Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Cây cối làm giảm số vụ phạm tội

Mật độ thực vật trong vùng đô thị càng lớn thì số vụ cướp, hành hung và đột nhập vào nhà riêng càng giảm.

 Mary Wolfe, một nhà nghiên cứu môi trường của Đại học Temple tại Mỹ, và Jeremy Mennis, một giáo sư về địa lý và đô thị, quyết định nghiên cứu tác động của thực vật đối với tỷ lệ phạm pháp trong các thành phố. Họ dùng ảnh vệ tinh để đánh giá mật độ cây cối, bụi rậm, bãi cỏ ở từng khu vực trong thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ. Sau đó họ xem xét số vụ phạm tội trong từng khu vực theo thống kê của cảnh sát, Discovery đưa tin. Kết quả cho thấy, số vụ cướp, tấn công người, đột nhập trái phép trong những khu vực có nhiều cây thấp hơn hẳn so với những khu vực có ít cây. "Chúng tôi nghĩ rằng sự hiện diện dày đặc của cây cối làm tăng mức độ tương tác xã hội và lòng tự hào của người dân tại nơi công cộng. Màu xanh của cây cối cũng tạo nên hiệu ứng tâm lý đặc biệt, giúp con người kiềm chế tốt hơn và làm giảm động cơ phạm pháp", hai nhà nghiên cứu bình luận. Một nghiên cứu tương tự, do một nhóm chuyên gia khác thực hiện và công bố vào năm ngoái, cho thấy: Nếu số lượng cây trong thành phố tăng 10%, số lượng vụ phạm tội giảm khoảng 12%.

Theo VNE

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

RƯỢU HƯƠNG MAI – HƯƠNG VỊ CỦA ĐẤT TRỜI VÀO XUÂN...


Để từng giọt rượu Hương mai tự tan ra trên đầu lưỡi…
Tất cả như hòa quyện lại, đồng hành cùng với sự đẫm - thoảng - tan - bay qua làn hương huyền ảo, thoáng hiện, rất riêng của một loài hoa cao quý… (Cổ Mai Hoa)

Để có được bầu rượu Hương mai đón giao thừa, ngay từ đầu năm bạn phải chọn cho được ít nhất một cây mai cổ thụ, có khả năng ra hoa đều, chắc và nhất thiết hoa phải có hương thơm để chăm chút, nuôi dưỡng cẩn thận trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trong một năm ròng. Theo khảo sát của tác giả từ các loại mai từ nhiều vùng miền khác nhau, mai đọt xanh miền trung là loài mai thường có nhiều cây cho hoa có hương thơm đậm hơn cả. Các loài mai khác như mai Bình Đình, Giảo Thủ Đức, Giảo Tân Châu, Huỳnh Tỷ v.v… thỉnh thoảng vẫn có cây có hoa cho hương nhưng ít gặp. 
Tại vườn nhà, hàng năm tôi chỉ riêng dành một cây mai đọt xanh cao lớn, được trồng ngoài đất vườn để lấy hoa. Đây là cây mai quý được đưa về từ Đại Lộc, quê tôi. Là loài mai đọt xanh có hoa vàng 5 cánh, kín, đậm và đặc biệt là nó có mùi hương rất đậm và đặc trưng. Cây mai đó, trong suốt 5 năm qua, đã giúp tôi hàng năm điều chế, ít nhất mỗi mùa được khoảng 2 lít rượu Hương Mai để tiếp bạn tri âm, tri kỷ vào những giờ khắc thiêng liêng giao mùa…


phải chọn cho được ít nhất một cây mai cổ thụ, có khả năng ra hoa đều,
chắc và nhất thiết hoa phải có hương thơm

Khi đã chọn được cây mai tốt để lấy hoa, trong suốt một năm trời bạn phải áp dụng theo một quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng hết sức nghiêm ngặt nhằm đảm bảo cho cây luôn được khỏe mạnh và tinh khiết. Tuyệt đối không dùng các loại hóa chất độc hại để xử lý. Tuy nhiên, nếu vì lý do quá nguy cấp, cần phải cứu cây thì bạn cũng chỉ được phép dùng các chế phẩm sinh học vốn hiền lành với con người mà thôi… Sau quá trình nuôi dưỡng, có được một cây mai hương đọt xanh khỏe mạnh rồi thì bạn phải dùng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để cây mai này trổ hoa sớm trước Tết khoảng một tháng mà không cần phải lặt lá.

