mẹo chữa đau khớp gối với giấm và hạt cải bẹ trắng
Đem hòa vào giấm hạt cải bẹ trắng đã giã nát, bóp hỗn hợp này 3 lần trong ngày sẽ cho kết quả giảm đau nhanh chóng nếu kiêng trì áp dụng thường xuyên.
Mẹo này khá hiệu quả với người cao tuổi.

Mẹo chữa đau khớp gối với cỏ hôi và cỏ lông trắng
Giã với muối hai loại cỏ hôi và cỏ lông trắng, đem bó vào đầu gối hỗn hợp sau khi giã, để nguyên qua đêm, bó liên tục trong vòng 3 đêm.

 Mẹo chữa đau khớp gối với cỏ hôi và cỏ lông trắng

Mẹo chữa đau khớp gối với lá mướp hương
Lá mướp hương cũng có tác dụng giảm đau, sưng trong căn bệnh thấp khớp gối. Dùng vài lá mướp hương giã chung với muối hột, bóp hỗn hợp sau khi giã lên đầu gối liên tục trong 1 tuần, mỗi ngày làm 2 lần.

 Mẹo chữa đau khớp gối với lá mướp hương

Ngoài việc áp dụng các mẹo trên người bệnh nên áp kết hợp vớ hai bài tập dưới đây, tuy nhiên bài tập này chỉ áp dụng cho người chưa từng giải phẫu xương.
Xoay đầu gối trong ngoài
Trong tư thế chuẩn bị hai chân giang rộng bằng vai. Hai tay chống lên đầu gối, hơi cúi người, sau đó xoay đầu gối từ trong ra ngoài và xoay theo chiều ngược lại. Mỗi lần tập nên xoay 10-15 vòng mỗi chiều.

Xoay đầu gối trái phải
Đứng thẳng người, chân chụm lại, cúi người dùng hai tay để trên đầu gối, xoay vòng cả hai gối từ trái sang phải và ngược lại, mỗi vòng lặp lại từ 10-15 lần.
Đúng theo phương châm của ông bà ta “có bệnh thì vái tứ phương”, bạn hãy thử áp dụng các mẹo nhỏ từ dân gian trên  bài viết: "Chữa đau khớp gối “cực” hiệu nghiệm bằng mẹo dân gian" của chúng tôi để làm giảm các cơn đau nhức, sưng tấy của căn bệnh khớp.
Chúc bạn mau khỏi bệnh.


Theo Tôi yêu sức khỏe
http://www.toiyeusuckhoe.vn/chua-dau-khop-goi-cuc-hieu-nghiem-bang-meo-dan-gian.html

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

HẬU DUỆ HOÀNG DIỆU

Tấm gương trung liệt của cụ Hoàng Diệu - Tổng đốc Hà Ninh, đã cùng quân, dân Hà Nội quyết tử giữ thành khi giặc Pháp tấn công, cách đây khoảng 128 năm trước (1882) được khắc ghi trong lịch sử nước nhà và người đời truyền tụng, ngợi ca: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện. Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm” (Tôn Thất Thuyết). Nhưng, có thể nói rằng, rất ít người biết chuyện hậu duệ cụ Hoàng Diệu - những người học rộng, tài cao, đóng góp công sức rất lớn cho sự phát triển của đất nước, quê hương...


* Địa linh sinh nhân kiệt

Tộc Hoàng (Huỳnh) là một trong số dòng tộc có nhiều người nổi tiếng học cao, hiểu rộng; văn hay, chữ tốt của làng Xuân Đài, một trong số các ngôi làng trù phú trên đất Gò Nổi (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Có một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại về sự hình thành nên vùng đất Gò Nổi nằm giữa dòng Thu Bồn, con sông khởi nguồn từ đỉnh núi mẹ Ngok Linh trong dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Chuyện đã được người Gò Nổi truyền miệng qua nhiều thế hệ. Rằng, xưa kia có một con cá kình to lớn từ biển Đông lội vào cửa Đại Chiêm rồi ngược dòng sông Thu Bồn lên thượng nguồn. Khi lội tới đây, cá kình kiệt sức nằm lại và hóa nên Gò Nổi (gồm 3 xã: Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang). Địa linh sinh nhân kiệt nên đất này có lắm người tài giỏi; nhất là các ngôi làng nằm ở vùng bụng cá kình như: Xuân Đài, Bảo An...

Các cụ già cao niên nhất còn nói với tôi rằng, trong các gia phả tộc họ ở xã Điện Quang, còn ghi rõ: Vào thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1991 – 1725), mảnh đất đầu Gò Nổi này có 4 ngôi làng: Phi Phú, Ân Phú, Xuân Châu và An Phú, phong cảnh hữu tình, giao thông đường thủy về cửa Đại Chiêm thuận lợi; do vậy lúc có ý định dựng kinh đô ở phía Nam, Chúa Nguyễn Phúc Chu “ngắm nghía” đất này và đã cho các thầy địa lý đến tìm hiểu phong thủy. Tuy nhiên, việc lập kinh đô bất thành, vì các thầy địa lý bẩm báo với Chúa Nguyễn rằng, đất ở đây “không chưn” (đất đào lên lấp lại không đầy), không thể xây dựng cung điện, đền đài. Cho nên, sau khi từ bỏ ý định lập kinh đô tại đây, Chúa Nguyễn đã cho gom hai làng Phi Phú và Ân Phú để hình thành làng có tên mới là Bến Đền; đổi tên làng An Phú thành Bảo An; làng Xuân Châu thành Xuân Đài...

Chuyện huyền thoại về vùng đất, chuyện truyền miệng trong dân gian là thế; còn sự thật thì các làng ở vùng đất Gò Nổi, đặc biệt một số ngôi làng như: Xuân Đài, Bảo An... từ bao đời nay đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng hào kiệt, nhân sĩ, trí thức. Làng Xuân Đài có hai vị tướng quân “sanh vi tướng, tử vi thần”, được thờ phụng trong đình làng, hằng năm được dân làng cúng giỗ trọng vọng; đó là cụ Đoàn Ngọc Tài, Đô đốc thân tướng của Trần Quang Diệu, đã tuẫn tiết khi bị Nguyễn Ánh vây thành và cụ Hoàng Diệu, Tổng đốc Hà Ninh, quyết tử với Hà thành khi giặc Pháp tấn công. Người làng Xuân Đài vẫn luôn nhắc nhở nhau về tấm gương trung dũng, tiết liệt của các cụ, thậm chí khắc thành đối liễn treo trước bàn thờ trong đình làng: “Uy danh như Đoàn Đô đốc. Tiết liệt như Hoàng Tướng công”...

