Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

MÃNH MAI KỲ MỘC

Mãnh mai!
Xin đừng vội cho là tôi viết sai chính tả. Tôi viết “mãnh mai” là sự cố ý để diễn đạt một… mãnh gỗ của cây mai, chứ chưa phải là sự “mảnh mai” như cách hiểu thông thường về một điều "trông có vẻ yếu nhưng dễ ưa" (Từ điển Tiếng Việt).

Đúng vậy. Đây thật sự là một mãnh gỗ của cây còn sót lại sau khi bị một sự cố cưa cắt nghiêm trọng nào đó. Nhưng điểm khác biệt chính là ở chỗ mãnh gỗ này lại có đầy đủ các yếu tố của một thực thể sống, đang trên đà phát triển để tạo thành một... tác phẩm nghệ thuật gây nhiều cảm xúc. Tôi phát hiện ra nó trong vườn bạn tôi, bỏ quên lâu ngày. Đó là một cây mai cổ thụ, thời chiến tranh ngày xưa  đã bị đạn bom  phát cắt ngang thân. Sau đó phần gốc còn lại cũng bị mối tấn công đến nỗi chỉ còn một mãnh gỗ. Và kỳ diệu thay, cái mãnh gỗ còn sót lại đó đã bất chấp tất cả để vươn lên trở thành một thực thể sống hiên ngang, cho tới bây giờ…

 Khi tôi mang cây từ vườn bạn về, cây còn hoang sơ lắm. Sau vài năm chăm tỉa bây giờ cây đã khẳng định được một sự tồn tại và vươn lên rất kỳ diệu của mình: Mãnh Mai Kỳ Mộc!


Cây thuộc loại mai đọt xanh miền trung, không ghép. Bộ rễ dưới gốc hầu như không thể nhìn thấy. Vì toàn bộ chỉ là rễ chùm, không có chiếc rễ lớn nào cả. Có lẽ do xưa kia mối mọt đã ăn cả rồi. Gốc thân đã bị mất hết phần ruột, còn lại một nữa phần da, tạo nên mặt cắt hình chữ C hoàn chỉnh, đường kính khoảng hơn 30 cm. Chiều cao từ mặt chậu lên đến ngọn khoảng 2 mét. Có 3 chi, một chính và 2 chi phụ mọc hai bên, tạo nên thế “tam tài”  (phước lộc thọ) tương đối chỉnh. Dù thiếu “đế” nhưng nhìn tổng thể cây cho ta một cảm xúc rất đặc biệt. Cảm xúc về sự tái sinh kỳ diệu và một nghị lực phi thường…

Đưa cây ra chỗ thoáng
Vào mùa hoa các năm rồi cây vẫn cho hoa nhưng lúc ấy còn đang trong giai đoạn thuần dưỡng, tạo tác nên tôi không để nhiều hoa. Năm nay cây phát triển tốt, khẳng định được sức sống mạnh, tôi đưa cây ra nơi thoáng đãng hơn để chăm sóc.

Chắc chắn Xuân 2013 tới đây sẽ là mùa hoa đầu rực rỡ nhất của cây. 

Mặt lưng của mãnh gỗ
Tiếp tục uốn sữa




Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Kỳ công hơn 7.200 ngày chăm cây lục bình "độc"

Lục bình độc - Tác phẩm tâm huyết cả một đời của ông Hội
20 năm qua, ông Nguyễn Hữu Hội, ở thôn 2, xã Hải An, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chỉ uốn một cây duy nhất. Ông đã mày mò tìm hiểu đủ các thế cây, nâng niu, chăm chút từng cành nhỏ cho “tác phẩm” tâm huyết của cả đời mình.

Theo tiếng đồn của người dân, chúng tôi tìm về thôn 2, xã Hải An, huyện Tĩnh Gia để được tận mắt chiêm ngưỡng cây lục bình “độc” của gia đình ông Nguyễn Hữu Hội.