Khi những nụ hoa đã lên màu xanh đậm
Đến cỡ đầu tháng chạp âm lịch, trong không khí rộn ràng phải chuẩn bị nhiều thứ cho một cái tết, bạn phải thường xuyên tưới tắm để giữ cho cây thật sạch và canh chừng ngày mai nỡ để điều chế Rượu Hương mai. Và khi nhũng nụ hoa đã lên màu xanh đậm, căng đầy sức sống, bạn phải thường xuyên theo dõi đoán định được ngày mai nỡ rộ để lấy hoa.
Rồi ngày ấy cũng đã cận kề. Chiều hôm, trước ngày lấy nhụy hoa, bạn phải dùng vòi nước mạnh, vừa tắm rữa lần cuối cho cây, cũng vừa để các bông hoa đã nỡ từ hôm trước, dưới vòi nước mạnh phải rơi rụng bằng hết, nhường chỗ cho những nụ hàm tiếu xinh xinh sẽ đồng loạt nỡ nhụy khai hoa vào sáng sớm hôm sau…
Bạn phải thức dậy từ mờ sớm, tắm rữa sạch sẽ, trước giờ lũ ong bầu vốn rất háu ăn thức dậy có thể… tranh nhau với bạn. Bốn giờ rưỡi sáng là thời điểm tối ưu nhất để bạn leo lên cây, thu hái những bông hoa mai vàng ươm vừa mới nỡ, khi chúng đang ngào ngạt hương thơm và lũ ong thì vẫn còn đang… ngon giấc. Bạn nên gom dần hoa vào chiếc rỗ sạch rồi mang xuống dưới. Sau đó, hãy dùng chiếc nhíp bằng thép không gỉ để cẩn thận tách từng mẫu nhụy vàng từ những bông mai vừa hái để cho ngay vào bầu rượu trắng tinh khiết và chính hiệu. Thường đó là rượu Voka Hà Nội, loại chai lớn hoặc rượu Bàu Đá (Bình Định) chính hiệu thì mới đủ độ tinh và đô mạnh nhằm vừa có thể lấy hết được hương hoa, vừa giữ được sự tinh khiết của mùi hương quý.
Lũ ong bầu vốn rất háu ăn, có thể tranh nhau với bạn...
Nhiều người hỏi tôi uống rượu Hương mai có “việc” gì không? Tôi có đem việc này hỏi ý kiến của người bạn là bác sỹ đông y, anh bảo nếu làm đúng quy trình trên, nhất là không đưa vào rượu những chất lạ khác thì rượu Hương mai cũng sẽ tốt cho người dùng như một loại phấn hoa rừng, tất nhiên là với mức độ vừa phải, không quá lạm dụng. Anh còn cho biết, không chỉ nhụy hoa mà cả võ cây mai vàng cũng có thể dùng để ngâm rượu, có tác dụng trợ tiêu hóa, bồi  bổ cơ thể… (1).
Cẩn thận tách từng mẫu nhụy vàng...