Còn riêng với họ Hoàng của làng Xuân Đài, chỉ kể từ đời cụ Hoàng Diệu về sau người tài giỏi không hiếm... Theo lời các bậc trưởng lão, họ Hoàng ở làng Xuân Đài có gốc từ Hải Dương, khoảng 400 năm trước Thủy Tổ họ Hoàng vào đây lập nghiệp và đã truyền 14, 15 thế hệ. Cùng với nhiều dòng tộc khác sinh cơ lập nghiệp trên đất Gò Nổi, họ Hoàng làng Xuân Đài “xứng danh” là dòng tộc hiếu học. Chỉ tính gia đình cụ Hoàng Văn Cự (bố cụ Hoàng Diệu), có 7 người con, trong đó một người học giỏi, song bị bệnh mất sớm; còn lại 6 người đều đỗ đạt thành tài: 1 phó bảng, 3 cử nhân và 2 tú tài. Rồi từ đời cụ Hoàng Diệu về sau, con, cháu có rất nhiều người nối gót cha, ông học hành đỗ đạt thành danh, làm rạng rỡ tông môn. Điều ấy, trong Sách Quốc Sử quán triều Nguyễn cũng ghi chép rành rành: “Quảng Nam là vùng đất học, có số lượng người thi đỗ nhiều nhất so với các tỉnh phía Nam đèo Hải Vân. Có trên 20 gia đình liệt vào hàng thế khoa (nhiều người đỗ); tiêu biểu có họ Hoàng làng Xuân Đài, cha con, anh em, bác, chú, cháu đều thi đỗ...”.

* Trung, hiếu vẹn toàn...

Đất Gò Nổi có truyền thống lâu đời về nghề tằm tang, canh cửi. Những ngày Giêng, Hai, đi dọc biền dâu xanh ngát nằm của vùng đất Gò Nổi bên dòng Thu Bồn, tôi chợt nhớ chuyện bà mẹ cụ Hoàng Diệu với chiếc roi dâu gửi cho con để dạy con làm quan, làm người... Chuyện rằng, khi làm quan ở kinh đô Huế, cụ Hoàng Diệu được vua ban cho sâm, nhung, gấm, lụa... bèn gửi về biếu mẹ già ở quê. Bà mẹ nhận được quà chẳng những không vui mà còn gói số quà đó cùng cây roi dâu gửi lại cho cụ Hoàng Diệu. Thì ra, bà mẹ nghĩ những đồ vật quí giá kia là của đút lót, biếu xén cho “quan”; nên gửi trả cho cụ Hoàng Diệu kèm cây roi dâu quê nhà, cốt hàm ý răn dạy con về đạo làm người phải biết trung, hiếu vẹn toàn, làm quan phải thanh liêm, chính trực... Ấy là bà mẹ nghĩ oan cho người con trai, chứ thực tế thì con người của cụ Hoàng Diệu trung, hiếu vẹn toàn. Thậm chí, với cụ thì thờ vua cho trọn đạo cũng là giữ chữ hiếu với cha, mẹ: “Không trung với vua sao gọi hiếu, dám đâu để tủi đến mẹ già”...

Và, dường như những người con họ Hoàng của làng Xuân Đài đều lấy chữ “Hiếu” làm trọng, nên họ xem chữ “Hiếu” hơn cả công danh, sự nghiệp. Ví như em trai cụ Hoàng Diệu là cụ Hoàng Văn Bảng học giỏi thi đỗ tú tài, cử nhân rồi ra làm quan Án sát sứ nhiều tỉnh như: Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh... Đến khi cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết với Hà thành, cụ Bảng bèn cáo lão về quê phụng dưỡng mẹ già. Đến các đời con, cháu, chắt cụ Hoàng Diệu, cụ Hoàng Văn Bảng cũng vậy. Rất nhiều người vì muốn làm tròn hiếu đạo với cha, mẹ mà sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường...

Trên cuộc hành trình tìm kiếm hậu duệ cụ Hoàng Diệu, tôi đã biết được nhiều chuyện thú vị. Đó là chuyện cụ Hoàng Diệu kết làm sui gia với cụ Phạm Phú Thứ, một trong số đại thần triều nhà Nguyễn có quan điểm canh tân đất nước trong những năm cuối thế kỷ 19. Cụ Phạm Phú Thứ cũng là người con Gò Nổi, ở làng Đông Bàn (xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam). Cụ Phạm gã con gái là bà Phạm Thị Xuân Nga làm vợ con trai đầu cụ Hoàng Diệu là ông Hoàng Tuấn. Nối gót cha, ông Hoàng Tuấn thông minh, siêng học, văn chương lỗi lạc, năm 25 thi đỗ tú tài ra làm quan, đến năm Thành Thái 12, ông hồi hương phụng dưỡng mẹ già. Năm Duy Tân thứ 8, ông đã được triều đình thăng thọ Hàn Lâm Viện Thị Độc... Ông Hoàng Tuấn lại làm sui với cụ Lê Đình Đỉnh, ở làng Na Kham, Tổng đốc Hà Nội sau cụ Hoàng Diệu, gã con gái là bà Hoàng Thị Tuất làm vợ Lê Đình Dương, con trai cụ Đỉnh. Mà Lê Đình Dương không ai xa lạ, là bạn học của ông Hoàng Văn Kiểm là con trai đầu ông Hòang Tuấn, cháu đích tôn cụ Hoàng Diệu. Năm 1915, Lê Đình Dương thi đỗ Y sĩ Đông Dương, song ông tham gia Quang Phục Hội theo vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp nên bị Pháp bắt kết án tù 20 năm khổ sai, đày lên Buôn Mê Thuột và mất tại nhà lao sau 3 năm bị giam. Còn ông Hoàng Văn Kiểm, học cùng lớp với Lê Đình Dương ở Quốc học Huế, học giỏi, thông thạo chữ nho, chữ Pháp, lẫn chữ Quốc ngữ... Nhưng, ông Kiểm đã không theo chuyện học hành tới cùng như Lê Đình Dương, mà khi biết ở quê nhà cha, mẹ già thiếu người chăm sóc, ông đã xếp bút nghiên về quê để làm tròn bổn phận người con hiếu thảo, lo chuyện từ đường...

Nhắc đến ông Kiểm, người dân Gò Nổi và bờ Bắc sông Thu Bồn đều xem ông như một nhà cách tân kinh tế trong vùng. Hỏi ra mới biết, hồi đó vùng này không có thủy lợi nên mùa màng bà con nông dân thất bát. Ông Kiểm bỏ tiền túi ra mua máy bơm nước hiệu Thụy Điển mang về làng, sáng lập Công ty Thủy lợi Hòa Hưng, be bờ, đắp đập tưới nước cho các cánh đồng; giúp đỡ dân nghèo...

Em trai ông Hoàng Tuấn là ông Hoàng Hiệp, cũng là ấm sinh, tinh thông văn học, am tường tướng số, địa lý. Tuy bỏ đường quan lộ, theo nghề nông tang nuôi dưỡng mẹ già, song ông Hiệp cũng là người yêu nước, giao du với nhiều chí sĩ, lãnh trách nhiệm kinh tài cho phong trào Nghĩa hội...