Ông Hội cho biết, năm 1992, ông bắt đầu trồng từ khi cây còn non, nuôi cho cây phát triển tự nhiên, vươn cành tùy thích, nhà lại làm nông nghiệp, sẵn có rơm ông đem quấn rơm xung quanh thân cây nơi cần ra rễ cho cây phát triển rễ non, cứ thế cho tới khi rễ cây dài tới 3m ông bắt đầu cho cây phát triển theo ý tưởng của mình. Để làm quy trình này, ông đã phải chăm chút và đợi chờ trong vòng hơn mười năm trời.
Lúc đầu nhìn cây có tán to và rễ xùm xòa, ông có ý tưởng định uốn cây thành hình một cây ô, con voi, con ngựa…, nhưng vẫn thấy không hợp, ông lại tham khảo đủ các kiểu dáng cây kiểng, đọc sách tìm hiểu và cuối cùng ông chọn uốn cây thành hình chiếc lục bình.
Thường thì khi uốn cây cảnh người ta hay dùng sắt bọc vải cho dễ tạo dáng, còn ở tác phẩm của ông rất cầu kỳ, đòi hỏi phải khéo tay, công phu nhưng ông chủ yếu dùng bằng tre.
Lúc bắt đầu uốn rất khó, phải khéo léo làm sao không cho thân, rễ cây mình chọn uốn bị gẫy, phải dùng dây kéo ngược rễ lên thành miệng, sau rồi ép xuống thành thân và phần đế chiếc lục bình. Riêng phần đế ông lại cho đá xung quanh thân cây để khi rễ ăn xuống, gặp đá nó sẽ phình ra ngoài theo hình đế của chiếc lục bình.
Từ khi bắt đầu thực hiện ý tượng của mình, ông cũng bị những người hàng xóm thích chơi cây cảnh chê bai, nhưng khi đã thành khuôn thì ai ai cũng ngưỡng mộ công phu và lòng kiên trì của ông Hội. Những chiếc rễ sy này được ông khéo léo đan xen vào nhau thành hình con rô rất đều và đẹp.
Khi được hỏi về ý tưởng thì ông Hội chia sẻ: “Tôi cũng là người thích chơi cây cảnh, đọc nhiều sách để tham khảo các thế cây và cách chăm bón, nhưng tôi vẫn thích sự “độc” trong nghệ thuật nên mới nghĩ ra và uốn như vậy…”.
Ông còn cho biết thêm rễ cây ra rất nhiều trên miệng chiếc lục bình và ông có ý tưởng uốn những con vật trong bộ tứ linh lên tác phẩm của mình. Đã không ít những người khách nước ngoài đi du lịch ngang qua dừng xe tò mò ngắm nghía, ngợi khen và xin chụp ảnh bên tác phẩm nghệ thuật của ông.

Miệng cây lục bình được uốn bằng những rễ cây rất công phu
Bác Nguyễn Văn Bản, một người thích chơi cây cảnh gần nhà ông Hội cho biết: “ Đã quá nửa đời người, từng đi nhiều và xem nhiều cây cảnh nhưng tôi chưa từng thấy một cây cảnh giống cây của bác Hội, ngay cả nuôi cây, chờ đợi cho đến khi cây đủ uốn cho tác phẩm của mình những hơn 10 năm cũng chưa thấy…”.
“Tiếng lành đồn xa’’, đã không ít những người săn cây cảnh đến hỏi mua, lúc đầu trả với giá 100, 200 triệu rồi lên 300, 380 triệu đồng nhưng ông Hội không bán mà để chơi như một tác phẩm để đời cho con cháu sau này.
Kim Đức - Duy Tuyên
(Theo Dân trí)

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Linh sam cổ thụ...


Gọi là "cổ thụ" có lẽ cùng không ngoa, khi cây có những chỉ số về kích thước khá ấn tượng: hoành gốc khoảng 45 cm, cao khoảng 120 cm, tàn có đường kính khoảng 100 cm, lũa nguyên bản (jin), thế xiêu lượn. Chậu cạn khoảng 50 x 100.
Cây đã ra hoa rộ nhiều năm. Mùa hoa năm trước, là thời điểm cây đã làm hoàn thiện tạo hình như bây giờ nhưng điều đáng tiếc là chỗ để cây chật hẹp không thể chụp được một tấm hình như ý. Hẹn các bạn mùa hoa năm nay, dự kiến khoảng vài tháng nữa (tháng 6 DL)... 








Ảnh chụp 03/2012.

Lê Thạnh - Cổ Mai Hoa
0914.026.345 - Comaihoa@gmail.com

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Loài cây biết… ngũ!

Say giấc nồng (12 giờ khuya)


 Đó là một loài cây khá quen thuộc ở các vùng nông thôn Việt Nam. Nhờ đặc tính tái sinh mạnh mẽ, ngày xưa người ta thường trồng loại cây này để rào vườn, vừa có thể thu hoạch hàng năm để làm củi đun. Ngoài ra, trái cây còn được dùng như một vị thuốc tẩy giun cho trẻ nhỏ, lá để làm thức ăn gia súc rất tốt…

Nhưng chỉ có thế vẫn chưa phản ánh hết sự đặc sắc của cây. Với loại lá kép, mọc đối, mỗi khi ánh chiều buông xuống, cũng là lúc cây chuẩn bị để… ngũ, sau một ngày giúp ích cho đời. Nhưng vốn đa đoan, chỉ mới hơn 4 giờ sang thôi, cây đã hé màng, tĩnh giấc. 5 giờ 30 là lúc nàng tỉnh tảo hẳn để bắt đầu một ngày mới…

Quê tôi (Đại Lộc – Quảng Nam) người ta gọi cây này là cây keo. Trên nhiều tài liệu, gọi cây này là cây “keo dậu”, cây táo nhơn, bình linh ...

Cổ Mai Hoa xin  giới thiệu một nàng Keo Dậu tại vườn nhà:
Hoành gốc khoảng 40 cm, thân chính bằng cổ tay người lớn. Cao khoảng 80cm. Vào chậu khoảng 5 năm.


Vén màng choàng dậy lúc bình minh
Và một ngày mới lại bắt đầu...