Sau khoảng 30 ngày, cũng là lúc đất trời vào xuân, là thời điểm thiêng liêng nhất để bạn mở bầu rượu Hương mai đón tết.
Khi cả đất trời đang chuyển, giữa không gian huyền ảo giao thừa, hãy để cho tâm hồn bạn thật thư thái, rồi chậm rãi rót ra chén nhỏ cái chất dịch thiêng vàng lánh - sóng sánh - trong vắt - tuyệt vời đó. Để từng giọt rượu Hương mai tự tan ra trên đầu lưỡi, bạn sẽ cảm nhận được tất thảy những giá trị sâu sắc của hoa mai. Không chỉ là một khí tiết anh hùng đang trào dâng trong bạn, không chỉ là cảm xúc về quy luật đất trời, thời gian đang vận động, không chỉ là cả một mùa xuân huyền diệu (2)… - là những giá trị tinh thần thiêng liêng mà xưa nay người đời từng nói về Hoa mai, mà tất cả như hòa quyện lại đồng hành cùng với sự đẫm - thoảng - tan - bay qua làn hương huyền ảo, thoáng hiện rất riêng của một loài hoa cao quý…
Và Xuân về sẽ len lõi vào trong từng tế bào, mao mạch của bạn với người dẫn đường bất hủ - Rượu Hương mai…
Thật là thú vị phải không bạn. Nào xin mời bạn…
gom dần hoa vào chiếc rỗ sạch rồi mang xuống dưới
Gió Xuân vẫn còn phảng phất đâu đây. Bầu Rượu Hương Mai Tết Quý Tỵ - Nhà vườn Cổ Mai Hoa năm này vẫn còn chưa cạn để chờ đón bạn Tri âm, Tri kỷ đến thăm nhà…
Vâng! Nào xin mời bạn. Nhưng… bạn ơi, chỉ xin được hân hạnh mời bạn một ly nhỏ thôi nghe. Rượu quý mà.  Còn phải dành phần cho Tri âm, Tri kỷ đến sau nữa chứ. Nếu ta còn có duyên, mời bạn lại đến vào Giao thừa năm sau…

Hương mai một chén đủ tràn,
Yêu thương một thoáng đa mang trọn đời …

Lê Thạnh – Comaihoa
(Bài được đăng trên Chuyên san Xuân Đại Lộc 2011 - Chỉnh sửa Tháng 03/2013)
________________________________________
 (1): Theo TS.DS LÊ THỊ HỒNG ANH
THẦY THUỐC ƯU TÚ, TRUNG ƯƠNG HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM:

Cây hoa mai vàng (còn gọi huỳnh mai) vỏ cây có vị đắng, tác dụng giúp tiêu hoá. Lá non của mai vàng có thể dùng làm rau xanh. Ở miền Nam, người ta phơi hay sấy khô vỏ cây mai vàng, rồi ngâm vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ, lợi tiêu hoá. Vào những ngày tết, ăn nhiều thịt, mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, nếu làm một ly rượu đắng mai vàng khai vị, sẽ thấy ngon miệng hơn. Trong đông y, rễ mai vàng có thể dùng làm thuốc xổ (tẩy) nhẹ sán lãi và làm thuốc chữa trị các hỗn loạn bạch huyết.

(Trích từ “Thuốc từ hoa xuân: ăn mai, uống đào” – Báo SGTT 02/02/2013)







Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Nọc ong có thể ngăn chặn virus HIV

Chất độc trong nọc ong có thể được sử dụng để 
ngăn ngừa lây lan virus HIV (Photo: Comaihoa).


Tiến sĩ Joshua L Hood và các cộng sự thuộc trường đại học Y khoa Washington (Mỹ) đã phát hiện thấy rằng chất độc trong nọc ong có thể tiêu diệt virus HIV và không làm hại các tế bào xung quanh. 

Các nhà khoa học tin tưởng đây là bước tiến quan trọng để phát triển một loại gel có thể ngăn chặn sự lây lan virus HIV.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy chất melittin trong nọc ong có khả năng xuyên thủng lớp bảo vệ bên ngoài của virus HIV và dần dần phá hủy lớp bảo vệ này, khiến virus không còn khả năng phát triển.
Các nhà khoa học đã tiêm chất melittin vào trong các phần tử nano. Các phần tử này được lập trình có thể nhận biết và bỏ qua các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Nhưng khi gặp virus HIV, chất độc trong các phần tử nano sẽ được phóng ra để xuyên thủng màng bảo vệ của virus.