* Rạng danh con, cháu họ Hoàng

Nhiều cụ già ở làng Xuân Đài ngày nay vẫn còn nhắc chuyện ông Hoàng Phò đả hổ. ông Hoàng Phò là con trai thứ của cụ Hoàng Diệu cùng tuổi với Bác sĩ, Cư sĩ Phật giáo Lê Đình Thám (em trai liệt sĩ, Y sĩ Lê Đình Dương), học Quốc học Huế ra Hà Nội thi và tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Mesdecin Indochinois) loại ưu năm 1917. Ông Hoàng Phò giết cọp trừ hại cho dân vào những năm ông đang là Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Tôi thầm nghĩ, một y sĩ chỉ quen nghề khám bệnh, cho thuốc, vậy mà đã dũng cảm đi giết được cọp dữ cứu dân, đúng là chuyện đáng lưu truyền hậu thế. Nhiều cụ ông, cụ bà của làng Xuân Đài tôi gặp, họ đều khẳng định rằng, hồi đó trong làng có lưu giữ những bài báo cùng với tấm ảnh ông Phò ngồi trên mình cọp sau khi đã bắn hạ nó. Chỉ tiếc rằng, chiến tranh giặc giã cày nát đất này nên những bài báo về ông Phò cũng thất lạc từ lâu...

Nhưng, mọi người vẫn không quên câu chuyện ông Hoàng Phò đả hổ. Thì ra, sau khi tốt nghiệp Y sĩ Đông dương, ông Phò được bố trí làm việc tại nhà thương Huế một thời gian, sau đó được điều vào làm Giám đốc Y tế tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời điểm ấy, có một con cọp dữ thường xuống làng Mỹ Khê gần núi Thiên Ấn bắt heo, người... Để trừ họa cho dân, ông Phò hăng hái xung phong cùng một Tây đồn tên là Rémy đi bắn cọp. Trong chuyến đi săn, Tây đồn bị cọp vồ nát bắp chân; ông Phò cũng bị cọp quật ngã làm rơi súng, song ông vẫn bình tĩnh nhặt súng bắn hạ gục nó. Cũng từ đó danh tiếng ông Phò “đả hổ” lan khắp vùng, cộng thêm tay nghề cao, tính tình khẳng khái, liêm chính nên ông được đông đảo nhân dân mến mộ... Điều đáng nói ở đây, tuy học nghề thuốc của người phương Tây, song ông Phò rất ghét bọn thực dân cướp nước, vì thế mà ông không được người Pháp ưu dùng. Làm việc ở Quảng Ngãi không bao lâu, họ chuyển ông Phò lên vùng cao nguyên, nơi có công trường thi công đường sắt răng cưa Tua Chàm – Đà Lạt, ở đây bệnh dịch tả, sốt rét đang hoành hành. Ấy thế, ông Phò vẫn lạc quan, làm việc giúp dân hết mình; đồng thời nghiên cứu thành công cách chữa trị các căn bệnh tả, sốt rét. Nghiên cứu này của ông Phò đã trở thành tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh lúc bấy giờ...

Nếu như cụ Hoàng Diệu thông minh, hiếu học; 19 tuổi thi đỗ cử nhân, 25 tuổi đậu phó bảng ra làm quan thanh liêm, chính trực, vì nước, vì dân... thì lớp con, cháu cụ cũng không phụ lòng người đi trước. Trong gia phả họ Hoàng làng Xuân Đài còn ghi rõ, đời kế cụ Hoàng Diệu, họ Hoàng có 6 người thi đỗ cử nhân, tú tài; trong số đó có ông Hoàng Tuấn là con trai cụ Hoàng Diệu. Khi người Pháp đô hộ nước ta chuyển từ việc học chữ nho, sang chữ Quốc ngữ, chữ Pháp; cũng đã có 25 người họ Hoàng làng Xuân Đài thi đỗ Diplôme, tú tài Pháp, làm kỹ sư, giáo sư, dược sĩ, y sĩ... Đó là đời thứ 8 họ Hoàng, tính từ đời thứ 10 trở đi số lượng người học hành giỏi giang, đỗ đạt thành tài, mỗi đời phải xấp xỉ con số hàng trăm...

Thế hệ thứ 10 của họ Hoàng làng Xuân Đài có ông Hoàng Hân, gọi cụ Hoàng Diệu bằng cố nội, chỉ trong năm 1932 đã học và thi đỗ 3 bằng: Brevet Élesmentaire, Brevet d’Enseignement và bằng Diplôme. Những người con ông Hoàng Kỵ (ông Kỵ là con ông Hoàng Văn Bảng; gọi cụ Hoàng Diệu bằng bác ruột), có 7 người đỗ đạt thì trong đó 5 người sau là giáo sư đại học. Ông Kỵ đã từng làm quan nhà Nguyễn thời vua Duy Tân, Khải Định, được thăng chức Thị Giảng học sĩ. Còn những người con xuất chúng của ông Kỵ hẳn ai cũng biết, đó là các giáo sư đại học: Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Qúy (Vật Lý), Hoàng Kiệt (Mỹ Thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (Toán học). Nhắc đến Giáo sư Hoàng Tụy thì không ai không thán phục. Ông đã có trên 100 công trình nghiên cứu về toán học được công bố trên các tạp chí toán học quốc tế; là người sáng lập ra Hội Toán học Việt Nam... cùng với các giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm góp phần xây dựng nền toán học nước nhà phát triển như ngày nay. Nhiều nhà toán học lừng danh trên thế giới đều có hứng thú đối với “thuật toán” của Giáo sư Hoàng Tụy, còn gọi là “lát cắt Tụy” và những phương pháp để giải quyết bài toán cựu tiểu lõm. Các phương pháp này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của một chuyên ngành mới là tối ưu toàn cục... Năm 1996, Giáo sư Hoàng Tụy là một trong những nhà khoa học đầu tiên của nước ta được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh…
     Ngày xuân, thắp hương thơm viếng mộ cụ Hoàng Diệu trên cánh đồng làng Xuân Đài, băng qua những biền dâu xanh ngát bên cầu Kỳ Lam, tôi được nghe các cụ già “làm tằm ăn cơm đứng” kể về ông Hoàng Nam, cháu nội án sát Hoàng Văn Bảng (em ruột cụ Hoàng Diệu), là người đã canh tân và phát triển ngành dệt tại làng Xuân Đài vào những năm 1936-1937. Thời ấy mà ông Hoàng Nam đã “dám nghĩ, dám làm” tậu cả khung dệt máy ngoại về, dùng nguyên liệu tơ tằm địa phương dệt nên hàng lãnh Nam Vang và dệt Tusso. Sản phẩm dệt của ông Nam làm ra rất tinh xảo chẳng những bán khắp trong Nam, ngoài Bắc, mà còn sang cả thị trường Lào, Cao Miên...
   Chợt nghĩ rằng, dù theo nghề nông tang, hoặc đường quan lộ, những người con họ Hoàng của làng Xuân Đài cũng đã góp công rất lớn để hình thành nên một đội ngũ đông đảo danh nhân, chí sĩ của xứ Quảng và vùng đất Gò Nổi “địa linh nhân kiệt”. Và, thế hệ con, cháu của họ Hoàng cũng đã học hành đỗ đạt thành tài, cống hiến cho quê hương, đất nước, không phụ công ơn sinh thành của bậc tiền nhân và tấm gương trung liệt của cụ Hoàng Diệu thuở trước...

