“Hàm răng” cổ khổng lồ nghi của một loài động vật đã tuyệt chủng hàng vạn năm trước đang thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Hoài Diễm (60 tuổi) ngụ thông Phú Cường, xã Phú Riềng, H. Bù Gia Mập, Bình Phước.
Bà Diễm và hàm răng cổ. Ảnh: Lê Anh |
Hơn 30 năm qua, có nhiều đồn đoán, suy luận về hàm răng lạ nhưng đến nay chưa có một giả thiết nào được xem là hợp lý về xuất xứ, nguồn gốc của “hàm răng” cổ khổng lồ này.
Hàm răng lạ tìm thấy trong hang sâu
Để chứng kiến tận mắt hàm răng cổ khổng lổ, chúng tôi tìm đến nhà của bà Diễm. Khi nghe chúng tôi hỏi về hàm răng, bà Diễm cho hay: “Đúng là gia đình tôi đang giữ hàm răng lạ đó. Đây là món quà do cha chồng tôi để lại cho gia đình”.
Theo lời kể của bà Diễm, năm 1980, vật lạ này được cha chồng bà là cụ Võ Văn Mừng mua lại từ một người đàn ông dân tộc. Khi cụ Mừng băn khoăn hỏi xuất xứ, người đàn ông lắc đầu không biết. Theo lời người đàn ông này, trong lúc vào rừng săn bắn đã tìm thấy trong một hang sâu. Không biết có phải vì trùng hợp hay không, mà từ ngày sở hữu được hàm răng khủng, gia đình cụ Mừng làm ăn ngày một phát đạt.
Việc buôn bán hầu như suôn sẻ, mọi tính toán làm ăn đều thuận buồm xuôi gió. Do gia đình làm ăn phát đạt, rồi vì vấn đề tâm linh nên mọi người trong nhà cụ Mừng coi hàm răng lạ như “thần hộ mệnh”. Vì vậy, hàm răng khủng được cụ Mừng đặt trang nghiêm trên bàn thờ, hằng ngày nhang khói đầy đủ và xem như báu vật linh thiêng.
Bề mặt 'hàm răng' cổ khổng lồ. Ảnh: Lê Anh |
“Khi nghe nói cha chồng có món đồ lạ, lại vốn có tính mê đồ cổ nên tôi nằng nặc xin trả lại 2 ha đất mà vợ chồng tôi vừa được thừa kế chỉ để đổi lấy hàm răng cổ này. Thấy tôi yêu quý đồ cổ nên ông cụ đồng ý. Trong di chúc của mình cụ cũng có nhắc tới điều này”, bà Diễm nhớ lại.
Bí ẩn chưa có lời giải
Trước mong muốn của chúng tôi là được cận cảnh vật lạ, bà Diễm cẩn thận nhấc “hàm răng” đặt xuống mặt sàn cho chúng tôi thoải mái chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Thật sự khi nhìn thấy chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, không biết chính xác là vật gì nên đành tạm gọi là “hàm răng” cổ.
Hàm răng cổ này có chiều dài hơn 27 cm, rộng 17 cm, bề dày khoảng 8 cm. Toàn bộ bề mặt đã hóa thạch, màu xám xỉn nhưng vẫn có thể thấy trên mặt in rõ những đường rãnh thẳng, lộ rõ những chiếc răng màu trắng đều tăm tắp. Chúng có kết cấu thành từng phiến, mặt nhai của răng giống như bàn nghiền.
Để tìm câu trả lời, năm 1990, bà Diễm nhờ thợ chụp hình lại rồi mang xuống Viện Khảo cổ học tại TP.HCM nhờ giải đáp. “Sau khi xem qua hình ảnh, các nhà khảo cổ học nói với tôi đây không phải răng voi ma mút nhưng cũng không đưa ra câu trả lời chính xác là vật gì. Đem những thắc mắc gặp một số nhà khoa học khác nhưng đều chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng”, bà Diễm cho hay.
Năm 1995, trong một lần về thăm quê, người thân của bà Diễm ngỏ ý muốn đưa hàm răng này sang Mỹ nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Nhưng do sợ thất lạc nên bà Diễm không đồng ý. Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, hàm răng cổ này đối với gia đình bà Diễm vẫn còn là ẩn số chưa có lời giải.