“Chúng tôi đang tấn công các đặc tính vật lý của virus HIV. Theo lý thuyết, chúng sẽ không có cách nào để thích nghi với phương pháp này”, tiến sĩ Joshua L Hood, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Thay vì điều trị bằng cách tiêm các phần tử nano chứa melittin vào cơ thể, các nhà khoa học hy vọng các phần tử này có thể được phát triển thành dạng gel để sử dụng như một phương pháp phòng ngừa lây nhiễm virus HIV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 34 triệu người đang bị nhiễm virus HIV trên toàn cầu. Phần lớn các bệnh nhân mắc loại virus nguy hiểm này đang sống tại các quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp.
Theo Vietnamnet

“Chuyện ấy” ở thực vật như thế nào?


Nếu không tính đến những yếu tố mang tính xã hội, phức tạp như tình một đêm hay kén cá chọn canh thì thực ra cây cỏ cũng làm “chuyện ấy” như động vật.


Khi con người ngắm nhìn một loài hoa hay ăn một loại rau nào đó, họ thực ra đã quên hẳn cơ quan sinh sản của thực vật. Phần “đực” của hoa chính là nhị hoa chứa đầy phấn, trong khi phần nhụy hoa ấp trứng chính là bộ phận giống “cái”.

Đa số các loài thực vật sẽ nở hoa “nhị tính” (có cả bộ phận đực lẫn cái trên cùng một hoa), nhưng cũng có loài như quả bí lại mọc hoa “đực” riêng, hoa “cái” riêng. Và như các nhà sinh học tiến hóa đã phát hiện ra, những loài thực vật đơm hoa đơn tính sẽ tạo ra nhiều hạt hơn.
Lý do vì sao thì vẫn còn là một bí ẩn mà khoa học chưa có lời giản, nhưng có lẽ là vì hoa “đực” ngốn ít năng lượng của cây hơn, trang Life’s Little Mysteries giả định.
Câu hỏi tiếp theo là các loài hoa tiến hành “chuyện ấy” như thế nào?



Sử dụng thiên nhiên làm nhà mai mối, gió, động vật và nước sẽ đưa phấn hoa đến với đầu nhụy hoa. Những hạt phấn sẽ dính vào đầu nhụy, sau đó nảy mầm và mọc hướng xuống dưới, chậm rãi“bò” đến bầu nhụy. Cuối cùng, hạt phấn hóa sẽ “đâm xuyên” vào một số quả trứng và thế là hạt ra đời.
Tuy nhiên hoa không phải là cách “quan hệ” duy nhất của thực vật. Cây bạch quả sẽ mọc cả cây cái lẫn cây đực trên cùng một chỗ. Các cây đực sẽ sản sinh ra bào tử, sau này phát triển thành tinh trùng và bơi đến với trứng bên trong bầu nhụy của cây cái. Mặc dù vậy, cũng có nhiều loại thực vật như bèo tấm hoàn toàn nói không với “sex”. Chúng tạo ra những bản sao vô tính và mọc thành cây trưởng thành mà không cần tới sự giao phối.
Theo Vietnamnet

Phát hiện 3 loài cây giúp hấp thu khí độc trong nhà


Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc trường Đại học Lâm Nghiệp nghiên cứu thành công một số loài cây vừa có tác dụng làm cảnh đẹp vừa có khả năng xử lý khí độc.