LONG VÂN - Tạp chí Văn nghệ Đà Nẵng

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Phụ nữ nhìn kiểu gì cũng... đẹp!


Có người nhìn đằng trước đẹp. Có người nhìn đằng sau đẹp. Có người lại phải lùi ra thật xa, thậm chí phải nhắm tịt cả hai mắt lại thì ta mới "nhìn" thấy được vẻ đẹp của họ.

Nhiều lúc, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, giả sử trên thế giới này không có phụ nữ thì sao? Sẽ chẳng ra làm sao cả. Đàn ông sẽ thành hùm beo và trái đất thì hoang lạnh vì không có sự sống.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà đàn ông trên cả hành tinh này đều sùng kính phụ nữ. Họ dồn hết chị em về một phe, và đặt tên là Phái Đẹp.
Quả thật, phụ nữ rất đẹp. Tôi cũng đã đi nhiều, tiếp xúc cũng nhiều. Nhưng tôi chưa thấy một người phụ nữ nào xấu.
Tất nhiên, vẻ đẹp của họ cũng phụ thuộc một phần vào mắt người ngắm. Có người nhìn đằng trước đẹp. Có người nhìn đằng sau đẹp. Có người lại phải lùi ra thật xa, thậm chí phải nhắm tịt cả hai mắt lại thì ta mới "nhìn" thấy được vẻ đẹp của họ.

Chính họ đã góp phần cân bằng sinh thái trái đất. Và trong mỗi gia đình, họ như cái điều hoà nhiệt độ. Tất nhiên, điều khiển cái điều hoà đặc biệt này, tốt nhất nên là đàn ông, là chính đức ông chồng, chứ để lão hàng xóm điều khiển thì nguy hiểm lắm.
Tuy nhiên, điều khiển thế nào lại là cả một nghệ thuật tinh xảo. Tôi sẽ bàn vào một dịp khác.
Tôi nghĩ rằng, giới mày râu chúng ta có thể tính cách khác nhau, đời sống khác nhau, số phận cũng khác nhau. Nhưng chúng ta vẫn có một điểm chung: Đều là con của hai bà mẹ. Một bà mẹ đẻ ra ta, vất vả vì ta, và một bà mẹ chẳng có họ hàng gì với ta cả. Đó chính là bà mẹ vợ.
Trong hai bà mẹ ấy, xem ra bà mẹ vợ lại thiệt thòi hơn. Người phát hiện ra điều này chính là nhà văn Thanh Tịnh. Bác Thanh Tịnh luôn có những nhận xét rất hóm hỉnh và bất ngờ.
Có lần, tôi mời bác đi ăn phở. Bác bảo: “Thôi, tớ già rồi, còn ăn gì nữa!”. Tôi rất ngạc nhiên. Phở là món ăn thông dụng, cổ truyền, dành cho tất cả mọi người, chứ đâu có cấm các cụ già. Bác Tịnh bảo: “Đi ra ngoài, tớ buồn lắm. Cậu cứ nhìn kia kìa. Trẻ con đi từng đàn. Trai gái đi từng đôi. Còn người già đi từng chiếc một”.
Rồi bác hỏi: “Vào quán phở, tớ đố cậu, nhìn những người ăn, làm sao có thể biết được mối quan hệ của họ. Ai là vợ chồng? Ai là bồ bịch? Ai đang yêu nhau?”. Tôi bảo: “Phải nhìn vào mắt họ!”.
“Cậu đúng là thằng dở hơi. Nếu cần ngắm nhau thì ngắm ở chỗ khác. Ai lại đưa nhau vào quán phở mà ngắm – Bác Tịnh cười. Rồi bác giảng giải – Muốn biết chính xác mối quan hệ của họ, phải nhìn lúc họ trả tiền. Đàn ông trả tiền thì dứt khoát họ là bồ bịch hoặc đang yêu. Đàn bà trả tiền thì chắc chắn vợ chồng. Hai bên tranh nhau trả thì chỉ là bạn bè thôi!”.
Rồi bác bảo: “Con gái mình hoá ra là con người ta cậu ạ. Đến lúc nó lấy chồng thì mình mất con. Đến lúc nó có con thì mình mất nốt vợ. Vì lúc ấy, vợ mình lại phải chăm nuôi cháu ngoại. Cháu bà nội, tội bà ngoại”.
Quả đúng là như vậy. Mới hay, bà mẹ vợ khổ thật. Cả một đời ki cóp, bòn nhặt, rồi xây đắp hai chục năm, thậm chí hơn hai mươi năm ròng mới xong được một công trình vĩ đại. Đó chính là toà nhan sắc - Cô con gái rượu của mình.
Tôi có cảm giác bà cụ phải lọc từ bao nhiêu ánh trăng non để làm nên màu da trắng mịn, mát mẻ của cô con gái, phải chắt từ hàng triệu sắc hoa mới tạo thành làn môi tơ nõn của con gái. Rồi lại phải lấy cả tuổi thanh xuân của mình để chuốt nên sự duyên dáng, hấp dẫn và vẻ đẹp huyền bí của của con.
Bao nhiêu là công nênh. Vậy rồi đùng cái, một thằng cha ất ơ, lạ hoắc, chẳng có họ hàng, quen biết gì với mình, thế rồi nó đến, nó rước đi mất. Kèm theo cô con gái, còn thêm bao nhiêu “phụ tùng” đi theo: Xe máy, vòng bạc, nhẫn vàng. Có khi còn có cả ô tô, nhà lầu....
Một đống của nả! Ối giời đất ơi! Rõ thật là mở cửa rước trộm vào nhà!. Đúng là một vụ mất trộm ngoạn mục. Mà thằng trộm này lạ lắm. Pháp luật ủng hộ. Công an vỗ tay hoan hô. Bà mẹ còn sung sướng âm ỉ vì mình đã lo được cho con vu quy trọn vẹn. Thực ra, đấy là vụ mất trộm tưng bừng và ngoạn mục. Đã thiệt đơn lại thiệt kép.

TG: Trần Đăng Khoa (nhà thơ)

Nguồn : Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Cảnh báo ‘Hơi thở của quỷ’ đã xuất hiện tại Việt Nam?