Khí độc trong nhà


Thiết mộc lan có thể hấp thu khí toluene trong nhà.
Theo TS Phùng Văn Khoa, Phó Chủ nhiệm Khoa sau đại học, trường Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội), toluene là một dung môi hữu cơ dễ bay hơi và được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong nhà, khí toluene có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như sơn, khói thuốc lá, chất tẩy rửa, hoặc có thể bị khuếch tán từ ngoài trời vào trong nhà.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong nhà thoáng của dân, hàm lượng này chưa đến mức nguy hiểm. Tuy nhiên, tại những khu nhà mới hoặc gần các nhà máy sản xuất, gần đường giao thông thì hàm lượng khí này tương đối cao.
Theo các nghiên cứu, đây là một trong những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà rất nguy hiểm. Bởi nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm người ở trong nhà có cảm giác buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt... Khi ở nồng độ cao, khí toluene có thể ảnh hưởng đến não bộ, gây bất tỉnh và thậm chí gây tử vong.
"Việc lựa chọn được giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu các chất khí độc hại như toluene ở môi trường trong nhà là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Một trong những giải pháp thân thiện nhất với môi trường đã được biết đến đó là dùng thực vật để hấp thu chất ô nhiễm (Phytoremediation) đồng thời có tác dụng làm cảnh đẹp", TS Phùng Văn Khoa cho biết.



Ba loài cây nên trồng

TS Phùng Văn Khoa, ThS Bùi Văn Năng và ThS Nguyễn Thị Bích Hảo là những người nghiên cứu sử dụng cây xanh để hấp thu khí độc. Theo đó, các chuyên gia cho rằng ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây đã được khảo sát là Thiết mộc lan, Ngũ gia bì và Dương xỉ thường. Điều này dựa trên kế quả nghiên cứu: Sau 72 giờ tiếp xúc, Thiết mộc lan hấp thu 2,7µg/cm2 (đơn vị diện tích lá), Ngũ gia bì hấp thu 1,20µg/cm2, cây Cồ nốc hoa đầu hấp thu 1,00µg/cm2.
Cũng theo nhóm tác giả trên, ba loài cây này đã được lựa chọn nghiên cứu vì mang tính thẩm mỹ cao nên có thể trồng trong nhà như một loại cây cảnh. Ngoài ra, khi tiếp xúc với khí toluene ở nồng độ từ 8,0 - 12,0mg/m3, các loài cây này vẫn sinh trưởng bình thường và không có biểu hiện khác thường nào về hình thái.
Các chuyên gia khuyên, khi trồng cây nên có mật độ phù hợp để có tác dụng cao. Ví dụ, nhà khoảng 10m2 nên trồng từ 2 - 3 cây, trong đó nên có một cây cao khoảng 1m và đường kính tán 0,5m, còn một cây nhỏ hơn đặt gần nơi ngồi làm việc. Bởi các nghiên cứu đã chứng minh, khi để cây gần người sẽ giúp thư giãn và tăng hiệu suất làm việc. Khi trên bàn làm việc có cây xanh nhỏ không những giúp hấp thu khí ô nhiễm mà còn giúp phát huy tính sáng tạo, khả năng tập trung cao hơn.

Theo Kien Thuc

·                                  






Vườn cây trong lọ thủy tinh

            

Những cây trong một lọ thủy tinh lớn vẫn phát triển bình thường dù chủ nhân của chúng đã bịt kín miệng lọ trong hơn 40 năm qua.

David Latimer - một cựu kỹ sư điện ở làng Cranleigh, hạt Surrey, Anh - bắt đầu trồng những cây thài lài trong lọ thủy tinh cỡ lớn vào năm 1960. Sau khi tưới nước lần thứ hai vào năm 1972, ông quyết định bịt kín miệng lọ và đặt nó bên dưới cầu thang, gần một cửa sổ để cây có thể đón ánh sáng tự nhiên. Dù không được chăm sóc và tưới, những cây trong lọ vẫn tiếp tục phát triển tới tận ngày nay, BNPS đưa tin.
Cựu kỹ sư điện David Latimer chỉ tưới cây đúng hai lần từ năm 1960 tới nay. (Ảnh: BNPS)



"Tôi không bao giờ xén hay tỉa những cây trong lọ và có vẻ như chúng đã không thể mọc thêm nữa", người đàn ông 80 tuổi nói.
Dù cô lập với thế giới bên ngoài, những cây trong lọ thủy tinh đã tự tạo ra một hệ sinh thái thu nhỏ. Quá trình quang hợp diễn ra bình thường vì cây vẫn nhận ánh sáng. Cây hút khí carbon dioxide (CO2) và tạo ra khí oxy (O2), hơi nước. Khi lượng hơi nước trong lọ đủ lớn, chúng sẽ biến thành "mưa" và rơi xuống để cây hút.
Những chiếc lá già rụng xuống đáy lọ. Quá trình phân hủy của chúng cung cấp CO2 - loại khí mà cây cần để quang hợp - và dưỡng chất.
Vườn cây thu nhỏ của Latimer ở bên dưới cầu thang 
gần cửa sổ trong ngôi nhà của ông. (Ảnh: BNPS)

Các chuyên gia về nông nghiệp biết tới vườn cây độc đáo của Latimer sau khi ông gửi ảnh về nó tới đài phát thanh BBC. Chris Beardshaw, một chuyên gia thiết kế vườn kiêm người dẫn chương trình truyền hình tại Anh, nói rằng vườn cây của Latimer là một bằng chứng tuyệt vời về vòng tuần hoàn của sự sống.
"Khả năng kỳ diệu của thực vật là nguyên nhân khiến Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ muốn đưa thực vật lên vũ trụ để chúng hấp thụ chất ô nhiễm trong Trạm Không gian Quốc tế", Beardshaw bình luận.

Theo VNE
(Khoahoc.com.vn)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Thuốc từ hoa xuân: ăn mai uống đào


SGTT.VN - Những ngày tết Nguyên đán, trong gia đình của mỗi người dân Việt Nam đều chưng một cây mai (người miền Nam) hoặc đào (miền Bắc). Chúng ta thường nghĩ hoa tết chỉ để làm cảnh, chưng cho đẹp, mấy ai biết lúc thiếu rau, khi ăn uống không tiêu, khi ho… chúng ta có thể hái nó xuống ăn hoặc dùng làm thuốc.

Hoa mai: khơi lòng nhẹ ngực
Hoa mai trắng. Ảnh: Q. Như
Cần phân biệt cây mai vàng (có tên khoa học là Ochna integerrima (Lour) Merr) với cây mai trắng (tên khoa học là Prunus armeniaca L). Trong y học cổ truyền, hoa mai trắng được dùng làm thuốc phổ biến hơn.
Hoa mai trắng (ở ta chính là hoa của cây mơ, còn gọi là lạp mai, bạch mai, tuyết lý hoa…) chứa nhiều tinh dầu như cineole, borneol, linalool, benzyl alcohol, farnesol, terpineol, indol... và một số chất khác như meratin, calycanthine, caroten... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao... Theo dược học cổ truyền, hoa mai trắng vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hoá đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt... Các y thư cổ đều ghi lại nhiều phương thuốc dùng hoa mai:
Tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: hoa mai 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Trúng thử gây tâm phiền, đau đầu, chóng mặt: hoa mai 15g, hoa cúc trắng 15g, hoa hồng 15g, hãm uống thay trà.
Chướng bụng, đầy hơi: hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.
Đau bụng do lạnh: hoa mai và chu sa liên lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3 – 6g với rượu nhạt.
Buồn nôn: hoa mai 5g, nước cốt gừng tươi 5ml. Đem hoa mai hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là dùng được, chắt ra hoà thêm nước gừng tươi rồi uống, mỗi ngày dùng hai thang.
Đau khớp do phong thấp: hoa mai 9g, thạch nam đằng 9g, thố nhĩ phong 9g, đem ngâm với 200ml rượu, mỗi lần uống 30 – 50ml.
Viêm họng, viêm amiđan: hoa mai 6g, huyền sâm 9g, bản lam căn 9g, sắc uống.
Ho dai dẳng: hoa mai 9g hãm uống thay trà trong ngày.