Một cuốn phim tài liệu vừa tiết lộ về loại thuốc đáng sợ nhất thế giới được gọi là “Hơi thở của quỷ”. Bọn tội phạm thường dùng chúng để thôi miên nhằm trộm cắp, hãm hiếp… 

Loại thuốc nguy hiểm nhất thế giới Loại thuốc có tên Scopolamine hay còn gọi là ‘Hơi thở của quỷ” có nguồn gốc từ cây Borrachero, loại cây dại mọc phổ biến ở Bogota, Colombia. Trong tự nhiên, loại cây này tự sản sinh và phát tán chất Scopolamine. Các bà mẹ nơi đây thường dặn con phải cẩn thận với những bông hoa màu vàng và trắng rất đẹp của loại cây này bởi phấn hoa có khả năng gây ra “những giấc mơ kì lạ”. Chiết xuất từ hạt Borrachero không màu, không mùi và không vị không chỉ tạo ra “những giấc mơ kì lạ”. Đặc tính dễ tan trong nước, những tên tội phạm dùng chất này cho vào thức ăn, nước uống của nạn nhân.
Hãng tin Reuters cho biết, nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức và trở nên ngoan ngoãn nghe lời, về nhà lấy hết của cải hay đến ngân hàng rút sạch tiền để đưa cho những tên tội phạm. Đặc biệt, những người phụ nữ bị bỏ thuốc “hơi thở của quỷ” trong nhiều ngày, bị hãm hiếp và bán vào nhà chứa. Anh Ryan Duffy, phóng viên của hãng tin VICE đã đến Bogota, Colombia làm một phóng sự mang tên “Loại thuốc đáng sợ nhất thế giới”. Đoạn phóng sự dài 35 phút của anh được đăng trải trên Youtube vào hôm 11-5 đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Tiến sỹ Stephen M.Pittel, nhà tâm lý học pháp y và cũng là người tiên phong nghiên cứu về văn hóa thuốc ở San Francisco có viết: “các báo cáo hàng ngày cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc… ở Mỹ và Canada có liên quan đến thuốc Burundanga, một dạng khác của Scopalamine vốn được sử dụng trong nhiều thập kỉ qua ở Columbia trong các nghi lễ bản địa”. Tiến sỹ cho biết thêm: “Thông thường, những tên tội phạm bí mật bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Nạn nhân đưa toàn bộ trang sức, tiền, chìa khóa xe, thậm chí còn rút cả tiền ngân hàng để đưa cho chúng. Khi tỉnh lại họ mới nhận ra đã mất đồ và hoàn toàn không kẻ đó là ai”. Đó là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo đối với du khách, cẩn thận với “những tên tội phạm ở Colombia sử dụng thuốc vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch”. Chỉ một lượng nhỏ thuốc là có thể “sai khiến” được nạn nhân trong khi lượng lớn hơn có thể gây bất tỉnh ngay lập tức và gây mất trí nhớ. Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đưa ra lời khuyên cho du khách đến các vùng nông thôn Colombia. Theo đó, du khách phải cẩn thận, tránh đến các quán bar một mình, cẩn thận với nước uống và đồ ăn nơi đây. Ngay cả trên website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng có lời cảnh báo khách du lịch đến Colombia “cẩn thận với chất Scopolamine, thường được gọi là Burundanga khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay qua đường hô hấp”. Thuốc thường được những tên trộm và bắt cóc dùng trong các quán rượu địa phương. Colombia cũng nổi tiếng là đất nước có tỉ lệ bắt cóc cao nhất thế giới. Hạt của loại cây Borrachero dùng để chiết xuất ra “hơi thở của quỷ”. Những vụ lừa đảo ở Việt Nam có phải bị thôi miên? Tại Việt Nam, mấy năm gần đây cũng có rất nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức. Điển hình như vụ chiếm đoạt tài sản của ông Hồ Đức Phúc, 42 tuổi, trú tại thôn Đăk Hòa I, xã Đăk Hòa, huyện Đăk. Hôm đó, tại cửa hàng thu mua nông sản của ông, có hai người nước ngoài đi ô tô đến mua 2kg ca phê. Họ bằng nói tiếng Việt bập bõm. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền mua hàng, ông Phúc thấy đau đầu, chóng mặt cũng ngay lúc đó một kẻ đề nghị ông Phúc đổi tiền nước ngoài sang tiền Việt để dễ giao dịch. Ông Phúc đồng ý mở két sắt lấy tiền và đưa tiền cho hai người trên nhưng không nhận lại tiền do hai khách đưa và không nhớ được loại tiền người nước ngoài định đổi là tiền nước nào, mệnh giá bao nhiêu. Khi giao dịch xong hai người đàn ông lên xe nhanh chóng bỏ đi. Ông Phúc vào nhà nghỉ vẫn cầm chìa khoá két sắt. Đến 17h cùng ngày, vợ ông Phúc kiểm tra lại, phát hiện bị mất 34 triệu đồng. Anh Đỗ Văn Đông (cụm 5, xã Ngọc Tảo, Phúc Thọ) không khỏi tiếc nuối số tiền gần chục triệu đồng bị chiếm đoạt một cách dễ dàng. Được biết anh Đông đang chở hàng trên QL 32 thì một chiếc taxi chạy sát lại, trên xe có 3 người, cả tài xế lẫn khách đều là người nước ngoài. Một người da đen cao lớn mở cửa, chào hỏi, bắt tay anh bằng tiếng Việt rồi đưa tấm bản đồ hỏi đường đi Lào Cai. Anh Đông đã chỉ đường một cách tận tình. Người khách này lại hỏi thăm địa chỉ quán ăn gần đó rồi rút ra tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, nhờ đổi lấy 2 tờ 50.000 đồng. Anh cũng không hiểu vì sao lại sẵn sàng lôi cả bọc tiền 20 triệu đồng ra đưa cho vị khách nước ngoài. Khi chiếc xe mất hút, anh Đông mới choàng tỉnh, vội kiểm tra bọc tiền thì đã bị lấy mất đi một nửa. Qua các vụ phạm tội trên cũng chưa có kết luận cuối cùng về khả năng đối tượng có thể dùng biện pháp thôi miên để trộm cắp tài sản hay không. Trong trên thực tế có rất nhiều vụ phạm tội mà đối tượng vì một cách nào đó đã khiến nạn nhân nghe theo mọi lời đề nghị để đưa tiền cho chúng. Hiện nay cũng có nhiều người bị mắc lừa với thủ đoạn như sau: các đối tượng thường vô tình gặp nạn nhân (thường là phụ nữ, những người già) rồi vờ nói ra bệnh tật hoặc một nhược điểm trên khuôn mặt của họ kiểu như bị mộng mắt, bị nám da… rồi mách thuốc chữa… Hoặc nhiều đối tượng còn đến các cửa hàng kinh doanh nói có mối hàng giá rẻ, rồi lòng vòng dùng các trò “ảo thuật”… Và không hiểu với các chiêu thức lừa tinh vi đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh, đánh vào lòng tham của nạn nhân hay là dùng các biện pháp thôi miên mà nhiều người đã nghe theo sự dẫn dụ của đối tượng tháo tất tật đồ trang sức đeo trên người, thậm chí còn về tận nhà mở tủ đưa tiền cho chúng… “Hơi thở của quỷ” giống với một loại hoa dại ở Đà Lạt? Gần đây, nhiều nhà vườn Đà Lạt bỗng bất ngờ khi các giống hoa loa kèn mà họ vẫn thường xuyên chăm trồng từ trước đến nay lại được mang danh là “Hơi thở của quỷ”; với tên khoa học là “Araceae” hay “cây Chân bê”, là cây ưa nắng, mọc thành bụi và có thể gây ngộ độc nếu ăn phải, hoặc gây hại nếu dính vào mắt… Trong các loại loa kèn hiện đang phổ biến ở Đà Lạt, trừ các giống loa kèn đang trồng kinh tế trong các nhà vườn, loại hoa được cho là giống với Borrachero của Colombia là hoa loa kèn hoang dại mọc ở Đà Lạt. Đây là loại cây thân mềm, chiều cao thân cây tối đa khoảng 5m, hoa có chiều dài trung bình 25cm, mùi thơm nhẹ, lá có vị đắng và lợ, hình thức giống lá thuốc lá. Điều đặc biệt, tất cả các bông hoa khi nở đều cắm đầu xuống đất, y hệt Borrachero. Trong cuốn sách “Cây cỏ Việt Nam” của tác giả Phạm Hoàng Hộ (quyển 2), xuất bản năm 2003 viết về cây hoa loa kèn Đà Lạt là cây Brugmansia suaveolens (Wild) như sau: Tiểu mộc, vạm vỡ, cao đến 4 – 5m; cành trăng trắng. Lá có phiến dạng như lá thuốc lá, to, dài 15 – 20cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2 – 3cm. Hoa thòng, trắng, to, dài đến 30cm; đài là ống suông có 5 răng, có lông; vành hình kèn; nhụy đực gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; quả không gai; hột dẹp, to 1cm. Trồng nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp, gốc Trung Mỹ. Lá chứa nhiều alcaloid, in vitro, chống siêu khuẩn measles. So sánh cây Borrachero ở Colombia và cây người Đà Lạt thường gọi là hoa hoa kèn rất giống nhau. Tuy nhiên tên Borrachero có thể chỉ là tên gọi địa phương tại Colombia nên chưa dám khẳng định cây Borrochero ở Colombia và cây hoa loa kèn dại ở Đà Lạt có phải là một hay không. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học đã khẳng định cây Borrochero ở Colombia và cây hoa loa kèn tại Đà Lạt là cùng thuộc họ Cà Solanaceae và cùng chi. Để có thể đưa ra một kết luận chính xác rất cần nhiều cuộc nghiên cứu cả trong và ngoài nước. 