Hoa mai vàng (Photo: Comaihoa)

Còn hoa mai vàng (còn gọi huỳnh mai) vỏ cây có vị đắng, tác dụng giúp tiêu hoá. Lá non của mai vàng có thể dùng làm rau xanh. Ở miền Nam, người ta phơi hay sấy khô vỏ cây mai vàng, rồi ngâm vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ, lợi tiêu hoá. Vào những ngày tết, ăn nhiều thịt, mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, nếu làm một ly rượu đắng mai vàng khai vị, sẽ thấy ngon miệng hơn. Trong đông y, rễ mai vàng có thể dùng làm thuốc xổ (tẩy) nhẹ sán lãi và làm thuốc chữa trị các hỗn loạn bạch huyết.

Hoa đào: xuân lại làn da
Hoa đào. Ảnh: T. Linh
Cây đào có danh pháp khoa học Prunus persica. Theo y học cổ truyền, hoa đào có tính bình, vị đắng, đi vào hai kinh can - vị, có công năng hoạt huyết, lợi thuỷ, thông tiện, chữa trị chứng thuỷ thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không thông...
Hoa đào tươi hoặc khô đều được dùng làm thuốc, nhưng hoa tươi, đặc biệt là loại mới chớm nở tốt hơn hoa khô. Tốt nhất là dùng ở dạng trà. Mỗi ngày hãm 5g trong nước sôi, thêm một ít mật ong, uống vào sáng sớm. Đối với chị em phụ nữ, dùng nước sắc hoa đào rửa mặt có thể làm giảm nếp nhăn trên da mặt. Hoặc lấy hoa đào, nhân hạt bí đao lượng bằng nhau nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ giảm dần. Đối với những người da mẫn cảm, có nhọt lâu khỏi, mụn mủ đặc, có thể trong uống ngoài thoa.
Cần lưu ý, phụ nữ có thai không nên dùng, vì thuốc có tác dụng phụ gây hưng phấn tử cung.
Đừng nài hoa ép liễu mà hoạ vào thân
Trong y học cổ truyền, các loại hoa đều có tính vị riêng và cho tác dụng ở các kinh lạc khác nhau trong cơ thể. Dùng đúng cách đúng liều thì tác dụng tốt cho cơ thể, phòng bệnh, chống lão hoá, giúp trẻ lâu. Cách đơn giản nhất là tự chế thành trà, dễ uống và còn giữ được mùi thơm, tuy nhiên cần lưu ý: hoa thường có cấu tạo mỏng manh, do đó dễ bị hư hỏng nếu bảo quản không đúng cách, chỉ nên phơi trong mát hoặc sấy nhẹ ở 50oC, giữ kín trong lọ để giữ mùi hương, nên dùng phương pháp hãm nước sôi hoặc đun sôi nhanh để tránh mất hoạt chất. Hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, phá huyết, ứ khứ (như đào, hồng, nguyệt lý, linh lăng, phượng tiên) không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, huyết ra nhiều. Những người có cơ địa dị ứng cần rất thận trọng khi dùng phấn hoa.
Nếu chưa biết rõ tính chất dược lý của hoa thì không nên dùng, chỉ được dùng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, và cần được theo dõi chặt chẽ.
TS.DS LÊ THỊ HỒNG ANH
THẦY THUỐC ƯU TÚ, TRUNG ƯƠNG HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Vui, vui



Sinh ra làm chú cầy tơ
Trước sau rồi cũng… lá mơ, sả, riềng…
Xếp hàng vào quán... xào, chiên
May ra sớm được quy tiên, chầu trời!

LT