Theo Tiền Phong

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

BỘ BÀN GHẾ GIẢ GỖ ĐỂ SÂN VƯỜN


Trong vườn cây cảnh, ngoài những thứ cần thiết khác, có một bộ bàn ghế ngồi cho hữu tình để ta thư giãn sau lúc chăm sóc cây cối, hoặc để tiếp bạn chơi cây cũng rất thú vị. 

Gần chục năm vẫn gần như nguyên vẹn
Chú em tôi (1) làm nghề đúc chậu cao cấp phục vụ cho nhà vườn chuyên nghiệp. Sản phẩm của chú là các loại chậu cảnh cao cấp, chậu giả cổ, giả gỗ, non bộ v.v... Trong số các loại sản phẩm đó, ngoài các loại chậu lớn cho mai cổ thụ ra, tôi thích nhất là bộ bàn ghế giả gỗ đặt sân vườn. Cách đây mấy năm, chú trang bị cho tôi một bộ để sân. Ai đến chơi cũng rất ngạc nhiên về độ tinh xảo và bền của nó vì khá nhiều năm rồi chúng vẫn còn gần như nguyên vẹn. Điều thú vị đặc biệt là trông nó rất giống gỗ thật, thâm chí giống hơn cả... gỗ, đễn nỗi nhiều người đến chơi hỏi tôi rằng "bộ bàn này làm bằng gỗ gì mà đẹp thế". Tôi thường đùa rằng "Gỗ... bông tê" (bê tông)...

Thấy nhiều người thích thú về sản phẩm này, mấy năm trước tôi đã giới thiệu, chia sẻ lên một trang mạng cây cảnh. Đến nay bài viết đó vẫn còn. Thế mà đã gần chục năm rồi, thỉnh thoảng vẫn còn có nhiều người gọi điện đến hỏi mua. Và như thế, tôi đã trở thành kẻ "môi giới" bất đắc dĩ và miễn phí cho chú em tự khi nào... 

Xét cho cùng, chỉ với vài triệu bạc cho một bộ bàn ghế sân vườn đẹp và bền như thế này, thiển nghĩ giới chơi cây nghèo như anh em ta cũng rất nên để tâm lưu ý... 

Tam Kỳ, 03/2015
Lê Thạnh/Comaihoa

______________________

(1): Nghệ nhân tạo hình Thanh Tiên, 
Địa chỉ: KP Phương Hòa, Phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam



Ghế: Không cái nào giống cái nào.

Mặt bàn bằng gỗ... "bông tê", đẹp và giống hơn cả... gỗ thật.


Từ mặt đế chân đều được chế tác, tạo hình công phu.

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Cụ dê Ất Mùi.

Tết Ất Mùi đã rất gần. Cụ dê bằng gỗ lũa Ngọc am (Hà Giang) thơm lừng cũng đã kịp về đến nơi để cùng với LT chuẩn bị đón mừng anh em ghé thăm, chúc tết ...



Ngọc am là một loài thực vật cổ xưa và quý giá, từng phát triển thành những cánh rừng nguyên sinh vĩ đại ở vùng núi phía bắc VN. Tuy nhiên, cách đây hàng triệu năm, những biến động địa chất khủng khiếp nào đó đã chôn vùi tất thảy, khiến chúng tuyệt chủng toàn bộ. Ngày nay, trên một số nơi của núi rừng Hà Giang người ta tìm thấy những khối gỗ lũa ngọc am chôn vùi sâu trong lòng đất. Loại gỗ này rất nặng, lại có chứa tinh dầu quý, được cho là có tác dụng xua đuổi xú khí, tà ma, mang lại sức khỏe, bình yên cho con người…

Tết Ất Mùi. Thế là cũng đã có chút cơ duyên để mang đến cho LT tác phẩm này để đón khách. Vui...

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Chuyện bây giờ mới kể: NHỚ ĐỒNG - CHUYỆN VỀ CÂY ĐẲNG HÌNH CON TRÂU



Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai…
(Trần Tế Xương)

Nhớ đồng…

Vào những năm 04, 05, khi còn công tác tại Đại Lộc, xa nhà nên những lúc rãnh rỗi tôi thường lặn lội nơi này, nơi kia để thăm viếng người thân hay săn tìm chuyện lạ cho vơi bớt thời gian trống trải. Trong một lần lang thang như thế trong vùng phụ cận thị trấn, tôi tình cờ phát hiện và để ý đến một gốc cây rất lạ, nằm ở góc sân nhà của một ông cụ (ông N, ở Khu 8, thị trấn). Tôi còn nhớ, đến thăm vườn nhà ông, khi ra về đến cổng ngõ, tôi đã có cảm giác kinh ngạc như vừa đi ngang qua một con vật có hình thù rất lạ đang nhìn mình chằm chằm. Dùng lại hỏi thăm ông cụ, tôi mới biết đây là một cây đẳng cổ thụ, già cỗi và đen sì có hình thù trông rất giống một con trâu mộng. Ông bảo, cây này ông mua về từ… một đống củi, khi còn đi lái xe chở thuê cho người dân ở vùng núi Đại Sơn quê tôi…


Bài viết được đăng trên Tập san Xuân Đại Lộc - 2015





…một con vật có hình thù rất lạ đang nhìn mình chằm chằm…


 Định tâm quan sát kỹ “con vật”, bất giác tôi rùng mình vì nó giống một con trâu đến kỳ lạ với đầy đủ các bộ phận như đầu, tai, sừng, mình, chân, đuôi... Mọi thứ đều có tỷ lệ khá cân đối hài hòa tạo nên hình tượng một con trâu vô cùng sống động. Chiều cao của cây khoảng 80 cm, dài 100 cm. Khối lượng cả cây và chậu (đường kính chậu 1,2 m) rất nặng, 4-5 người xê dịch không nổi, đến khoảng vài ba trăm ký. Vốn mê “của lạ”, tôi đặt vấn đề ngay sau câu chuyện với ông nhưng ông đã từ chối không bán. Ông bảo để nuôi cho nó lên cây xem thử thế nào đã…

Sau lần ấy, tôi quyết tâm theo đuổi chậu cây lạ này và có rất nhiều lần ghé lại để thuyết phục ông nhượng lại cho mình nhưng mọi chuyện đều không có ý nghĩa gì khi ông cứ một mực chối từ.
Bẳng đi thời gian khá lâu, cũng là lúc Dự án chỉnh trang đô thị tại thị trấn Ái Nghĩa được khởi động và đẩy nhanh tiến độ. Nhiều nhà, vườn ở Thị trấn nằm trong khu quy hoạch phải di dời để nhường chỗ cho khu đô thị mới đang được thi công… Và đó cũng là cơ duyên may mắn cho tôi để được sở hữu “con vật” quý khi ông cụ bất đắc dĩ phải đồng ý chuyển giao…
 
… đang nghếch mõm, nhìn về một cõi xa…
 Nó thuộc loài cây đẳng, là loại cây sống nhiều ở vùng núi đồi Quảng Nam, thân gỗ, sức tái sinh mạnh, thường được người dân đốn về làm củi đun. Điều kỳ lạ hiếm thấy là các chi tiết đặc trưng của một con trâu trên cây đẳng này đều do chính lũ trâu, bò được người dân nuôi thả rông (trên đồi núi mà cây mọc) mài sừng, húc phá, dẫm đạp… lâu ngày mà thành. Khi nhận “bàn giao” từ ông N, tôi chỉ có công chỉnh sửa, chủ yếu là cắt bỏ các chi tiết thừa nhằm mục đích làm nỗi bật những nét đặc trưng chính của hình tượng con trâu mà thôi. Thế nên, nói một cách ví von nhưng không đến nỗi quá “lố” rằng tác phẩm này là do chính lũ trâu, bò thả rông tại Đại Lộc (quê tôi)… tự tạc tượng cho mình. Nhưng đây không phải là con trâu với hình ảnh đặc trưng, phổ biến trong các bức tranh xưa là đang gặm cỏ, cày ruộng, hay nằm nhai… Mà đây lại là hình tượng của một con trâu bằng cây rất sống động đang nghếch mõm, mơ màng nhìn về một cõi xa, như tiếc nuối một điều gì…

Tiếc nuối điều gì, trâu ơi? Tôi mơ màng đi tìm câu trả lời cho… trâu. Và đây cũng là những cảm xúc chủ yếu khiến cho tôi - người có duyên may sở hữu con vật quý, sau này đặt tên cho tác phẩm là “Nhớ đồng”, để diễn đạt về một bài học nhân sinh đắc giá khi môi trường sống của con người đang ngày càng bị đe dọa, đến lũ trâu bò cũng không còn đất sống.
Ai cũng biết, báo chí, các nhà khoa học, các học giả tâm huyết cũng từng lên tiếng rất mạnh mẽ về nạn phá rừng, diệt ruộng nhưng mọi chuyện hầu như đều bị con người bỏ “ngoài tai” và điều gì phải xảy ta vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Người ta không chút chạnh lòng, đan tâm đào đất lấy vàng, chặt phá cây rừng, xâm hại ruộng đồng, đào bới dã man, đổ thải, để rồi biến những “bờ xôi, ruộng mật” thành những khu công nghiệp bỏ hoang, những bãi chứa chất thải, những vùng tử địa… 

Tôi bổng nhớ mấy câu thơ chất chứa buồn của cụ Trần Tế Xương. Rằng,

Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng cuốc bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...
(Sông Lấp)

Hàng nhiều chục năm trước, cụ Tú từng lên tiếng tiếc thương cho sự biến hóa của tự nhiên, sự bồi lấp của dòng sông yêu thương đã "nên đồng" và biến thành "nhà cửa", "ngô khoai", khiến ai cũng phải chạnh lòng thương tiếc.
Nhưng đó là sự biến đổi của tự nhiên, là quy luật của đất trời khó ai có thể ngăn cản. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác đi nhiều. Vì “cuộc sống” người ta không chỉ có đào sông lấp bể, mà đến ruộng đồng cũng bị phá nát, làm những trò đâu đâu… Chính con người đã và đang là kẻ từng ngày, từng giờ gây nên những thảm họa cho thiên nhiên để rồi phải trả những cái giá khá đắc. Ngẫm lại, cái sự tiếc thương vào hàng “kinh điển” đó của cụ Trần Tế Xương hẳn sẽ chẳng là gì nếu so với những đại họa mà chính con người đã tạo ra và tự mình phải gánh chịu từng ngày... Ngẫm mà thương cho lũ trâu đồng và cánh cò bay lã, vốn là cái thần để dệt nên những bức tranh quê yên ả, đã dần dần biến mất khỏi nông thôn Việt Nam trong cái thời đại mà người ta đã lấy một cái mẫu tự lạ lắc, lạ đế để đặt tên - Thời đại A-Còng (@)...

Bổng nhớ lời trong bài hát “À í a” của nhạc sỹ Lê Minh Sơn. Rằng,
“…Đàn trâu
Lững thửng qua cầu
Đất bán hết rồi
Đàn trâu về đâu?...”
Trâu ơi! Ruộng đồng bị họ bán hết, rồi chúng mày sẽ về đâu?...
 
…như một gã tình nhân đang yêu thương đắm đuối…
(Trong ảnh: Tác giả và cây đẳng Nhớ đồng)


Hình như tôi suy diễn quá xa. Xin trở lại với con vật yêu của mình vậy...
Trong suốt thời gian chăm bẵm “con trâu” đặc biệt này, nhất là sau khi hình ảnh của "Nhớ đồng" được tôi giới thiệu trên trang mạng cá nhân thì đã có nhiều người hỏi mua. Khi biết tôi không có ý định bán, họ đã tự đưa ra giá khá cao nhưng tôi vẫn từ chối. Trong đó, đáng nói nhất là một Việt Kiều ở Ca-li (Mỹ) gọi điện về khẩn thiết muốn mua nó với giá 30 ngàn đô-la, một món tiền khá lớn nếu so với thu nhập của tôi, nhưng tôi vẫn không thể nào bán. Bởi, từ khi “Nhớ đồng” ngạo nghễ áng ngữ đầu sân, nó thật sự trở thành một hình tượng không thể thiếu trong sân nhà. Mãi chăm sóc cho cây, cảm giác về một cây cảnh trong tôi đã tự nhiên biến mất tự khi nào, thay vào đó là sự tồn tại của một… con thú cưng mà tôi phải có trách nhiệm chăm chút hàng ngày. Mỗi chiều đi làm về hay trong những ngày nghỉ, dù nắng hay mưa, tôi gần như từ chối rất nhiều cuộc nhậu không cần thiết để dành thời gian tắm rữa, chăm sóc, ngắm nghía, chuyện trò với “con vật” yêu. Tôi thật sự đắm chìm trong niềm hạnh phúc vô biên như một gã tình nhân đang yêu đương đắm đuối…

Nhưng ở đời, điều gì cũng có thể xảy ra. Mọi chuyện chắc hẵn sẽ rất suôn sẽ với những dự liệu tốt đẹp để tô thắm cho đời nếu như không có một ngày…

Biến cố…

Sau nhiều tháng cần mẫn chăm tỉa, đến lúc “Nhớ đồng” đã khẳng định được giá trị của mình, không chỉ trong lòng chủ nhân mà còn với nhiều người, dù chỉ nhìn thấy trong thoáng chốc. Tôi còn nhớ, nơi tôi ở lúc bấy giờ (khu An Hà -Nguyễn Văn Trỗi, Tam Kỳ) dân cư còn khá thưa thớt, có khá nhiều bãi cỏ trống người dân tận dụng để chăn thả trâu bò. Có một ông cụ cứ mỗi khi đưa trâu bò đi ăn là ghé nhà tôi chỉ để ngắm nhìn và chuyện trò về “con vật”. Ông bảo là “càng nhìn (ông) càng mê “con trâu” này…”. Ngoài ra, còn có rất nhiều vị thực khách của nhà hàng bên cạnh cũng thường xuyên ngắm nghía, hỏi chuyện, mỗi khi có dịp đến đây. Nhiều người trong số họ hỏi giá, có người còn tỏ ý muốn sở hữu…
…thay cho chú cái chậu cho đàng hoàng…
(Trong ảnh: Cây sau lần thay chậu)
Nhiều người biết đến và tỏ lòng yêu mến “con vật”, càng thôi thúc tôi tìm cách để nâng giá trị cho tác phẩm. Ít nhất là phải thay cho chú cái chậu đàng hoàng. Sau đó, khi điều kiện mặt bằng cho phép, vẫn có thể tạo một tiểu cảnh hoành tráng cho cây…

Từ suy nghĩ đó, tôi phát họa một kế hoạch để từng bước nâng tầm giá trị cho tác phẩm. Khởi đầu cho công việc hệ trong này, tôi đã liên hệ đến một người quen chuyên làm chậu cao cấp ở tận Quảng Ngãi để đặt làm một cái chậu hình chữ nhật, đúc bằng chất liệu bê tông – đá mài rất công phu. Rồi, một ngày nọ, sau khi đưa được chậu về, tôi tiến hành tổ chức thay chậu cho cây.
Hôm đó là một ngày mưa bay rã rích. Giúp việc cho tôi là bốn người đàn ông được tôi cậy nhờ từ xóm dưới. Cả bốn người xúm lại, hợp lực để dời cây. Nhưng chừng như sức lực của bốn người đàn ông lực lưỡng thế kia, loay hoay mãi vẫn không tài nào tách rời được cây ra khỏi cái chậu bê tông, đường kính 1,2 mét. Họ hỏi ý kiến tôi. Không còn cách nào khác, tôi đồng ý lấy bớt đất trong chậu. Nhưng lấy đến hơn một nữa số đất mà cây vẫn không tài nào rời khỏi chậu cũ. Thế là bất đắc dĩ, tôi bảo họ cắt bỏ bớt rễ, để tháo đất…

Cây vào chậu mới càng xinh đẹp, quyến rũ và huyền bí hơn tôi tưởng. Tôi càng vui mừng, xem như mọi chuyện đã thành công tốt đẹp.
Nhưng có ai hiểu được chữ ngờ…
Tiết trời tháng 9 vẫn cứ mưa rơi rã rích. Cây lá vẫn xanh, nhưng đến cả tháng trời, cây đẳng vẫn chưa có thêm cái mầm non mới nào. Rồi, tôi bắt đầu nhận ra cây xủ lá, rụng dần, rồi… chết.
Trời ạ! Tôi không thể tin được là cây sẽ chết. Nhưng đến lúc tôi phải nhìn thẳng vào sự thật. Với kinh nghiệm nhiều năm, từng làm… chết nhiều cây sống, tôi hiểu khó có thể có một kết cục hay hơn cho cây, khi quan sát những dấu hiệu xấu sau vài tuần thay chậu. Nhưng “còn nước còn tát”, tôi vẫn nuôi hy vọng, dùng nhiều giải pháp để cứu cây và chờ đợi… vào một phép màu.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật. “Phép màu” kia có thật sự đến hay không, không rõ và tôi phải tin rằng một biến cố nghiêm trọng đã xảy ra với cây và mình. “Nhớ đồng” vĩnh viễn chết khô sau một sự can thiệp thô bạo và dữ dội đó. Tôi đau buồn. Một nỗi đau đớn khôn nguôi, không thể chia sẻ cùng ai…


Một ngày nọ. Khi mọi chuyện đã an bày. Không thể để mãi một khối gỗ chết khô ngoài trời. Nhưng tôi cũng không đủ can đảm để vứt bỏ như đã từng cay đắng làm với nhiều trường hợp tương tự… Thế là tôi buộc lòng phải tách gỡ,  lúc đó, “Nhớ đồng” đã là một khối gỗ khô nặng, hẳn ra khỏi cái chậu bê tông rồi mang nó vào, trịnh trọng đặt lên chiếc bàn thấp làm bệ cho nó đứng để giữ gìn, bảo quản lâu dài – Một khối gỗ lũa đã từng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, cay đắng, mặn nồng…
… một khối gỗ lũa đã từng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc…
Từ khi đưa cây khỏi chậu, bày đặt trong nhà, đến nay thấm thoát đã gần 5 năm. Cũng chừng ấy thời gian, đọng mãi trong tôi những nỗi lòng trắc ẩn. Tôi không thể và chưa bao giờ nguôi ngoai một nỗi buồn thương, day dức về lỗi lầm đã phá vỡ một cơ hội hiếm có trong đời, đã từ chối hay chính xác hơn là làm hỏng một báu vật của Thế gian đã từng có ý dành tặng cho riêng mình. Ngày ngày ngắm nhìn những gì còn lại, cảm xúc về những kỷ niệm với Nhớ Đồng vẫn cứ mãi dâng trào trong tôi. Những lúc như thế, tôi lại nghe văng vẳng, xa xăm những câu thơ xưa của cụ Tú, bằng một giọng ngâm da diết đến não lòng…

Tam Kỳ, 12/2014

(Lê Thạnh/Comaihoa)